Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lúa tăng giá, thị trường thiếu minh bạch
09 | 08 | 2010
Thị trường lúa gạo ĐBSCL đang bị tác động bởi động thái tăng nhập khẩu và cấm xuất khẩu của một số nước lớn.

Mua tạm trữ chưa đủ


Việc mua lúa tạm trữ một triệu tấn gạo từ ngày 15-7 đến 15-9, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay chưa hoàn tất. Ở Kiên Giang, Cty TNHH Một thành viên Du lịch Thương mại Kiên Giang được giao chỉ tiêu mua 30.000 tấn quy gạo, mới mua được 16.000 tấn. Ở TP Cần Thơ, Cty Cổ phần Gentraco được giao chỉ tiêu mua 20.000 tấn Cty mới mua được 65%; Cty Cổ phần Mekong Cần Thơ được giao mua 10.000 tấn cũng mới mua được 50%.


Giá mua của các doanh nghiệp có tăng so với tháng trước khoảng 500 đồng/kg, tuy nhiên mỗi nơi tăng mỗi khác. Tại huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ), Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Toại cho biết, giá lúa khô, hạt dài đủ tiêu chuẩn xuất khẩu hiện nay là 4.200 - 4.300 đồng/kg.


Cùng ở TP Cần Thơ, tại huyện Vĩnh Thạnh lúa cùng tiêu chuẩn chỉ có giá 4.200 đồng/kg. Còn lúa khô đủ chất lượng xuất khẩu vụ Đông Xuân tồn kho, do chất lượng tốt hơn vụ Hè Thu, có giá 4.900 đ/kg.


Trong lúc đó, ở tỉnh Sóc Trăng, giá lúa khô, hạt dài đủ tiêu chuẩn xuất khẩu giá chỉ khoảng 4.000 đồng/kg. Lúa chất lượng thấp, ông Thạch Chuyên làm 16 công ở ấp Phú Ninh, xã An Ninh (Châu Thành, Sóc Trăng), cho biết: "Giá lúa tăng không đáng kể, lúa tươi suốt xong giá 2.200-2.300đồng/kg, lúa khô 3.400đồng/kg, với giá này nhà nông vẫn lỗ vì chi phí quá cao".


Ở tỉnh An Giang, ông Nguyễn Út Bé, một nông dân tại xã An Hữu (An Phú), cũng cho hay với giá lúa hiện nay nông dân chưa có lời và dù thương lái đẩy mạnh thu mua nhưng lúa tồn trong dân vẫn nhiều.


Hầu hết các doanh nghiệp mua lúa lại cho rằng họ đang gặp khó khăn vì có dấu hiệu khan hiếm. Những nông dân cần bán thì đã bán, những người còn giữ lúa là có khả năng nên muốn chờ giá lên nữa. Ông Lê Việt Hải, GĐ Cty Cổ phần Mekong Cần Thơ, nói: "Nông dân là như thế, khi giá lúa hạ thì đùng đùng bán, khi giá lúa tăng lại neo chờ".


Thị trường còn thiếu minh bạch


PV Tiền Phong về ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ), nơi mấy năm nay chỉ làm lúa chất lượng cao. Trưởng ấp Hoàng Văn Nhơn cho biết, ấp có 558ha lúa Hè Thu, đã thu hoạch xong, năng suất 5,5 tấn/ha, và khoảng 80% lúa hàng hóa đang trong dân.


Chị Vũ Thị Truyền ở ấp Thầy Ký đang có gần 18 tấn lúa jasmine chất trong nhà. Chị cho biết, Cty Cổ phần Gentraco vừa xuống đề nghị mua giá 5.420 đồng/kg nhưng chị muốn bán với giá 5.500 -5.600 đồng/kg. Chị Truyền cho hay chị làm lúa theo tiêu chuẩn "sạch" và đã hợp đồng với Cty là bán giá cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg, giá thị trường đang lên nên chị yêu cầu giá cao.


Qua đó cho thấy, thị trường lúa gạo ở ĐBSCL hiện vẫn mù mờ. Nông dân bán được lúa với giá cao nói đã có lời, nông dân ở một số nơi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa thì vẫn than lỗ. Lãnh đạo một số doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đánh giá tình hình thị trường cũng khác nhau. Có người nói, lúa sang Trung Quốc đã khá nhiều nhưng cũng có người cho rằng chưa đáng kể, và thị trường Nga không ảnh hưởng tới thị trường lúa gạo Việt Nam dù nước này đang cấm xuất ngũ cốc.


Trở lại sàn giao dịch lúa gạo được đề xuất thành lập từ Festival Lúa gạo từ ngày 28-11 đến 2-12-2009 ở tỉnh Hậu Giang. Lúc đó, ý tưởng này được nhiều người hưởng ứng, coi như một bước xây dựng thị trường lúa gạo công khai và minh bạch, có lợi cho đất nước.


Tổng kinh phí để thành lập sàn khoảng 30-40 tỷ đồng, dự tính đặt tại tỉnh Hậu Giang hoặc TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, đến nay mọi thứ vẫn là con số không. Một vị lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang nói: "Công khai minh bạch thị trường sẽ làm giảm lợi ích độc quyền nên VFA không ủng hộ".



Theo Tiền Phong
Báo cáo phân tích thị trường