Theo đó, thuế chống bán phá giá (CBPG) mà các doanh nghiệp tôm VN phải chịu trong đợt xem xét hành chính lần thứ 5 (POR 5) thấp hơn nhiều so với kết quả của POR 4. Đối với cá tra, với mức thuế CBPG bằng 0 trong kết quả sơ bộ của POR 7.
Tăng khả năng cạnh tranh
Theo kết quả chính thức đợt xem xét hành chính lần thứ 5 (POR 5) đối với sản phẩm tôm đông lạnh VN (giai đoạn 1-2-2009 đến 31-1-2010), mức thuế của các công ty trong đợt xem xét này đều giảm.
Trong đó, ba bị đơn bắt buộc là Minh Phú giảm từ 2,95% xuống còn 1,15%; Nha Trang Seafood giảm từ 4,89% còn 0%; Camimex giảm từ 3,92% xuống còn 0,83%. 28 công ty còn lại cũng được giảm thuế từ mức 3,92% trong đợt xem xét trước xuống còn 1,04%. Bản thân kết quả chính thức của POR 5 cũng đã giảm khá nhiều so với kết quả sơ bộ mà DOC công bố hồi tháng 3-2011 (mức thuế mà đa số công ty phải chịu khi đó là 1,52%).
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho rằng kết quả này khá thuận lợi cho các công ty tôm của VN. Việc giảm thuế CBPG so với đợt xem xét trước đồng nghĩa với các công ty có thể lấy lại một phần tiền ký quỹ từ trước, đồng thời giảm số tiền ký quỹ cho giai đoạn xuất khẩu sắp tới.
Hơn nữa, mức thuế mới cũng làm tăng khả năng cạnh tranh của mặt hàng tôm VN tại Mỹ khi mà các đối thủ cạnh tranh của VN cũng đang được hưởng mức thuế tương đối thấp.
3 năm liên tiếp có thuế bằng 0
Trong khi đó, theo kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần 7 (POR 7) đối với cá tra VN xuất khẩu vào Mỹ giai đoạn 1-8-2009 đến 31-7-2010, Công ty CP Vĩnh Hoàn có khả năng trở thành doanh nghiệp thủy sản đầu tiên của VN thoát khỏi vụ kiện CBPG của Mỹ.
Theo đại diện của Vĩnh Hoàn, kết quả của hai lần xem xét trước (POR 5 và POR 6) Vĩnh Hoàn có mức thuế 0%, nên nếu kết quả của POR 7 không thay đổi trong phán quyết sau cùng của DOC (sẽ được công bố vào tháng 3-2012) thì sẽ là điều kiện và cơ hội để công ty nộp đơn xin xem xét được rút ra khỏi vụ kiện.
Ngoài Vĩnh Hoàn, các công ty là bị đơn của đợt xem xét lần này có mức thuế khoảng 15%. Sở dĩ các doanh nghiệp còn lại phải chịu mức thuế khá cao, theo ông Hòe, là do trong đợt xem xét này phía Mỹ đã sử dụng hai quốc gia cho việc tính toán giá thành thay vì một quốc gia như trước. Lần này, Mỹ lấy số liệu của Indonesia để tính giá thành nguyên liệu cá trong khi các yếu tố tài chính khác lấy từ Bangladesh.
VASEP cho biết đây mới chỉ là kết quả sơ bộ nên chưa áp dụng ngay đối với mức thuế của các đơn hàng đang và sẽ xuất khẩu trong thời gian tới. Đơn vị này cùng các luật sư tiếp tục cung cấp thêm thông tin để có sự đồng nhất trong số liệu của nước thay thế.
“VN vẫn muốn DOC sử dụng Bangladesh làm quốc gia thay thế như các lần xem xét trước. Nếu DOC sử dụng Bangladesh thì thuế của các doanh nghiệp VN xem xét đợt này chắc chắn sẽ giảm so với mức hiện tại vì giá nguyên liệu của Indonesia rất cao, không phản ánh giá thành thực tế tại VN” - ông Hòe cho biết.
Chủ động giảm thuế
Theo VASEP, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các doanh nghiệp thủy sản VN (cả tôm và cá tra) có mức thuế CBPG thấp hơn trong đợt xem xét vừa qua là giá bán vào Mỹ đã tăng. Để tính biên độ bán phá giá, phía Mỹ so sánh giá bán của doanh nghiệp VN với một mức giá thành xác định, điều đó có nghĩa nếu giá (cá tra, tôm) của VN càng cao thì biên độ bán phá giá sẽ càng giảm.
Theo VASEP, giá xuất khẩu tôm vào Mỹ trong bảy tháng đầu năm nay trung bình đạt 10,58 USD/kg, tăng 1,05 USD/kg so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, giá xuất khẩu cá tra trong bảy tháng đầu năm nay đạt 3,73 USD/kg so với 3,09 USD/kg của cùng kỳ năm 2010.
Ông Hòe cho rằng doanh nghiệp có thể thoát khỏi vụ kiện bằng cách nâng cao giá trị xuất khẩu. Dù chưa thoát khỏi vụ kiện hoàn toàn, các doanh nghiệp vẫn có thể duy trì mức thuế CBPG ở mức thấp bằng cách tăng giá bán. “Với giá hiện tại chúng ta vẫn phải chịu thuế nên các doanh nghiệp cần bán cao hơn, đặc biệt đối với cá tra có thể chấp nhận giảm sản lượng nhưng tăng giá trị” - ông Hòe nói.
Riêng đối với con tôm, trong đợt tính thuế POR 5 vừa công bố, phía Mỹ vẫn tiếp tục áp dụng phương pháp quy về 0 mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã bác bỏ trong vụ kiện của VN với Mỹ vừa qua. “Hiện Mỹ đang trong thời gian kháng cáo với phán quyết của WTO nên họ chưa áp dụng. Nếu họ bỏ cách tính quy về 0 thì mức thuế mà các công ty của VN phải chịu còn thấp hơn nữa” - ông Hòe nói.
Hiện VASEP đã đề nghị cơ quan nhà nước tiếp tục kiện bổ sung Mỹ ra WTO trong đợt xem xét hành chính lần thứ 4 của Mỹ đối với tôm đông lạnh VN. Nếu WTO ra phán quyết tương tự vụ kiện vừa qua, ngành tôm VN có thể thoát khỏi vụ kiện CBPG của Mỹ.
Theo Tuổi trẻ