Thái Lan hiện vẫn là nhà xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Theo các nhà xuất khẩu nước này, lượng xuất khẩu sẽ giảm ngay cả khi giá trị tăng, có thể đạt 3,3 tỷ USD trong năm 2011, tăng 4,17% so với năm 2010. Trong khi đó, lượng xuất khẩu dự báo giảm 7%, xuống mức 379,4 ngàn tấn do lũ lụt và thời tiết nóng bất thường là ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tôm nguyên liệu tại Thái Lan.
Trong nửa đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu tôm của Thái Lan đạt 164.984 tấn, tương đương 1,5 tỷ USD, giảm 12% về lượng và tăng 5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010. Lượng xuất khẩu giảm chủ yếu do tiêu dùng tại Nhật Bản giảm sút từ thảm hoạ xảy ra tại nước này hồi đầu tháng 3 và thị trường châu Âu trầm lắng.
Theo Panisuan Jamnarnwej, chủ tịch của Hiệp hội thực phẩm đông lạnh Thái Lan (TFFA), các nhà xuất khẩu tôm Thái Lan sẽ phải tiếp tục đối phó với tình hình thị trường xuất khẩu khó khăn trong nửa cuối năm 2011 do nền kinh tế Mỹ và EU ngày càng yếu. Mỹ và EU chiếm lần lượt 45% và 18% trong cơ cấu thị trường nhập khẩu tôm của Thái Lan.
Giá xuất khẩu cũng chịu ảnh hưởng và các nhà sản xuất tôm Thái Lan sẽ phải thích ứng với những điều kiện mới để tiếp tục cung cấp hàng theo nhu cầu của nước nhập khẩu lớn. hiện các nhà nhập khẩu ưa thích loại tôm nhỏ với các kích cỡ sản phẩm đóng gói tiêu dùng mang tính kinh tế cao. Theo Poj Aramwattananont, đồng Bath tăng giá sẽ làm giảm doanh thu xuất khẩu tôm của Thái Lan khoảng 199,6 – 232,8 triệu USD.
Nền kinh tế Mỹ tiếp tục suy thoái khiến động Bath tăng giá mạnh so với đồng tiền này và các nhà xuất khẩu tôm phải tránh các hợp đồng giao sau dài hạn để phòng ngừa rủi ro.
Dựa trên những số liệu công bố bởi Infofish, nguồn cung tôm của Thái Lan đã đạt đỉnh trong tháng 7 – hai tháng sau khi lũ lụt làm nguồn cung tôm của nước này giảm 50 – 60 ngàn tấn. Với sự suy giảm này, sản lượng tôm Thái Lan sẽ giảm khoảng 10 – 15% trong năm 2011 và giá tăng khoảng 40%.
FAO đang thúc đẩy những người nuôi tôm Thái Lan áp dụng các biện pháp bảo vệ hoạt động sản xuất khỏi những hiệu ứng tiêu cực của biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng cạnh tranh của họ khi ngày càng có nhiều nhà cung cấp mới gia nhập thị trường.
Đồng thời, chuyên gia tại FAO cũng cho rằng Thái Lan nên tăng cường sản xuất tôm sú do mặt hàng này có nhu cầu cao và giá hấp dẫn. TFFA cho rằng các nhà xuất khẩu Thái Lan nên hướng đến các thị trường Đông Nam Á nhiều hơn như Hàn Quốc, Trung Quốc và Hong Kong, hiện đang có mức tăng trưởng tiềm năng đầy triển vọng.
Panisuan dự báo triển vọng năm 2012 sẽ sáng sủa hơn nhờ những diễn biến kinh tế toàn cầu được cải thiện, có thể giúp thúc đẩy tiêu dùng tôm. Vừa qua, Mỹ đã giảm thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm nhập khẩu từ Thái Lan, là yếu tố hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của các nhà cung cấp Thái Lan.
Kim Dung AGROINFO
Theo fis.com