Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu ngày càng nhiều
30 | 01 | 2008
Tại TPHCM, lượng thịt gà làm sẵn nhập khẩu (chủ yếu là đùi, cánh…) tiêu thụ đang tăng lên rất nhanh. Đầu năm 2007 khoảng 45-50 tấn/ ngày, cuối tháng 3 là 65 tấn/ ngày, giữa tháng 4 trên 77 tấn/ ngày và đến cuối tháng 12/2007, con số này gần 90 tấn/ngày.


Ngoài ra còn có thịt trâu, bò (chủ yếu từ Ấn Độ) được nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường, thời gian qua còn xuất hiện phụ phẩm của heo (tim, gan, ruột...) được nhập khẩu từ Úc... Nhưng điều đáng nói, nhiều công ty tham gia nhập khẩu và đưa ra kinh doanh trên thị trường chưa thực hiện đầy đủ các quy định về tem nhãn hàng hóa lưu thông trong nước và nhập khẩu theo Nghị định 178/NĐ-CP.

Mới đây, văn bản của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn việc quản lý sản phẩm động vật sau nhập khẩu nhằm ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm lây nhiễm từ nước ngoài vào, đồng thời bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Theo đó, sản phẩm động vật khi nhập khẩu phải có nhãn hàng hóa và được bảo quản ở những cơ sở bảo đảm yêu cầu về vệ sinh thú y, có giấy chứng nhận kiểm dịch của chi cục thú y (nơi chủ hàng bảo quản hoặc gia công sản phẩm động vật nhập khẩu) khi vận chuyển ra khỏi địa phương để tiêu thụ.

Sản phẩm động vật được bao gói lại tại các cơ sở gia công phải có tem kiểm tra vệ sinh thú y của chi cục thú y sở tại. Chủ hàng phải khai báo với thú y nơi bảo quản hàng, khi hàng hóa được vận chuyển từ cửa khẩu nhập về. Đăng ký với cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu để kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y cơ sở bảo quản sản phẩm động vật nhập khẩu trong thời gian cách ly kiểm dịch. Đăng ký với chi cục thú y sở tại để được kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y cơ sở bảo quản, gia công; giám sát trong quá trình bảo quản, gia công; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch khi vận chuyển sản phẩm ra khỏi tỉnh, TP để tiêu thụ. Sản phẩm động vật nhập khẩu chỉ được vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ khi có đủ các điều kiện và chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu của ngành thú y.

Cục Thú y cũng khuyến cáo người tiêu dùng chỉ nên mua sản phẩm động vật nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng, có nhãn hàng hóa; sản phẩm động vật đóng gói lại tại Việt Nam có nhãn hàng hóa và tem kiểm tra vệ sinh thú y.

Tuy nhiên, theo Chi cục Thú y TPHCM, nếu như thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu được quy định khá chặt chẽ thì các phụ phẩm gia súc nhập khẩu vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể về an toàn vệ sinh thú y, nhất là phụ phẩm dùng để chế biến làm thực phẩm.

 



Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường