Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành chè phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 167 triệu USD năm 2009
12 | 08 | 2009
Theo thông tin từ Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas), bất chấp những khó khăn của khủng hoảng kinh tế, xuất khẩu chè của cả nước vẫn giữ mức tăng trưởng ấn tượng: 6 tháng đầu năm 2009 xuất khẩu chè cả nước ước đạt 50 triệu USD tăng hơn 17% về lượng và 13% về giá trị so với cùng kỳ.

Hiện sản phẩm chè của Việt Nam đã có mặt trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thương hiệu “CheViet” đã được đăng ký và bảo hộ tại 70 thị trường quốc gia và khu vực như Mỹ, EU và Nga. Đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu chè.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu giúp ngành chè không những đứng vững trong tình hình kinh tế khó khăn mà còn có cơ hội phát triển hơn trong thời gian sắp tới là do xu hướng của người tiêu dừng chuyển từ những đồ uống như cà phê, nước trái cây sang các loại đồ uống phổ thông hơn như chè.

Hiện, giá chè trong nước và giá chè xuất khẩu đang giữ ở mức tăng ổn định, trong đó giá chè nội địa tăng 1,6%, giá chè xuất khẩu tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, ngành chè là một trong những ngành thu hút nhiều lao động so với các ngành khác.

Hiện cả nước có 35 tỉnh trồng chè, chiếm tổng diện tích hơn 131.500 ha và bình quân năng suất đạt 6,5 tấn búp tươi/ha, cung cấp nguyên liệu cho khoảng 700 cơ sở sản xuất chè khô.
Các thị trường nhập khẩu chủ yếu sản phẩm chè của Việt Nam phải kể tới như: Pakistan, Nga, Đài Loan, Trung Quốc, Afganistan. Chỉ tính riêng bốn tháng đầu năm, lượng nhập khẩu chè của Pakistan đã tăng hơn 3.000 tấn, Nga tăng khoảng 1.700 tấn, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 300 tấn, Hà Lan tăng gần 500 tấn....

Với đà phát triển này Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho rằng, năm 2009, ngành chè Việt Nam sẽ xuất khẩu 117 ngàn tấn, với kim ngạch phấn đấu đạt khoảng 167 triệu USD (tăng 13,6% so với năm 2008) và diện tích trồng chè của Việt Nam đạt 131,5 nghìn ha, tăng 1.900 ha so với diện tích năm 2007.

Đây cũng là một trong những mặt hàng của ngành Nông nghiệp mà chỉ tiêu tăng trưởng được đưa ra cao hơn năm trước.

Để đạt được kế hoạch trên, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng cho rằng, ngành chè cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, địa phương cũng như Hiệp hội nhằm đưa ra hướng đột phá nâng cao chất lượng chè Việt Nam và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh việc tiếp tục giữ vững những thị trường truyền thống, ngành chè cần đẩy mạnh xuất khẩu thêm qua các thị trường mới như: Đức, Hà Lan, Ba Lan, Ả Rập Xê út... cũng như sớm khôi phục lại thị trường Irắc.

Thêm vào đó, ngành chè cần tăng cường đổi mới dây chuyền và công nghệ chế biến bảo đảm chất lượng, tìm hiểu khẩu vị, thị hiếu của người tiêu dùng cũng như tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu và tổ chức sản xuất các loại chè cao cấp có sức cạnh tranh cao như: các loại chè ướp hương hoa quả, các loại nước chè đóng hộp, các loại chè thuốc và các loại chè thảo mộc khác.

 (Theo Vinanet)

 

 



Báo cáo phân tích thị trường