Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lược trích ý kiến của GS.VS Đào Thế Tuấn về vấn đề PTNT ở nước ta trong thời kỳ mới (phần 2)
27 | 03 | 2007
Ở nước ta, Luật Đất đai mới đã hợp pháp hóa thị trường ruộng đất phi chính thức thành thị trường chính thức, về thực chất đã trao quá nhiều quyền cho người dân (7 quyền), nhưng lại chưa làm rõ trách nhiệm của người sử dụng với chủ sở hữu - Nhà nước.

Những quy định mới về giá đất cho các vùng gần với giá thị trường đã vô tình hợp thức hóa việc đầu cơ ruộng đất thời gian qua, làm cho người nghèo càng khó có thể tiếp xúc với đất đai và thúc đẩy quá trình mất đất diễn ra hơn nữa.

Việc bảo vệ các thành quả của cải cách ruộng đất

Muốn cho nông dân và nông nghiệp nước ta phát triển được trong thời kỳ công nghiệp hóa chúng ta phải tránh để mất đất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay quá trình mất đất nông nghiệp đang diễn ra rất nhanh. Nhiều cánh đồng màu mỡ nhất đã và đang bị biến mất, mà diện tích đất khai hoang thêm chưa chắc đã bù được diện tích đã bị mất đi. Trong lúc Nhà nước đang ra sức ngăn chặn việc sử dụng đất sai mục đích, thì các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước lại chiếm dụng đất và sử dụng rất lãng phí do sự chênh lệch quá lớn giữa mục đích đất canh tác và đất xây dựng. Vì thế, phải có các quy định chặt chẽ về việc sử dụng đất phi nông nghiệp. Chỉ phát triển hoạt động phi nông nghiệp trên những mảnh đất không có khả năng sử dụng cho nông nghiệp.

Ở nước ta, Luật Đất đai mới đã hợp pháp hóa thị trường ruộng đất phi chính thức thành thị trường chính thức, về thực chất đã trao quá nhiều quyền cho người dân (7 quyền), nhưng lại chưa làm rõ trách nhiệm của người sử dụng với chủ sở hữu - Nhà nước. Những quy định mới về giá đất cho các vùng gần với giá thị trường đã vô tình hợp thức hóa việc đầu cơ ruộng đất thời gian qua, làm cho người nghèo càng khó có thể tiếp xúc với đất đai và thúc đẩy quá trình mất đất diễn ra hơn nữa. Thực tế khác là, tình trạng tham nhũng chưa bị ngăn chặn hiệu quả cũng đang làm cho việc chiếm dụng ruộng đất đi liền với hiện tượng nông dân mất đất. Nhiều nơi nông dân không còn trực tiếp canh tác nữa, nhưng vẫn chưa có cơ chế để chuyển đất sang cho các hộ chuyên làm nông nghiệp, nên họ vẫn giữ đất để đầu cơ.

Gần đây, chúng ta còn có chủ trương dồn điền đổi thửa để tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế hàng hóa. Tuy nhiên, kết quả thực hiện ở nhiều nơi cho thấy, việc này không thúc đẩy sản xuất hàng hóa, ngược lại còn làm tăng rủi ro của việc canh tác. Nông dân nhiều nơi bị bắt buộc phải thực hiện và thấy không cần thiết trong lúc cán bộ xã lại rất hăng hái, vì nhờ đó sẽ có những lô đất lớn để đấu thầu. Do đó, chính sách ruộng đất của chúng ta cần được nghiên cứu thật cẩn thận để vừa tránh được những hậu quả trái ngược, vừa thúc đẩy việc chuyển hộ nông dân từ làm nông nghiệp tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, thúc đẩy việc mở rộng quy mô của hộ và thực hiện đúng khẩu hiệu "người cày có ruộng" và "người có ruộng phải cày" để sử dụng có hiệu quả nguồn lực quý giá này.

Về vấn đề tổ chức của nông dân và Nhà nước

Trong giai đoạn phát triển mới, vai trò của nông dân và nông nghiệp có lẽ sẽ trở thành ngày càng ít quan trọng hơn. Tuy vậy, trong thời kỳ đầu của công nghiệp hóa, nông dân vẫn là nguồn cung cấp lao động chính và là thị trường của công nghiệp. Trong quá trình công nghiệp hóa, chúng ta không thể để cho nông nghiệp giảm sút như một số nước hoàn thành công nghiệp hóa đi trước ta.

Nhưng, hiện nay đang tồn tại mâu thuẫn giữa mục tiêu của Nhà nước và của nông dân. Nhà nước coi nông nghiệp là một khu vực của nền kinh tế, phải tăng trưởng thế nào để vừa bảo đảm được an ninh lương thực, vừa có thặng dư để đóng góp cho công cuộc công nghiệp hóa. Còn nông dân sống trong xã hội cần có đời sống ngày càng được nâng cao trong sự so sánh với mức sống của đô thị. Vì thế, những nghiên cứu gần đây về sinh kế của nông dân trên thế giới và nước ta cho thấy, nông dân có xu hướng đa dạng hóa sinh kế để tăng thu nhập và tỷ trọng thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp của họ ngày càng cao. Chính vì mục tiêu đó, họ lựa chọn phương án đa dạng hóa hoạt động kinh tế, trong lúc Nhà nước lại muốn có những khối lượng hàng hóa lớn để xuất khẩu, nên có chủ trương quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, phát triển các hộ nông dân chuyên môn hóa.

Trong khi nông nghiệp càng phát triển mạnh, giá nông sản trên thị trường càng có xu hướng giảm xuống. Biện pháp hữu hiệu nhất để tránh rủi ro là phải đa dạng hóa sản xuất. Ngoài ra, phải phấn đấu để không ngừng giảm chi phí sản xuất bằng việc cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh công tác khuyến nông. Song, Nhà nước không thể đủ sức để bao cấp công tác khuyến nông đến từng xã, do đó phải tiến hành xã hội hóa khuyến nông và cần có các tổ chức chuyên nghiệp của chính người nông dân để làm việc này.

Tổ chức nông dân cần đa dạng để thích ứng với các điều kiện khác nhau về đặc điểm địa phương và trình độ phát triển. Các tổ chức nông dân phải là tổ chức kiểu mới, không hoàn toàn giống kiểu truyền thống là chỉ nhằm giải quyết các quan hệ bên trong, mà phải mở mang thêm các mối quan hệ với bên ngoài như giúp cho việc tiếp cận với thị trường và xã hội. Các tổ chức nông dân còn là trung gian giữa người sản xuất và các tác nhân khác trong môi trường kinh tế và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.

Thường các tổ chức nông dân có một số chức năng sau: đại diện và bảo vệ các quyền lợi của người sản xuất; chức năng kinh tế và kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ cho hội viên; quản lý các nguồn lợi tự nhiên và tài sản như sử dụng nước, đồng cỏ...; chức năng phát triển xã hội, phát triển địa phương.

Xây dựng các tổ chức nông dân chính là bước đầu để tiến lên xây dựng các nghiệp đoàn nông dân. Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, cần có các nghiệp đoàn nông nghiệp để bênh vực quyền lợi của nông dân, tăng khả năng "mặc cả" của nông dân trên thị trường và tham gia vào việc hoạch định chính sách nông nghiệp cùng chính phủ. Xây dựng nghiệp đoàn nông nghiệp sẽ dựa trên ba cơ sở khác nhau: theo lãnh thổ, gồm các nghiệp đoàn theo các cấp hành chính; theo sản phẩm, gồm các nghiệp đoàn theo ngành hàng khác nhau; theo xã hội, gồm các tổ chức như hộ gia đình, thôn, bản, các tổ chức thanh niên, phụ nữ...

(còn tiếp)

lược trích trong website www.tapchicongsan.org.vn



--
Báo cáo phân tích thị trường