Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thái Nguyên: Bò thịt lên ngôi
19 | 03 | 2008
Dự án bò sữa đổ bể đã để lại những thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi, nhưng chỉ 2 năm sau khi chuyển sang dự án bò thịt, tỉnh Thái Nguyên đã mang lại niềm tin cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Hà (xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình) hồ hởi đưa tôi ra thăm đàn bò của gia đình. Bò mẹ là giống bò vàng của địa phương. Bê con là giống lai được cán bộ của Trại giống bò Điềm Thụy thực hiện thông qua truyền tinh nhân tạo. Khi sơ sinh, trọng lượng của chúng đã lớn hơn trọng lượng của bê sơ sinh địa phương từ 7 -10 kg. Chị Hà nói, giống bò lai này còn có những ưu điểm nhìn thấy ngay như lông mượt, thân trường (dài), rất phàm ăn. Vì khả năng tăng trưởng trọng lượng của bò lai nhanh hơn nhiều so với bò địa phương nên gia đình chị sẽ tiếp tục tham gia thực hiện dự án bò thịt của tỉnh.
Chỉ tính nguyên địa bàn xã Điềm Thụy, đã có trên 200 hộ dân thực hiện truyền tinh nhân tạo cho đàn bò. Dọc đường đưa tôi đi thăm các mô hình tiêu biểu, anh Nguyễn Khắc Tuân (Trại trưởng trại giống bò Điềm Thụy) luôn được các hộ nuôi bò mời vào nhà để tranh thủ tìm hiểu kĩ thuật chăn nuôi. Trại giống bò Điềm Thụy là đơn vị trực thuộc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Thái Nguyên. Trại chính thức đi vào hoạt động từ năm 2007. Với chức năng sản xuất và lai tạo giống, năm 2007, Trại đã thực hiện truyền tinh nhân tạo thành công cho 1.000 con bò thuộc địa phận huyện Phú Bình và Phổ Yên. Tín hiệu vui là hầu hết các hộ dân sau khi được tập huấn, tuyên truyền để tham gia dự án đều khẳng định ưu thế vượt trội của bò lai. Anh Tuân - Trại trưởng cho biết, huyện Phú Bình, Phổ Yên và thị xã Sông Công là 3 địa phương phía nam của tỉnh Thái Nguyên có thế mạnh về chăn nuôi và chiếm tới 90 % tổng số đàn bò của cả tỉnh. Chính vì vậy, Trại giống bò của Trung tâm giống vật nuôi tỉnh Thái Nguyên được đặt tại vị trí trung tâm là xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình.

Sự ra đời của Trại giống bò Điềm Thụy là một trong những mục tiêu quan trọng của dự án bò thịt tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2006 -2010. Ngay sau khi xác nhận thất bại của dự án bò sữa, năm 2006, tỉnh Thái Nguyên chuyển sang thực hiện dự án bò thịt trên cơ sở thừa kế những chính sách của dự án cũ còn dang dở. Như vậy, các hộ chăn nuôi sẽ được hỗ trợ kinh phí khi tham gia dự án. Việc truyền tinh nhân tạo được hỗ trợ toàn bộ.

Đặc biệt, Ban quản lí dự án còn thẩm định và cung cấp miễn phí giống bò lai cho các hộ dân trên cơ sở trang bị kĩ thuật chăn nuôi. Qua 2 năm thực hiện dự án, đến nay, Thái Nguyên đã xây dựng được hệ thống mạng lưới truyền tinh nhân tạo bò đến tất cả các huyện, thành, thị. Đặc biệt, quy mô của đàn bò đã tăng trưởng nhanh chóng từ 28.000 con năm 2004, sau 3 năm, đến nay đã tăng gấp hơn hai lần với 57.000 con. Cơ cấu giống của đàn bò cũng đã chuyển dịch đáng kể. Mỗi năm, với việc cho ra đời từ 8 ngàn đến 10 ngàn bò lai, tỷ lệ bò lai trong tổng đàn của tỉnh Thái Nguyên đã chiếm 24%. Kết quả quan trọng nhất là dự án đã tạo được niềm tin cho người dân, đồng thời trang bị cho họ kĩ thuật chăn nuôi. Thực tế đó đã mở ra một hướng đi mới đối với người nông dân. Đó chính là chuyển từ chăn nuôi quảng canh sang mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại. Tỉnh Thái Nguyên đã xuất hiện thêm nhiều mô hình trang trại chăn nuôi bò với quy mô lớn. Tại xã Yên Trạch, huyện Phú Lương, xã nghèo nhất hiện nay của tỉnh cũng đã ra đời mô hình chăn nuôi gần 100 con bò của gia đình ông Ma Văn Hon.

Bò lai được truyền tinh nhân tạo chủ yếu là giống Bradman của Mỹ hoặc giống Zebu của Ấn Độ. Ông Nguyễn Văn Khúc ở xã Nga My, huyện Phú Bình đã có 2 con bê lai giống. Ông thổ lộ rằng chỉ cần so sánh những con bê non giữa bê lai và bê địa phương sẽ thấy ngay sự vượt trội về ưu thế của bê lai. Vì vậy, gia đình ông quyết định đầu tư trồng đồng cỏ, xây dựng vườn chuồng để chăn nuôi bò lai với số lượng lớn.

Được biết, giống bò lai sau khi sinh, trong 12 tháng đầu sẽ tăng trưởng từ 160 đến 185 kg, lớn hơn từ 40 đến 65 kg so với giống bò địa phương. Dự án bò thịt đã tạo được một tiến bộ lớn về trình độ của người nông dân. Không những thế, nó xóa được ấn tượng xấu của họ về việc triển khai dự án bò sữa trước đó. Ông Phạm Gia Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Thái Nguyên cho biết : Rất nhiều hộ dân hiện nay đã và đang triển khai xây dựng các điều kiện cho việc mở rộng quy mô chăn nuôi đàn bò. Thực tế đó không chỉ tạo ra một phong trào phát triển kinh tế hộ mà còn hứa hẹn nhiều tiềm năng và triển vọng của đàn bò trên địa bàn Thái Nguyên.



Nguồn: nongnghiep.vn
Báo cáo phân tích thị trường