Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chôm chôm GlobalGAP
07 | 07 | 2009
Lần đầu tiên ở ĐBSCL có một nông dân tự đầu tư trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP (tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng, an toàn và truy nguyên được nguồn gốc), xuất khẩu hàng tấn chôm chôm sang châu Âu, thu lợi lớn
Đó là ông Võ Văn Hớn (Sáu Hớn), SN 1939, ở ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, đang là chủ trang trại chôm chôm rộng 6,4 ha.

Từ đói ăn đến lãi 1 tỉ đồng/năm


Lập gia đình năm 1958, vợ chồng ông Hớn ra riêng với tài sản duy nhất là cái nền nhà trống hoác nên đành phải đi làm mướn quanh năm để kiếm sống. Gánh nghèo ngày càng nặng hơn trên vai vợ chồng ông khi 12 đứa con lần lượt ra đời. Phải làm gì để thoát nghèo? Suy nghĩ mãi, ông quyết: Trồng chôm chôm!


Ngoài cây chôm chôm là chủ lực, ông trồng xen canh nhiều loại cây hoa màu để lấy ngắn nuôi dài. Trời chẳng phụ người, vụ đậu que đầu tiên (vào khoảng năm 1970) vừa trúng mùa lại bán được giá. Trừ chi phí thu hoạch, ông lãi từ vụ đậu que này 150.000 đồng. Đó là số tiền lớn bởi vào thời điểm ấy, giá đất chỉ 30.000 đồng/công. Để dành một ít tiền phòng thân, số còn lại ông mua 3 công đất và sắm ghe để làm phương tiện thu mua rau quả trong vùng rồi thuê xe chở lên Sài Gòn bán cho các chủ vựa kiếm lời. Chẳng bao lâu sau, ông Sáu Hớn mua thêm đất của những hộ lân cận để mở rộng diện tích trồng chôm chôm. Đến nay, ngoài 3,4 ha đất trồng chôm chôm và cây màu, ông thuê dài hạn thêm 3 ha đất nữa trồng riêng chôm chôm Java.


Nhờ cần cù, chịu khó học hỏi về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây nên mùa nào vườn chôm chôm nhà ông Hớn cũng đạt năng suất rất cao, trái đẹp, bán được giá. Dần dần, thương hiệu “chôm chôm Sáu Hớn” nức tiếng khắp vùng, khiến bạn hàng khắp các tỉnh Nam Bộ và TPHCM đổ về, tranh nhau mua chôm chôm của vườn nhà ông. Từ đó, cuộc sống gia đình ông Hớn ngày càng khá lên, có của ăn của để. Không chỉ vậy, “chôm chôm Sáu Hớn” được nhiều bạn hàng đặt mua để xuất sang Trung Quốc.


Các con ông Sáu Hớn cũng theo cha, làm nghề thu mua trái cây đưa lên TPHCM bán, rồi bắt mối xuất sang Trung Quốc. Để tìm được chỗ đứng vững chắc ở thị trường rộng lớn này, ông Hớn nghĩ phải làm ra trái cây sạch để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của đối tác. Vì thế, ý thức cắt thuốc phòng trừ dịch bệnh trước thu hoạch luôn được ông thực hiện rất nghiêm túc. Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, gia đình ông lãi hơn 1 tỉ đồng từ trồng và bán chôm chôm.


Ông Sáu Hớn và các thành viên trong gia đình đóng gói chôm chôm để đưa đi tiêu thụ


Đạt chuẩn quốc tế


Ông Sáu Hớn là hộ nhà vườn đầu tiên ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đưa quy trình xử lý cây chôm chôm ra trái nghịch vụ lên tầm cao hơn, thông qua việc phủ bạt để tạo hạn giả kích thích cây cho trái vụ nghịch.

Việc áp dụng kỹ thuật trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn GlobalGAP đến với ông Sáu Hớn như một cơ duyên. Ông kể: “Có một người bạn sống tại Đức, chuyên xuất khẩu rau quả, hôm nọ tìm đến gặp tôi, đặt vấn đề áp dụng quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu GlobalGAP cho trái chôm chôm. Lúc đầu, khi nghe hướng dẫn làm cách nào để đạt được tiêu chuẩn quốc tế cho trái chôm chôm, tôi thấy quá rườm rà, ngại quy định, thủ tục khắt khe nên định không làm. Nhưng sau đó, nhận thấy quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP là giấy thông hành cho sản phẩm của mình có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, tôi và các con bắt tay vào áp dụng”.


Theo ông Hớn, sổ nhật ký sản xuất là một trong những khâu quan trọng để ghi chép chi tiết lịch thăm vườn, chủng loại phân bón, thuốc phun xịt cho cây. 6,4 ha đất trồng của ông được chia thành nhiều lô và cắm nhiều bảng ghi chi tiết thông tin theo hướng dẫn. Cũng theo yêu cầu kỹ thuật của GlobalGAP, ông phải ký hợp đồng với 2 lao động chuyên phun xịt thuốc, bón phân cho cây và 10 lao động làm việc vào mùa thu hoạch, trả lương 1,5 triệu đồng/người/tháng. Khi bước vào vườn cây trồng, người lao động phải mặc đồ bảo hộ lao động nghiêm túc. Trong vườn, cứ 500 m là có nhà vệ sinh, xà phòng luôn để sẵn. Trái thu hoạch được cắt thuốc đúng thời gian quy định, dáng trái phải đẹp và đồng đều...


Ròng rã một năm trồng chôm chôm theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ông Sáu Hớn cùng các con phải lấy một số mẫu đất, nước... đem lên Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 ở TPHCM xét nghiệm các kim loại nặng (kết quả đều đạt tỉ lệ cho phép), rồi thuê chuyên viên hướng dẫn quy trình canh tác chôm chôm, các biện pháp sử dụng an toàn, hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật cho chủ nhà vườn và công nhân. Ông cùng các con còn tham gia khóa học để được cấp giấy chứng nhận liên quan đến sử dụng an toàn, hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật trên cây có múi, sử dụng an toàn lao động về cơ khí - điện trong canh tác nông nghiệp theo tiêu chuẩn GlobalGAP...


Nửa tháng hoặc một tháng một lần, người bạn của ông Sáu Hớn cùng các chuyên gia hướng dẫn đến vườn chôm chôm kiểm tra sổ ghi chép để đánh giá việc thực hiện theo quy trình GlobalGAP. Vụ thu hoạch gần đây nhất, nhờ người bạn làm đầu mối, ông Hớn đã đóng gói xuất sang Đức hơn 2 tấn chôm chôm, giá bán lên đến... 120.000 đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với giá bán trong nước và tại Trung Quốc.


Chưa bằng lòng với thị trường Đức, ông Sáu Hớn cho biết: “Những vụ mùa tới, tôi sẽ đưa chôm chôm sang chào hàng tại một số nước châu Âu khác”.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường