Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bưởi Đoan Hùng: Dự án thất bại, thương hiệu khó giữ
02 | 02 | 2010
Dự án trồng mới 1.000ha bưởi Chí Đám, Bằng Luân hy vọng sẽ xóa đói giảm nghèo cho nông dân Đoan Hùng (Phú Thọ), bảo tồn nguồn gene, cải tạo môi trường sinh thái. Nhưng chỉ sau 5 năm thực hiện, những vườn bưởi đó vẫn chưa cho thu hoạch. Thương hiệu bưởi Đoan Hùng có thể bị ảnh hưởng lớn trên thị trường.

Bưởi ngọt đắng lòng

Đang chính vụ nhưng hàng trăm héc-ta bưởi Đoan Hùng nhìn mỏi mắt mới thấy lèo tèo vài quả. Cây còi cọc, cây xanh um, lổn nhổn như những cánh rừng hoang. Có mặt tại vườn bưởi nhà ông Vũ Hồng Thực (thôn 7, xã Vân Du), nghe ông tâm sự về "cây bưởi xóa đói giảm nghèo" khiến những người chứng kiến cảm thấy đắng lòng vì công sức. Hy vọng của gia đình ông cũng như hàng trăm hộ gia đình khác ở Đoan Hùng có thể thành công dã tràng.

Trên mảnh đất rộng 1 ha, gia đình ông Thực loay hoay mãi với những cây lâu năm, hết trồng nhãn ông quay sang trồng xoài, nhưng kinh tế gia đình vẫn không phất lên được. Năm 2004, khi biết tin tỉnh triển khai Dự án trồng bưởi Đoan Hùng trên đất của xã, gia đình ông lại chặt xoài chuyển sang trồng bưởi. Hơn 100 gốc bưởi đã trồng được 5 năm nhưng không chịu ra quả, ông bức xúc nói: "Bưởi Đoan Hùng trồng chỉ 3 năm là bói quả, 5 năm cho bưởi thương phẩm. Cả vườn bưởi nhà tôi chỉ 12 cây đạt hiệu quả như cam kết của Trung tâm giống cây trồng, còn 90 cây khác coi như mất trắng".

Xót xa cho công sức của mình bỏ ra, ông Thực và nhiều người dân khác mang những bức xúc của mình đến hỏi Phòng Nông nghiệp huyện nhưng họ giải thích rằng, việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào trồng mới, phương pháp chăm sóc của các hộ dân còn nhiều hạn chế, phòng trừ sâu bệnh chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nhiều diện tích sau trồng không được quan tâm chăm sóc nên bưởi không đạt hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó, hầu hết những buổi tập huấn của tỉnh ông không bỏ lỡ một buổi nào. Về nhà, ông cố gắng vận dụng hết những kinh nghiệm học được vào chăm sóc vườn bưởi. Không những thế, ông còn đầu tư gần 20 triệu vào đào ao, mua máy bơm nước để tưới cây.

Không kiên trì chờ đợi giải pháp của Sở Nông nghiệp,   ông Phạm Tiến Tuy, khu 2,  xã Quế Lâm, đã phá bỏ hoàn toàn vườn 100 cây bưởi Dự án để trồng cây công nghiệp. Cá biệt, tại xã Nghinh Xuyên có diện tích cây trồng tập trung với quy mô lớn, được đầu tư hệ thống tưới tiêu trên đất bãi ven sông, song nhiều diện tích đã được các hộ dân tích nước, cải tạo trở lại để cấy lúa. Một số hộ đã phá bỏ vườn bưởi để chuyển sang trồng cây màu như ở xã Phương Trung.

Thương hiệu có thể bị lãng quên

Bưởi Đoan Hùng là cây ăn quả đặc sản của Phú Thọ, có tiếng cả nước, nhưng hầu hết các vườn bưởi ở Chí Đám, Bằng Luân, quả có hiện tượng nhỏ lại, mẫu mã không đẹp, hương vị không còn được như trước. Vì vậy, để lưu giữ, bảo tồn và phát triển bưởi Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo đầu tư xây dựng Dự án phát triển cây bưởi đặc sản huyện Đoan Hùng giai đoạn 2003-2010. Cách làm đó của tỉnh là hoàn toàn đúng đắn, thậm chí, tháng 3/2008, tỉnh Phú Thọ còn làm được điều mà nhiều vùng khác phải học hỏi, đó là sản phẩm bưởi Đoan Hùng được Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận vào sổ đăng ký quốc gia tên gọi, xuất xứ hàng hóa và được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề trái chiều với mục tiêu của Dự án.

Đem những bức xúc của người dân lên hỏi ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Phú Thọ giải thích: "Sự cố đó là do nhầm lẫn của cán bộ thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức, quản lý quy trình sản xuất giống không chặt chẽ, dẫn đến việc lô giống năm 2004 của Trung tâm giống cây trồng chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Kỹ thuật viên không mở nhật ký theo dõi quá trình ghép, khai thác mắt dẫn đến việc cắt nhầm mắt ghép bưởi Đoan Hùng thành bưởi Diễn, bưởi Mỹ, Nhật, bưởi dại. Và hậu quả là có tới 9.267 cây bị nhầm (tương đương 57% trong tổng số 16.269 cây được trồng năm 2004)".

Còn việc dán tem, đóng gói sản phẩm và logo thương hiệu, phần lớn các hộ sản xuất quy mô lớn như Nguyễn Ngọc Viên, Trần Văn Thu ở Chí Đám không hề biết tới. Thậm chí cả chị Thủy, cán bộ phòng trồng trọt của tỉnh cũng khẳng định hơn một năm nay không hề được nhìn thấy tem dán lên quả bưởi Đoan Hùng trên thị trường. Còn việc triển khai thực hiện, chị e rằng điều đó rất khó khăn vì trong hàng ngàn héc-ta bưởi, những quả đạt chất lượng thực sự để dán tem cũng rất ít.

Trong khi chờ tỉnh mời các nhà khoa học nghiên cứu đưa ra giải pháp cải tạo hàng ngàn héc-ta bưởi Đoan Hùng "phát triển trái ý" của Dự án, nhiều hộ gia đình quyết tâm khắc phục tình trạng này bằng cách giữ nguyên gốc cũ của bưởi "Dự án" ghép mắt bưởi Chí Đám và bưởi Bằng Luân. Hy vọng trong 3 năm tới, bưởi sẽ bói quả, bưởi Đoan Hùng sẽ giúp người dân thoát nghèo.



Theo www.khoahocphattrien.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường