Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tình hình thị trường gạo tháng 12/2006
29 | 07 | 2007
Sản lượng lúa năm 2006 ước đạt 36,2 triệu tấn, tăng khoảng 400.000 tấn so với năm 2005. Sản lượng lúa tăng chủ yếu tập trung ở miền Trung và miền Bắc…
1. Thị trường gạo thế giới

Theo dự báo tháng 12/2006 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo niên vụ 2006/2007 tăng 0,9 triệu tấn so với niên vụ 2005/2006, đạt 416,38 triệu tấn. Trong đó, các nước được dự báo có sản lượng tăng trong niên vụ này gồm: Trung Quốc, nước có sản lượng lúa gạo lớn nhất thế giới, tăng 1,6 triệu tấn, đạt 128 triệu tấn; tiếp đến là Việt Nam tăng 0,5 triệu tấn, đạt 22,5 triệu tấn; Indônêsia tăng 0,1 triệu tấn, đạt 35,1 triệu tấn; Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cũng chỉ tăng 0,1 triệu tấn, đạt 18,3 triệu tấn. Các nước được dự báo có sản lượng giảm trong niên vụ này là: Mỹ giảm 1,0 triệu tấn, đạt 6,1 triệu tấn; tiếp đến là Nhật Bản giảm 0,3 triệu tấn, đạt 7,9 triệu tấn. Dự báo, tiêu thụ gạo toàn cầu đạt 418,19 triệu tấn. Cân đối cung cầu, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 1,8 triệu tấn.

Cũng theo dự báo của USDA, dự trữ gạo toàn cầu trong niên vụ này đạt 78,6 triệu tấn, giảm 1,82 triệu tấn so với dự trữ gạo niên vụ 2006/2005. Trong đó, Trung Quốc là nước có mức dự trữ gạo lớn nhất, đạt 36,94 triệu tấn, chiếm gần một nửa lượng dự trữ gạo toàn cầu; tiếp đó là Ấn Độ đạt  9,72 triệu tấn, chiếm 12,3%. Dự báo xuất khẩu gạo toàn cầu trong niên vụ này đạt 28,17 triệu tấn. Trong đó, Thái Lan vẫn là nước xuất khẩu gạo lớn nhất, đạt 8,25 triệu tấn; tiếp đến là Việt Nam đạt 4,7 triệu tấn; Ấn Độ đạt 4,3 triệu tấn.
Giá gạo physical tại châu Á
Đơn vị: USD/tấn. FOB
Xuất xứ
Loại
Giá đóng cửa
Thái Lan (ngày 14/12/06)
100% B
315-318
 
5% tấm
310-314
 
100% đồ
318-322
Việt Nam (ngày 12/12/06 )
5% tấm
280-282
 
25% tấm
255
2. Thị trường gạo Việt Nam
Sản lượng lúa năm 2006 ước đạt 36,2 triệu tấn, tăng khoảng 400.000 tấn so với năm 2005. Sản lượng lúa tăng chủ yếu tập trung ở miền Trung và miền Bắc, trong khi đồng bằng sông Cửu Long - nguồn cung lúa gạo chính cho xuất khẩu lại mất mùa. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, giá gạo trong nước đã liên tục tăng. Tuy nhiên, mặc dù các tỉnh ĐBSCL vẫn chưa bước vào thu hoạch vụ lúa đông xuân, nhưng lượng thóc gạo nhập khẩu từ Campuchia qua biên giới Tây Nam tăng mạnh là nguyên nhân chính khiến cho giá thóc gạo ở ĐBSCL và giá chào bán gạo xuất khẩu tuần qua giảm. Tại các tỉnh ĐBSCL giá thóc gạo tuần qua giảm 50 - 100 đ/kg, phổ biến ở mức 2.880 - 2.950 đ/kg (thóc tẻ thường); 4.500 - 4.700 đ/kg (gạo tẻ thường). Tại Đồng Tháp, giá mua gạo nguyên liệu của Công ty Lương thực tỉnh tuần qua giảm 20 - 30 đ/kg, còn 3.800 đ/kg (loại 1); 3.780 đ/kg (loại 2). Tại Kiên Giang, giá mua gạo nguyên liệu giảm 40 - 50 đ/kg, còn 3.750 đ/kg (loại 1); 3.710 đ/kg (loại 2); giá mua gạo thành phẩm xuất khẩu cũng giảm 50 - 70 đ/kg, còn 4.420 đ/kg (5% tấm); 3.960 đ/kg (25% tấm). Tại các tỉnh phía Bắc giá tiếp tục ổn định ở mức cao: 2.900 - 3.500 đ/kg (thóc tẻ thường); 4.700 - 5.600 đ/kg (gạo tẻ thường).
Tính đến nay cả nước đã xuất khẩu tổng cộng 4,36 triệu tấn gạo, giảm 400.000 tấn so với cùng kỳ năm 2005, đạt kim ngạch khoảng1,2 tỷ USD. Giá chào bán gạo xuất khẩu tuần qua giảm 2 - 5 USD/tấn, còn 280 - 285 USD/tấn, FOB (5% tấm); 255 - 260 USD/tấn, FOB (25% tấm)


(Theo Bao Thuong mai)
Báo cáo phân tích thị trường