Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA): Dự kiến trong hai tháng 5 và 6/2010, Việt Nam chỉ XK được khoảng 1,3-1,4 triệu tấn gạo, nâng tổng lượng gạo XK trong 6 tháng đầu năm lên 3,3 triệu tấn, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái từ 300.000 đến 350.000 tấn.
Chưa mừng, đã lo
Việc sản lượng gạo XK có nguy cơ sụt giảm khiến nhiều doanh nghiệp hết sức lo lắng bởi trong cuộc giao ban quý I với Bộ Công Thương, VFA còn đưa ra thông báo thị trường tiêu thụ gạo đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại, khi Tổng công ty Lương thực miền Bắc đã trúng thầu XK 150.000 tấn gạo vào thị trường Iraq. Tiếp theo, các nước châu Phi sau một thời gian dài nghe ngóng động tĩnh đã rục rịch đặt hàng trở lại. Trong khi đó Indonesia dù tuyên bố không thiếu gạo nhập khẩu, nhưng tồn kho chỉ còn khoảng 1,3 triệu tấn nên có nhiều khả năng phải nhập khẩu
Nhưng tại thời điểm này hầu hết các doanh nghiệp XK gạo đều rơi vào tình trạng XK cầm chừng. Theo ông Nguyễn Văn Việt- Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh: Từ đầu năm đến nay, công ty xuất khẩu được khoảng 30.000 tấn, chủ yếu sang thị trường tập trung Malaysia, Philippines với những hợp đồng được ký giữa chính phủ hai nước. Đại diện Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) cũng than thở: Chưa bao giờ XK gạo lại khó khăn như lúc này, hiện đơn vị chỉ thực hiện giao hàng đối với các hợp đồng đã được ký kết, chủ yếu là giao cho Philippines, Malaysia. Còn các hợp đồng mới, nhất là hợp đồng thương mại hầu như không có.
Theo Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA): Hiện hầu hết các doanh nghiệp XK gạo đều khó tìm kiếm được hợp đồng thương mại, nhất là hợp đồng tại thị trường châu Phi, vốn được coi là thị trường rất tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam. Thậm chí, tại thị trường này, có hợp đồng XK đã được ký kết, nhưng phía nhà nhập khẩu không chịu thực hiện với lý do không đủ năng lực tài chính. Không chỉ XK sang châu Phi gặp khó, mà ngay tại các thị trường vốn được coi là thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines cũng tạm ngừng nhập khẩu 800.000 tấn gạo khiến doanh nghiệp XK gạo trong nước đã khó càng thêm khó.
Ngoài việc vắng hợp đồng thì theo nhiều doanh nghiệp, gạo Việt Nam còn phải cạnh tranh gay gắt với gạo giá rẻ từ Pakistan, Bangladesh. Thương nhân của các nước này chào bán gạo XK chỉ 320-330 USD/tấn, mức giá này thậm chí thấp hơn giá thành sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.
Đâu là nguyên nhân?
Theo VFA, xuất khẩu gạo đang có diễn biến xấu do nguồn cung đang vượt cầu khi FAO dự báo sản lượng gạo thế giới trong năm 2010 sẽ đạt 440,8 triệu tấn, tăng 8,7 triệu tấn so với năm 2009. Tại thị trường châu Phi, gạo do Pakistan và Myanmar XK đang chiếm ưu thế bởi giá thành rẻ hơn gạo Việt Nam. Có như vậy là bởi khoảng cách giữa các nước này đến châu Phi gần hơn Việt Nam nên trung bình mỗi tấn gạo từ Pakistan qua châu Phi rẻ hơn 15 USD so vớigạo XK của Việt Nam. Theo nhận định của Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Trí Ngọc: Việc giá gạo XK của Việt Nam cao hơn các nước khác ngoài nguyên nhân về khoảng cách địa lý còn bởi từ đầu năm đến nay giá cả nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng cao kéo theo chi phí sản xuất tăng trong khi diện tích canh tác không tăng. Thêm nữa, cơ hội tranh thầu 200 nghìn tấn gạo vào thị trường Philippine của Việt Nam không còn bao nhiêu bởi trước đó, một số doanh nghiệp của Singapore, Malaysia… mua gạo của Việt Nam và bán rẻ vào Philippine.
Mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang gặp khó khăn trong hoạt động XK nhưng theo nhận định của VFA: Mặc dù khả năng giá gạo thế giới chưa thể phục hồi trong quý II và thậm chí quý III, nhưng với hiện tượng El Nino đang hoành hành dữ dội như hiện nay, việc giá gạo tăng mạnh vào cuối năm nay giống như năm 2009 là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Để góp phần giải quyết những khó khăn cho các doanh nghiệp XK gạo, trong thời gian tới VFA sẽ phân bổ lại lượng hợp đồng tập trung đã được ký kết từ đầu năm cho doanh nghiệp. Việc làm này sẽ giúp doanh nghiệp đẩy nhanh lượng gạo tồn kho. Bên cạnh đó VFA cũng khuyến cáo các doanh nghiệp tham gia XK gạo nên tăng cường xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Có như vậy là bởi thời gian qua Trung Quốc bị hạn hán, nhu cầu nhập khẩu gạo là rất lớn. Hiện đang có dấu hiệu thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam tìm mua gạo và XK qua đường tiểu ngạch.