Bộ Tài chính vừa chính thức công bố nội dung cụ thể về Dự án sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong công chúng.
Mục tiêu của đề án này là nhằm khắc phục những hạn chế của Luật bộc lộ sau 4 năm triển khai và phù hợp với bối cảnh mới. Trọng tâm của đề án là xem xét giảm mức thuế suất, loại bỏ bớt một số mục thuế bổ sung liên quan và điều chỉnh các ưu đãi thuế.
Giảm thuế, tăng cạnh tranh
Trong tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính đưa ra đề xuất xem xét giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành từ 28% xuống 25%.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh này xuất phát từ mục đích tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, giúp doanh nghiệp có điều kiện tăng tích luỹ, tích tụ, tăng thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng bảo đảm tăng tính cạnh tranh với thế giới và khu vực.
Về mức thuế suất 28% hiện hành, Bộ Tài chính cho biết, tại thời điểm ban hành (2003), mức thuế này đã được cân nhắc, tính toán kỹ nhằm bảo đảm được tính cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hầu hết các nước trong khu vực đều đang duy trì mức thuế tương đối cao như: Malaysia (32%), Thái Lan (30%), Philippines (35%) Indonesia (30%, riêng thuế suất đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác mỏ, dầu khí, thuỷ điện từ 30% đến 45%) và Trung Quốc (33%).
Tuy nhiên, do tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng trở nên gay gắt hơn, cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp được các nước trên thế giới và các nước trong khu vực quan tâm nhiều hơn. Xu hướng gần đây cho thấy nhiều nước đã giảm mức thuế suất nói trên nhằm thực hiện ưu đãi diện rộng cho cả nền kinh tế, tăng tính cạnh tranh quốc gia trong thu hút đầu tư.
Nghiên cứu thông tin quốc tế cho thấy mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành (28%) là cao hơn các nước trong khu vực có điều kiện cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư thuận lợi hơn. Ngay cả Singapore - nơi có môi trường đầu tư thuận lợi, đã quyết định hạ thuế này từ 20% xuống còn 19%; Philippines giảm từ 35% xuống 30%. Và mới đây nhất, Quốc vụ viện Trung quốc cũng đã quyết định giảm từ 33% xuống còn 25% để cạnh tranh với các nước trong thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Bộ Tài chính, thực tế trên đặt ra yêu cầu cần phải xem xét, cân nhắc kỹ hơn về mức thuế suất của Việt Nam đang áp dụng 28%. Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng hạ mức thuế suất phổ thông từ 28% xuống 25%, đồng thời bỏ thu thuế bổ sung đối với thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất.
Và để khuyến khích doanh nghiệp có nguồn lực để chủ động đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ mới, đổi mới thiết bị..., hàng năm doanh nghiệp được dành tối đa 10% thu nhập trước khi tính thuế để lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
Thêm ưu đãi
Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đưa ra những ưu đãi thuế đáng chú ý đối với những trường hợp khó khăn hoặc để khuyến khích đầu tư.
Các doanh nghiệp mới thành lập, hoạt động tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các doanh nghiệp mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ cao, nghiên cứu và phát triển, các lĩnh vực được xã hội hoá như giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá - nghệ thuật, thể thao và bảo vệ môi trường, được hưởng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm, được miễn thuế tối đa 4 năm và giảm 50% tối đa 9 năm. Đối với các trường hợp đặc biệt thì có thể được hưởng thuế suất 10% trong thời gian dài hơn theo quy định của Chính phủ.
Các doanh nghiệp mới thành lập, hoạt động tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cũng được hưởng ưu đãi nhưng mức độ ưu đãi thấp hơn đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, được hưởng thuế suất 20% trong thời gian 10 năm, được miễn thuế tối đa 2 năm và giảm 50% tối đa 4 năm.
Các trường hợp đầu tư mở rộng, đầu tư theo chiều sâu sẽ được trích khấu hao nhanh hơn so với mức thông thường thay thế cho việc giảm thuế hiện nay để bảo đảm tính khả thi và minh bạch.
Bộ Tài chính cho rằng nhưng ưu đãi thuế nêu trên đảm bảo duy trì (thậm chí còn cao hơn) so với các chính sách ưu đãi hiện hành, sẽ tạo được động lực khuyến khích mới cho nền kinh tế; về cơ bản bảo đảm cũng sẽ không ảnh hưởng đến số thu ngân sách.