Năm nay, do thời tiết rét đậm ở miền Bắc nên lượng khách du lịch nước ngoài, khách ở các địa phương khác về Đà Nẵng ăn Tết để tránh rét rất đông. Do vậu mà nhu cầu mua sắm và sức tiêu thụ hàng hoá nhu yếu phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tý tăng mạnh. Cho nên mặc dù giá cả các loại hàng hoá phục vụ Tết tăng khá cao so với các năm trước, số lượng hàng hoá dự trữ chuẩn bị khá lớn song đến thời điểm trước Giao thừa thì hầu như tại các cửa hàng, siêu thị, chợ, … trên địa bàn TP. Đà Nẵng hàng hoá tiêu thụ gần như hết; nhất là các loại hoa, cây cảnh, quật, mai, … đều hết veo, không còn để bán.
Các mặt hàng thực phẩm như thịt, cá, rau củ, bánh kẹo, mứt, … giá biến động theo từng ngày. Thịt heo mông loại ngon(thời điểm sáng ngày 29 Tết) giá dao dộng từ 90.000- 110.000 đồng/kg; thịt bò ngon giá từ 150.000 -170.000đồng/kg, gà thả vườn giá từ 80.000-90.000 đồng/kg, …..Trước tình hình này, một trong những nỗ lực của TP. Đà Nẵng nhằm góp phần bình ổn giá thịt heo phục vụ nhân dân trong dịp Tết Mậu Tý đó là Sở Thương mại Đà Nẵng đã tổ chức một mạng lưới gồm 9 điểm bán thịt heo có niêm yết đúng giá trên địa bàn thành phố với giá bán đã được trợ giá. Các điểm bán hàng cố định được đặt tại chợ Cồn, chợ Hàn, phía tây Siêu Thị Đà Nẵng, Chợ An Hải Đông, Chợ Đống Đa, 59 Núi Thành và 559 Hoàng Diệu; và ngoài ra còn có 2 xe lưu động trên các tuyến đường để phục vụ bà con trong dịp Tết.
Cùng với việc tăng giá đến chóng mặt của thực phẩm Tết thì trong suốt thời gian 3 ngày đầu tiên của năm mới, giá các loại dịch vụ như giữ xe tại các điểm vui chơi, chùa chiền, …; các dịch vụ ăn uống, vui chơi khác cũng tăng khá cao từ 20-30% so với bình thường. Từ mồng 2 Tết, mặc dù các chợ chưa mở cửa song có nhiều điểm đã bày bán các loại rau, thịt heo và được tiêu thụ khá nhanh. Nhất là các loại rau, quả tươi chỉ trong chốc lát là bán hết veo. Ngày mồng 3, mồng 4 Tết, lác đác một vài quầy kinh doanh hoa, trầu cau, trái cây, gà ta... đã mở hàng trở lại nhưng lượng tiêu thụ khá mạnh do nhiều gia đình có nhu cầu cúng “đưa ông bà”. Song, do chưa có nhiều hàng bán và hiếm hàng nên giá các loại thực phẩm này vẫn còn là “giá Tết”và người tiêu dùng phải chấp nhận mua đắt đỏ. Cụ thể, giá các loại thịt, hải sản tươi sống tăng từ 10 -20% so với thời điểm trước Tết; thịt bò trước ngày mồng 3 Tết tăng lên 220.000 đồng/kg; tôm tươi 120.000 đồng/kg, gà ta 120.000 - 130.000 đồng/kg,... Tuy giá rất cao nhưng lượng hàng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu bởi các đầu mối cung ứng hàng chưa về kip, các điểm cung cấp rau, thịt gia súc,… ở các vùng nông thôn cũng chưa kịp bổ sung hàng về sau đợt nghỉ Tết.
Do giá thực phẩm tăng cao sau Tết khiến cho giá dịch của các dịch vụ khác cũng ăn theo như: vụ ăn uống cũng tăng hơn 20-30% so với trước Tết. Thậm chí, ngày mồng 6 Tết khi các cơ quan, công sở, doanh nghiệp đã bắt đầu làm việc nhưng giá cả của các món ăn bình dân như bún, mì, cơm bình dân, … vẫn “ăn theo giá Tết” (ví dụ bún chả cá, trước Tết khoảng 8.000 - 10.000 đồng/tô nhưng nay đã tăng lên tới... 15.000 đồng/tô; phở lên 18.000 đồng/tô so với trước Tết là 12.000 đồng/tô,….. ).
Đến ngày mồng 8 Tết, giá các loại thịt có giảm chút ít nhưng vẫn ở mức 80.000-90.000 đồng/kg, các loại hải sản biển, rau tươi,… giá cũng bắt đầu giảm do ngư dân đã ra khơi đánh bắt và các Siêu thị, chợ đầu mối đã mở cửa hoạt động và tiếp hàng về. Đây cũng là ngày lễ Valentine (lễ tình nhân) nên đáng chú ý nhất là giá cả của các loại hoa và quà tặng dành cho ngày lễ đặc biệt này. Hầu như giá các loại hoa hồng rất đắt (7.000-10.000 đồng/bông) bởi không có nhiều, ít có hoa đẹp và vừa mới Tết xong. Hơn nữa, do thời tiết Tết ở Đà Nẵng lạnh hơn nhiều so với mọi năm; nhất là được dự báo thời tiết lạnh còn kéo dài sau Tết cho nên các mặt hàng quần áo ấm, tất, mũ len, … vẫn chiếm thế thượng phong trong danh sách mua sắm sau Tết và làm quà trong ngày Lễ Tình nhân 14/2.
Với tâm trạng còn “mồng”là còn Tết cho nên những bà nội trợ đi chợ ngững ngày đầu năm mới đành phải “bấm bụng” mua bán với giá đắt đỏ. Và trước tình hình giá cả đang đội lên và vẫn giữ mức cao ngất ngưỡng như hiện nay hầu như cả người tiêu dùng lẫn các tiểu thương buôn bán đều không vui vẻ gì và hy vọng giá cả sẽ giảm và ổn định dần sau Rằm tháng Giêng (15 tháng 1 Âm lịch). Điều mong mỏi chung của tất cả mọi người đó là các ngành chức năng cần nhanh chóng có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời để đảm bảo điều tiết và bình ổn giá cả trên thị trường sau Tết Nguyên đán.