Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
VFA sẽ mua lúa để cứu nông dân ĐBSCL
11 | 08 | 2009
Hàng ngàn nhà nông trên vựa lúa 1,6 triệu hécta ở ĐBSCL đã, đang và sắp thu hoạch lúa hè thu, đã "khóc theo mưa" vì hàng trăm tấn đã thu hoạch không thể phơi, sấy, hư hỏng, cảnh báo vụ mùa thất bát. Trước vấn đề này, hôm qua (10.8), Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay sẽ khẩn trương mua lúa để cứu dân...

Ông Nguyễn Thọ Trí - GĐ Cty lương thực Trà Vinh - Phó Chủ tịch VFA phụ trách truyền thông - thông tin khẳng định với PV: " Ngay từ hôm nay (ngày 10.8-PV) 21 thành viên HĐQT VFA, đồng thời là đại diện 21 Cty lương thực có mặt ở hầu hết các tỉnh ĐBSCL, cùng một số Cty thành viên VFA sẽ đồng loạt triển khai mua lúa khô đợt 1 quy ra gạo, tổng cộng khoảng 400.000 tấn cho người dân. Nhiệm vụ này sẽ hoàn thành trong tháng 8.2009.

Sau đó, nếu tình hình xuất khẩu chưa được cải thiện, sẽ triển khai thu mua tiếp đợt 2. Giá thu mua sẽ đảm bảo không dưới 3.800 đồng/kg lúa, đủ để người sản xuất đạt lợi nhuận tối thiểu 30%!".

Theo ông Trí, mức giá thu mua tối thiểu đó dựa trên kết quả điều tra giá thành của nhiều tỉnh. Đơn cử, kết quả điều tra mới nhất của Sở NNPTNT Trà Vinh cho thấy, giá thành lúa trung bình chỉ từ 2.600 đồng/kg - 2.800 đồng/kg. Vì vậy khi VFA mua với giá đó, đảm bảo nông dân có lời tối thiểu 30%.

Đợt thu mua này nằm trong kế hoach mua tiêu thụ xuất khẩu khoảng 2 triệu tấn gạo vụ hè thu năm nay của VFA. Việc thu mua phải được thông báo rộng rãi tận từng điểm thu mua để nông dân sản xuất lúa cần bán biết, đồng thời không để xảy ra tình trạng DN được giao không đủ số lượng hoặc mua dưới giá quy định...

ĐBSCL hiện đã thu được khoảng 300.000ha/1,6 triệu hécta lúa hè thu, năng suất bình quân khoảng 4,3 tấn/ha. Tuy nhiên đúng vào thời điểm này, lần đầu tiên ĐBSCL dính liên tiếp nhiều trận mưa, bão lớn, kéo dài và lũ lên nhanh làm lúa đổ ngã. Khi thu hoạch lúa bị ướt, nhưng do mưa dầm nhiều ngày không thể phơi, phải tốn thêm khoản thuê máy sấy trung bình 250 đồng/kg.

Tuy nhiên, toàn khu vực ĐBSCL chỉ có hơn 6.000 máy sấy lúa - đáp ứng khoảng 40% sản lượng lúa hè thu. Thế nên mới có cảnh hiện nay, trên tuyến đường liên huyện dài hàng chục cây số từ trung tâm huyện Tân Hồng đến huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), hàng trăm tấn thóc nằm bất động hai bên đường được "trùm mền" chịu mưa, chờ nắng.

Những nguyên nhân trên khiến chất lượng lúa vụ hè thu không cao, dẫn tới giá bán liên tục rớt. Lượng tồn đọng ngày càng tăng. Chỉ riêng Vinh dự tính sẽ tồn gần 1/2 sản lượng (155.000 tấn/396.000 tấn lúa hè thu).

Trong khi đó, tính đến nay, DN VN đã giao được 4,108 triệu tấn gạo/ 5,39 triệu tấn đã ký hợp đồng xuất khẩu. Hiện trong kho DN còn tồn khoảng 1,3 triệu tấn chưa giao đối với hợp đồng đã ký. Mặt khác, xuất khẩu gạo của VN bị ép xuống thấp cũng là nguyên nhân khiến giá thu mua trong nước giảm.

Lý do không phải do gạo ta thiếu cơ hội, thế giới thừa nhu cầu mà ngược lại - bởi sự cạnh tranh mua bán với giá thấp, cạnh tranh bán gạo bằng mọi giá giữa các DN - cũng khiến cho thương nhân nước ngoài có cơ sở để ép giá gạo xuất khẩu của nước ta xuống. Hiện giá xuất khẩu loại gạo 5% tấm chỉ còn 400USD/tấn, loại 25% tấm là 350USD/tấn. Mức giá này thấp nhất trên thị trường thế giới hiện nay, ngoại trừ Myanmar.

Vì vậy, ngoài việc chủ động thu mua lúa để nhanh chóng cứu nông dân ĐBSCL, VFA sẽ báo cáo tới các bộ để trình Thủ tướng có giải pháp hỗ trợ cụ thể, để xử lý tình trạng giá lúa gạo trong nước đang có xu hướng giảm như hiện nay.



Theo LĐ
Báo cáo phân tích thị trường