Chuyên gia phục vụ cho việc nghiên cứu mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp tại cánh đồng mẫu lớn đồng bằng sông Cửu Long
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ nông nghiệp nông thôn Việt Nam (DNVVN NNNT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt dự án tổng thể 5 năm “Nghiên cứu các đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn nông thôn giai đoạn 2006-2010” do Tây Ban Nha tài trợ và giao cho Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn thực hiện. Một trong những mục tiêu của dự án giai đoạn 2 và 3 là tăng cường liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển DNVVN NNNT, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh lương thực thực phẩm (LTTP).
Nhằm tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở vùng đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) theo quy mô lớn, bắt đầu từ vụ đông xuân 2006-2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai kế hoạch sản xuất 1 triệu tấn lúa chất lượng cao ở bảy tỉnh ĐBSCL. Mục tiêu của mô hình là phát triển sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, bền vững, có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo lợi ích cho người sản xuất lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo, phát huy lợi thế cạnh tranh của lúa gạo ĐBSCL nói riêng và lúa gạo Việt Nam nói chung trên trường quốc tế, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống nông dân sản xuất lúa ở ĐBSCL. Nhờ sự tích cực vào cuộc của nhiều tỉnh ĐBSCL và các doanh nghiệp kinh doanh trong những lĩnh vực có liên quan tại đây, phong trào xây dựng “cánh đồng mẫu lớn đã được dấy lên ở nhiều nơi.
Ngoài ngành hàng lúa gạo, trái cây cũng là một trong những ngành hàng trọng điểm ở ĐBSCL và cũng đã được nhiều địa phương, doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất lớn. Điển hình có thể kể đến mô hình liên kết giữa Công ty cổ phần Bảo vệ thực Vật An Giang với 684 hộ nông dân trồng lúa tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, hoặc mô hình liên kết giữa Doanh nghiệp Thương mại Chánh Thu, Viện Cây ăn quả Đồng Bằng Sông Cửu Long với 26 hộ nông dân trồng nhãn thuộc Tổ hợp tác Long Hoà, xã Long Hoà, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, HTX xoài cát Hòa Lộc tỉnh Tiền Giang v.v.
Do đó, việc đánh giá các mô hình liên kết trong các “Cánh đồng mẫu lớn” này là rất quan trọng nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách ở địa phương và trung ương có được các luận giải khoa học cho việc xây dựng các chính sách cho chương trình phát triển mới của Nông nghiệp – nông thôn Việt Nam. Chính vì vậy, Trung tâm Thông tin PTNNNT xây dựng đề xuất và được BQLDA phê duyệt cho phép triển khai hoạt động “Nghiên cứu mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp tại cánh đồng mẫu lớn Đồng Bằng Sông Cửu Long”.
II. MỤC TIÊU CỦA NGHIÊN CỨU
1.2.1. Mục tiêu tổng quát
- Nghiên cứu cơ chế, thể chế, tổ chức không gian liên kết, nhưng thuận lợi và khó khăn trong thực hiện liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong các mô hình“Cánh đồng mẫu lớn”ở Đồng Bằng Sông Cửu Long từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách để nhân rộng các mô hình liên kết bước đầu mang lại hiệu quả.
1.2.2. Mục tiêu cụ thể
- Tổng quan các vấn đề lý luận và thực tiễn về liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp: trong sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
- Nghiên cứu, phân tích cơ chế, thể chế và tổ chức không gian liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tại mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đại diện ở một số tỉnh vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.
- Phân tích các thuận lợi, khó khăn, các cơ hội và thách thức trong liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tai các mô hình “Cánh đồng mẫu lớn”
- Đề xuất chính sách và giải pháp phát triển và nhân rộng các mô hình thành liên kết bước đầu mang lại hiệu quả.
III. NHIỆM VỤ CÁC CHUYÊN GIA
1. Chuyên gia 1 (01 người): nghiên cứu tại bàn,thiết kế bộ công cụ điều tra, lựa chọn mẫu, chỉnh sửa bộ công cụ
Nội dung công việc:
- Lên danh mục các nguồn thông tin có liên quan
- Tổng kết các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến chủ đề nghiên cứu
- Chuẩn bị nội dung, phương pháp thu thập thông tin
- Bảng hỏi khảo sát riêng cho các nhóm chủ thể cần nghiên cứu trong mô hình bao gồm: người nông dân tham gia trong các mô hình, các doanh nghiệp tham gia liên kết trong các mô hình, các cơ quan cung cấp dịch vụ công.
- Hướng dẫn cách thức điều tra, thu thập số liệu, phỏng vấn sâu cho các thành viên trong nhóm đi điều tra tại địa bàn
- Tập huấn bảng hỏi và tiến hành điều tra thử để xác định dung lượng mẫu cần thiết và điều chỉnh bảng hỏi cho phù hợp với thực tế
- Tập huấn một số công cụ của đánh giá nông thôn có sự tham gia của người dân (PRA) và phân tích SWOT cho nhóm cán bộ đi điều tra
Sản phẩm mong đợi:
- Bộ công cụ điều tra : bảng hỏi và phiếu phỏng vấn sâu cho các nhóm chủ thể nghiên cứu được hoàn thiện
- Dung lượng mẫu cho từng nhóm chủ thể đảm bảo tính khoa học và hiệu quả
- Thống nhất kế hoạch với địa phương đựơc chọn để điều tra về : thời gian, số lượng, phương pháp tiến hành, các yêu cầu hỗ trợ từ phía địa phương, công cụ và phương tiện cần thiết.
- Báo cáo điều tra thử và lớp tập huấn
- Các cán bộ nghiên cứu trong nhóm điều tra nắm được một số kỹ năng của PRA và phân tích SWOT để triển khai với nhóm nông dân tại 6 mô hình được chọn.
2. Chuyên gia 2 (01 người ): xây dựng phần mềm bảng mã nhập số liệu; nhập và làm sạch số liệu
Nội dung công việc:
- Xây dựng bảng mã nhập số liệu
- Nhập số liệu, làm sạch dữ liệu nhập vào
Sản phẩm mong đợi:
- File số liệu được nhập hoàn chỉnh và chính xác
3. Chuyên gia 3 (01 người): xử lý và phân tích số liệu
Sản phẩm mong đợi:
- Kết quả xử lý và phân tích các kết quả PRA làm tại các mô hình
- Số liệu được xử lý và phân tích
4. Chuyên gia 4 (01 người): viết báo cáo
Nội dung công việc:
- Sử dụng tài liệu/số liệu có sẵn; ý kiến chuyên gia/kết quả của hội thảo; số liệu phân tích từ cuộc điều tra để viết báo cáo (bao gồm kết quả phân tích định lượng và phân tích định tính thông qua PRA) .
- Báo cáo nghiên cứu trường hợp chuyên sâu
Sản phẩm mong đợi:
- Báo cáo tổng hợp kết quả “Nghiên cứu mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông tại cánh đồng mẫu lớn Đồng Bằng Sông Cửu Long”.
IV. NĂNG LỰC VÀ KINH NGHIỆM
Yêu cầu năng lực cho các tư vấn bao gồm:
- Tốt nghiệp các ngành kinh tế, kinh tế nông nghiệp, kinh tế môi trường, thống kê hoặc các ngành liên quan đến phân tích dữ liệu.
- Ít nhất 3-5 năm kinh nghiệm làm việc về thiết kế, lựa chọn mẫu điểu tra và triển khai các nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính (đối với chuyên gia 1)
- Ít nhất 4-6 năm kinh nghiệm làm việc xây dựng phần mềm, nhập, xử lý và làm sạch số liệu, ưu tiên các ứng viên có trình độ thạc sĩ trở lên (đối với chuyên gia 2 và 3)
- Ít nhất 5-10 năm kinh nghiệm làm việc về tổng hợp, xử lý, phân tích số liệu và đề xuất các chính sách, có bằng thạc sĩ trở lên trong các lĩnh vực ở trên (đối với chuyên gia 4)
- Có kinh nghiệm trong việc sử dụng các phần mềm phân tích dữ liệu (Excel. STATA, SPSS, …) và các phần mềm văn phòng (MS Word và Power Point, …)
V. CHI PHÍ:
Thời gian làm việc của các chuyên gia:
- Chuyên gia 1: 10 ngày
- Chuyên gia 2: 45 ngày
- Chuyên gia 3: 30 ngày
- Chuyên gia 4: 30 ngày
Phí tư vấn của các chuyên gia thường được xác định dựa trên kinh nghiệm và năng lực theo hướng dẫn UN-EU hiện hành về chi phí tài chính cho địa phương trong hợp tác phát triển với Việt Nam.