Xuất khẩu rau hoa quả tháng 7 tiếp tục tăng mạnh, đạt 57,3 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm 2011 lên 346,8 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ 2010.
Trong tháng 7, đơn giá trung bình một số loại rau quả tăng khá mạnh do nhu cầu tăng cao. Giá xuất khẩu dừa khô lột vỏ sang thị trường Nga lđạt 1,5 USD/kg (CPT), tăng 66,6% so với cùng kỳ 2010.
Nguồn cung hạn hẹp đẩy giá rau quả thế giới tăng cao
Thời tiết xấu tại nhiều vùng chuyên canh rau quả lớn trên thế giới đã ảnh hưởng đến nguồn cung và giá rau quả tăng cao.
Ấn Độ: Sản lượng hành có thể giảm từ 20 – 30% trong năm nay do thiếu mưa tại hai bang Maharashtra và Gujarat – vùng trồng hành lớn nhất. Hành thu hoạch trong vụ đông, thường được đưa ra thị trường vào trung tuần tháng chín, nhưng năm nay sẽ bị chậm đến cuối tháng mười hay sang đầu tháng mười một. Giá hành đang dần tăng lên do nguồn cung bị thu hẹp vì tồn kho vụ trước đang dần cạn kiệt trong khi nguồn cung hành vụ thu đến trễ. Giá bán buôn hành đã tăng bình quân từ 4 – 8 Rs/kg từ đầu tháng tám này tại các thành phố lớn như Delhi, Nashik, Bangalore, Chennai, Jaipur, Kolkata, Mumbai và Patna. Trong niên vụ canh tác hành từ tháng 7/2010 đến tháng 6/2011, Ấn Độ đã sản xuất được trên 14 triệu tấn hành.
Hoa Kỳ: Sản lượng một số loại rau quả chính của Mỹ như cà chua, khoai tây, táo…giảm khá mạnh và nhu cầu nhập khẩu tăng lên. Trong tuần đầu tháng 8/2011, sản xuất và tiêu thụ rau quả giảm 6,4% so với tuần trước và giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 676,3 nghìn tấn rau quả các loại. Trong đó, sản lượng trồng trọt của nước này đạt 540,9 nghìn tấn, và nhập khẩu đạt 135,3 nghìn tấn. Trong tuần, lượng nhập khẩu cà chua thường của Hoa Kỳ tăng khá so với tuần trước. Cụ thể, nhập khẩu cà chua thường đạt 2,3 nghìn tấn, tăng 22% so với tuần trước và tăng 1,7% so với cùng kỳ 2010. Tuy nhiên, tính tổng lượng nhập khẩu cà chua thường từ đầu năm đến ngày 6/8/2011 lại giảm, đạt 210,6 nghìn tấn, giảm 30,4% so với cùng kỳ 2010.
Sản xuất tại Việt Nam
Thống kê lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/7, diện tích gieo trồng màu lượng thực cả nước đạt 1.511 nghìn ha, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích ngô đạt 898 nghìn ha, tăng 3,7%, khoai lang đạt 122 nghìn ha, tăng 9,6%, sắn đạt gần 455 nghìn ha, tăng hơn 70% so với cùng kỳ năm trước.
Diện tích gieo trồng cây công nghiệp ngắn ngày đạt 595 nghìn ha, tương đương cùng kỳ năm trước. Trong đó, diện tích lạc đạt hơn 200 nghìn ha, tăng 2,3%; diện tích đậu tương đạt gần 142 nghìn ha, bằng 91,6%; diện tích rau, đậu các loại đạt 661 nghìn ha, tăng 9,6% so với cùng kỳ 2010.
Nhu cầu nhập khẩu rau quả Việt Nam của Trung Quốc tăng mạnh
Trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2011, khối lượng xuất khẩu phần lớn các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoài, nhưng do giá tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng trưởng khá. Giá trị xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 7 ước đạt 2 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm lên 13,9 tỷ USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2010.
Trong đó, xuất khẩu rau hoa quả tháng 7 tiếp tục tăng mạnh, đạt 57,3 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm 2011 lên 346,8 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ 2010.
Hiện nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường như Trung quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Inđônêxia đang tăng mạnh. Để phát huy tối đa lợi thế, nâng cao khả năng trong xuất khẩu rau quả và có được sự tăng trưởng bền vững thì cần phải khắc phục những yếu điểm như: sản xuất phân tán, năng suất thấp, giải quyết dứt điểm khâu tạo giống, làm tốt công tác rải vụ thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch và chế biến rau quả xuất khẩu.
Trong chuỗi giá trị gia tăng gắn kết giữa sản xuất - thu mua - chế biến bảo quản - tiêu thụ trái cây ở nước ta, khâu chế biến bảo quản còn quá nhiều hạn chế, yếu kém đã ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển ngành hàng trái cây Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới, việc đầu tư vùng nguyên liệu tập trung theo hướng VietGAP để có sản phẩm sạch cho chế biến là một nhu cầu thiết yếu.
Tháng 7, xuất khẩu rau quả sang Trung quốc tăng 262,4%: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm phục vụ đời sống của người dân Trung Quốc ngày càng cao và đa dạng hơn trước. Đối với sản phẩm nông nghiệp, cụ thể là rau quả, xu hướng tiêu dùng nhóm sản phẩm này đang dần trở nên rõ nét hơn, đặc biệt tại khu vực thành thị.
Trong cơ cấu nhập khẩu rau quả của Trung Quốc một vài năm trở lại đây đã cho thấy sự đa dạng về chủng loại. Sản phẩm rau quả xuất khẩu sang thị trường này thường mang tính đặc trưng vùng miền như nho đỏ không hạt của Ôxtrâylia; chôm chôm, măng cụt của Thái Lan; xoài của Pakistan; cam, lựu và quýt của Achentina. Thị trường Trung Quốc cũng đã mở cửa cho trái sầu riêng của Malaysia…
Đối với các sản phẩm rau quả Việt Nam, trong những năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc liên tục tăng. Năm 2009 đạt 55,2 triệu USD, tăng 15,6% so với năm 2008. Năm 2010 đạt 77,9 triệu USD, tăng 41% so với năm 2009. Trong 7 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 73,8 triệu USD, tăng 137,4% so với cùng kỳ 2010. Thanh long, dừa khô lột vỏ, nhãn, vải, na, thảo quả, vú sữa, khoai lang tím là những sản phẩm đặc trưng của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Nhu cầu nhập khẩu rau quả của Nhật Bản tiếp tục tăng: Nguồn cung nông sản của Nhật Bản giảm mạnh sau trận động đất ngày 11/3. Bên cạnh đó, việc phát hiện các chất phóng xạ trong một số loại rau quả tại Ibaraki và Fukushima khiến lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm rau quả trong nước giảm sút và nhu cầu tiêu thụ rau quả ngoại nhập tăng cao.
Trong tháng 7, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 5,2 triệu USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ 2010. Tính chung 7 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 33,2 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ 2010.
Inđônêxia đã vượt qua Nga để vươn lên vị trí thứ 3 trong số những thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam: Từ đầu năm 2011 đến nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Inđônêxia tăng rất mạnh. Riêng trong tháng 7, xuất khẩu sang thị trường này đạt 976,2 nghìn USD, tăng 24,5%. Tính chung 7 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu sang Inđônêxia đạt 28,2 triệu USD, tăng 168,9% so với cùng kỳ 2010. Sản phẩm rau quả xuất khẩu sang thị trường này chủ yếu là thanh long và củ hành đỏ.
Xuất khẩu rau quả sang Hà Lan giảm nhẹ: Trong tháng 7/2011, xuất khẩu rau quả sang thị trường Hà Lan đạt 2,6 triệu USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ 2010. 7 tháng đầu năm 2011, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 18,6 triệu USD, giảm 3,3%. Giảm mạnh nhất là chanh và nước ép hoa quả. Nguồn cung trái chanh tại Tây Ban Nha tăng mạnh với chất lượng tốt hơn khiến các nhà nhập khẩu tại EU chuyển hướng nhập khẩu chanh từ Tây Ban Nha thay vì nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước Châu Á.
Giá rau quả xuất khẩu tháng 7/2011 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2010:
Trong tháng 7, đơn giá trung bình một số loại rau quả tăng khá mạnh do nhu cầu tăng cao. Giá xuất khẩu dừa khô lột vỏ sang thị trường Nga lại tăng khá mạnh trong tháng 7, đạt 1,5 USD/kg (CPT), tăng 66,6% so với cùng kỳ 2010. Do nhu cầu nhập khẩu tại Trung Quốc, Thái Lan tăng mạnh nên nguồn cung dừa trong nước giảm khiến giá xuất khẩu tăng cao.
Đơn giá trung bình xuất khẩu hành đỏ tươi cũng tăng nhẹ, đạt 0,27 USD/kg, tăng 7,7% so với cùng kỳ 2010. Giá xuất khẩu hành đỏ sang thị trường Đài Loan hiện là 0,3 USD/kg (FOB), tăng 50% so với cùng kỳ 2010.
Đơn giá xuất khẩu khoai lang tím Nhật sang thị trường Nhật Bản trong tháng 7 đạt 1,7 USD/kg (CF), tăng 6,5% so với cùng kỳ 2010. Giá xuất khẩu sang thị trường Singapore đạt 1,1 USD/kg (FOB), tăng 0,1 USD/kg so với cùng kỳ 2010.
Theo rauhoaquavietnam.vn