Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khả năng xuất hiện El Nino ở nước ta cao đến 92%
12 | 07 | 2007
Nếu cách đây 1 tháng, Trung tâm Nghiên cứu khí tượng khí hậu dự báo khả năng xuấtt hiện El Nino là 80% thì đến nay các cơ quan chuyên môn về dự báo khí hậu, thời tiết thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đều cho rằng khả năng xuất hiện El Nino vào cuối năm 2006 và đầu năm 2007 là rất cao, có thể đạt tới 92%.

El Nino sẽ chính thức xuất hiện vào tháng 12/2006

Các cơ quan chuyên môn về dự báo khí hậu, thời tiết thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã theo dõi và phân tích các dự báo mới nhất (trung tuần tháng 11/2006) của các Trung tâm dự báo lớn trên thế giới (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Châu Âu,…) về hiện tượng El Nino.

Các Trung tâm này đều cho rằng khả năng xuất hiện El Nino vào cuối năm 2006 và đầu năm 2007 là rất cao, có thể đạt tới 92%. Nếu diễn biến của khí quyển, đại dương ở xích đạo Thái Bình Dương như dự báo, thì El Nino sẽ chính thức xuất hiện vào tháng 12/2006 và kéo dài đến tháng 4, tháng 5/2007.

Mặc dù chưa chính thức khẳng định về sự xuất hiện của El Nino, nhưng tác động của hiện tượng này đối với khí hậu toàn cầu và khu vực đã thể hiện tương đối rõ rệt: đó là sự thâm hụt đáng kể của lượng mưa ở phía tây Thái Bình Dương, bao gồm cả Đông Nam Á và ở phía đông nước Úc; tần số bão, áp thấp nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông ít hơn trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 2-3 cơn. Trung tâm Dự báo Khí hậu Hoa Kỳ cảnh báo các tác động rõ nét của El Nino đến mưa ở phía tây Thái Bình Dương có thể bắt đầu từ tháng 11, tháng 12/2006.

Ở Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu khí hậu nhiều năm cho thấy, khi có El Nino, các đợt không khí lạnh thường ít hơn, tập trung vào những tháng chính đông (tháng 12 và tháng 01) và gió mùa mùa đông thường kết thúc sớm hơn bình thường.

Trong khi đó, gió mùa mùa hè có cường độ yếu hơn và đến muộn hơn bình thường. Lượng mưa sẽ thâm hụt ở hầu hết các vùng trong cả nước, mức độ thâm hụt dao động từ 25-50%. Nơi có sự thâm hụt cao nhất là Trung Bộ (bao gồm Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ). Nhiệt độ không khí của Việt Nam sẽ cao hơn TBNN khoảng 10C ở Trung Bộ và từ 0,5-10C ở các vùng còn lại.

Ngày càng thâm hụt lượng mưa đáng kể

Số liệu khí tượng thủy văn về lượng mưa trong mùa mưa năm 2006 (tính đến 31/10/2006) ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cho thấy, khu vực từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, cực nam Trung Bộ và Tây Nguyên đạt xấp xỉ và trên TBNN, riêng tâm mưa Trà My thấp hơn TBNN; lượng mưa ở khu vực từ Bình Định đến Khánh Hòa thấp hơn TBNN tương đối nhiều.

Tính từ tháng 7 đến tháng 10/2006, lượng mưa ở khu vực từ Bình Định đến Khánh Hòa chỉ đạt từ 60-80% lượng mưa cùng thời kỳ theo TBNN, tức là hụt từ 20-40%. Riêng tháng 10 (tháng cao điểm của mùa mưa) mới chỉ đạt khoảng 35-65% so với TBNN. Sự thâm hụt lượng mưa trong tháng 10 ở khu vực này là rất đáng kể (ảnh hưởng của El Nino kỷ lục năm 1997 và 1998 cũng chỉ gây ra sự thâm hụt như vậy ở Nam Trung Bộ vào cuối năm 1997).

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn về dự báo khí hậu, thời tiết thuộc Bộ TN&MT thì lượng mưa trong tháng 11/2006 ở khu vực từ Bình Định đến Khánh Hòa chỉ đạt khoảng 40-70% lượng mưa cùng kỳ TBNN, lượng mưa tháng 12/2006 xấp xỉ hoặc thấp hơn chút ít so với cùng kỳ TBNN. Nhiệt độ tăng cao hơn bình thường (hiệu ứng của El Nino) dẫn đến khả năng bốc hơi cao càng góp phần giảm nhanh lượng nước trong đất, hồ chứa,…

Thâm hụt mưa dẫn đến khô hạn có thể xảy ra ở Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa trong tháng 11 và tháng 12/2006, mức độ khô hạn còn được gia tăng bởi sự thâm hụt lớn của lượng mưa trong tháng 10, tháng thường có lượng mưa lớn nhất trong mùa mưa của khu vực này.

Đối với khu vực cực nam Trung Bộ và Tây Nguyên, do lượng mưa trong mùa mưa năm 2006 (đã kết thúc) đạt và cao hơn TBNN, nên chưa có nhận định cụ thể về mức độ khô hạn ở đây. Tuy nhiên, nếu El Nino phát triển và kéo dài đến tháng 4, tháng 5/2007 như dự báo thì khả năng gió mùa mùa hè năm 2007 đến muộn là rất cao, dẫn đến tình trạng thâm hụt mưa vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa năm sau ở cả Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Từ những phân tích và dự báo trên, Bộ TN&MT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ Về một số tình hình khí hậu, thời tiết đáng lưu ý, theo đó, Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương đề phòng tình trạng thiếu nước, khô hạn trên diện rộng ở hầu hết các khu vực trong cả nước, nhất là khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trong mùa đông xuân 2006-2007;

Đồng thời, có các biện pháp quản lý và sử dụng nguồn nước phù hợp với từng vùng, từng địa phương, đặc biệt ưu tiên dành nước cho sinh hoạt để tránh thiếu nước sinh hoạt khi bị hạn hán; Có các biện pháp quản lý và sử dụng nguồn nước phù hợp với từng vùng, từng địa phương, đặc biệt ưu tiên dành nước cho sinh hoạt để tránh thiếu nước sinh hoạt khi bị hạn hán;

Khu vực Trung Bộ vẫn đang trong mùa mưa bão, nên có thể có những trận mưa lớn gây lũ. Vì vậy, Bộ TN&MT cũng đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương cần theo dõi sát các thông tin khí tượng thuỷ văn để có các biện pháp phòng tránh kịp thời.



Kiều Minh (Theo VietNamNet)
Báo cáo phân tích thị trường