Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường gạo thế giới tháng 5: giá biến động mạnh
17 | 06 | 2008
Thị trường gạo thế giới căng thẳng trong cả tháng 5, và chỉ dịu lại vào đầu tháng 6, khi Thái Lan và Việt nam bước vào vụ thu hoạch chính - dự báo sẽ bội thu. Đầu tháng 5, thị trường gạo thế giới tiếp tục biến động mạnh, giá duy trì ở mức kỷ lục cao sau khi bão lớn xảy ra ở Myanma gây ra tình trạng thiếu thốn lương thực trầm trọng ở nước này, không những biến giấc mơ xuất khẩu gạo năm nay của nước này trở thành hão huyền, mà còn buộc họ phải nhập khẩu khối lượng lớn gạo. Gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam đều vượt mức giá 1.000 USD/tấn, đạt đỉnh cao 1.080 USD/tấn. Ngày 24/4, gạo Mỹ đã lập mức cao kỷ lục trong lịch sử, 25,07 USD/cwt.
Tuy nhiên, sang tháng 6, giá bắt đầu giảm nhẹ. Hiện giá gạo xuất khẩu của châu Á phổ biến ở 830-900 USD/tấn, FOB.

Giá mặt hàng lương thực thiết yếu này đã tăng vọt trong năm nay do những hạn chế xuất khẩu của các nước sản xuất gạo lớn trên thế giới trong bối cảnh sản lượng gạo tăng chậm, trong khi nhu cầu tiêu thụ mạnh. Ngày 7/5, Nigeria, đất nước nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, đã tuyên bố bỏ thuế nhập khẩu gạo trong 6 tháng để góp phần “hạ nhiệt” cơn sốt giá.

Tính tới cuối tháng 5, giá gạo 100% loại B của Thái Lan đã tăng 135%, vượt xa so với tốc độ tăng của ngô là 18%. Sản lượng gạo mấy năm gần đây chỉ tăng nhẹ do không có đầu tư vào nghiên cứu phát triển hệ thống nông nghiệp ở các nước Châu Á, trong khi dân số không ngừng tăng lên. Công nghệ cũng không được cải tiến để nâng cao sản xuất và đất đai cũng ít ỏi.

Ngày 26/5, Campuchia đã trở thành nước đầu tiên xoá bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo. Tin này như một luồng gió mới thổi vào thị trường gạo thế giới, làm dịu lại nỗi lo về một nạn đói đang bùng phát trên toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia khác, đặc biệt là những nước xuất khẩu lớn như Việt nam, Thái Lan và Ấn Độ vẫn duy trì chính sách hạn chế hoặc cấm xuất khẩu để ổn định thị trường nội địa. Việt Nam có thể sẽ chỉ xoá bỏ lệnh cấm này vào tháng 7 tới, khi vào mùa thu hoạch cao điểm. Ấn Độ, nước sản xuất gạo lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc, có thể sẽ nới lỏng một phần lệnh cấm xuất khẩu gạo sau khi có một vụ mùa bội thu. Sản lượng gạo Ấn Độ trong năm kết thúc vào tháng 6/2008 dự kiến đạt kỷ lục cao, 95,68 triệu tấn, so với 93,35 triệu tấn năm trước. Pakistan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới, cũng sẽ cho phép xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn gạo bởi nhu cầu trong nước đã được đáp ứng đủ.

Tổ chức Nông – Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2008 sẽ đạt 445,3 triệu tấn, tăng 2,3% so với mức kỷ lục cao 435,2 triệu tấn của năm ngoái. FAO dự báo tiêu thụ gạo thế giới năm nay sẽ tăng 2,4%.

Philippine, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, năm nay đã thất bại trong kế hoạch nhập khẩu gạo qua các cuộc đấu thầu, do quá ít các nhà xuất khẩu gạo tham gia. Nước này cần nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo mỗi năm để bù vào chỗ thiếu hụt. Tháng 12 tới, Philippine có thể sẽ mở một cuộc đấu thầu mới để bổ xung vào kho dự trữ quốc gia.

Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh giảm mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2008 xuống 3,5-4 triệu tấn, so với mức xuất khẩu 4,5 triệu tấn năm ngoái để đảm bảo an ninh lương thực trong nước và kiềm chế lạm phát tăng hai con số. Nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và trên cơ sở cân đối cung cầu lúa gạo, Việt Nam dự định giảm dần lượng lúa gạo dành cho xuất khẩu theo từng năm từ nay đến năm 2020.

Theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế của Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), giá gạo sẽ giảm vào cuối năm nay sau khi các nhà sản xuất cắt giảm xuất khẩu và nhà nhập khẩu gạo hàng đầu Philippin dừng nhập khẩu và các nhà sản xuất nới lỏng hạn chế xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm nay.

Tuy nhiên, FAO dự báo giá gạo sẽ còn tiếp tục cao, đạt đỉnh điểm vào 2009, sau đó giảm dần và bình ổn trở lại trong giai đoạn từ 2010 - 2017. Mức dự trữ gạo thấp như hiện nay sẽ càng làm tăng rủi ro về giá (cao) trong tương lai. Dự trữ lúa gạo trên toàn thế giới đã sụt giảm mạnh, làm tăng mạnh thương mại lúa gạo toàn cầu, tăng đột biến giá gạo xuất khẩu, đặc biệt trong năm 2007 và đầu năm 2008. Sản lượng gạo của Trung Quốc giảm hơn 4 triệu tấn, kéo theo lượng dự trữ giảm. Đây là nguyên nhân chính làm sụt giảm tổng dự trữ lúa gạo toàn cầu. Tỷ lệ dự trữ/sử dụng của Trung Quốc dự báo giảm từ 18,7% trong năm 2007/2008 xuống còn 16,2% năm 2016/2017, mức thấp nhất kể từ năm 1974/1975. Lượng gạo tồn kho cuối cùng của Thái Lan cũng giảm từ 4.124.000 tấn của vụ mùa 2007/2008 xuống còn 1.918.000 tấn vào năm 2017. Của Việt Nam, năm 2007/2008 là 2.511.000 tấn, dự kiến 2017 giảm 67,7%.

Từ nay tới 2017, các nước sản xuất gạo ở châu Á - Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ - sẽ tiếp tục là nguồn cung cấp gạo xuất khẩu chính của thế giới. Riêng xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam sẽ chiếm khoảng nửa tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Việt Nam xuất khẩu gạo hạt dài là chủ yếu. Thái Lan xuất khẩu gạo thơm, gạo hạt dài đặc biệt và gạo nếp. Nguồn cung của hai nước này tăng, do sản lượng gạo tăng, nhờ năng suất lúa được cải thiện và tiêu dùng gạo bình quân đầu người trong nước có xu hướng giảm. Trong khi đó, thị phần gạo xuất khẩu dự báo sẽ giảm ở Hoa Kỳ, Pakistan và Trung Quốc.

Giá gạo xuất khẩu tại châu Á ngày 13/6, FOB:

Gạo Thái lan
100% B
FOB Băng Cốc
860-867
USD/T
5%
835-850
USD/T
Gạo sấy 100%
900-934
USD/T
Gạo Việt nam
5% tấm
FOB cảng Sài gòn
900-950
USD/T



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường