Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp ngạt thở
07 | 09 | 2011
Tại hội thảo “DN và ngân hàng trước tác động của chính sách tiền tệ” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều qua (6/9) tại Hà Nội, nhiều đại biểu đã kêu than vì về việc khó tiếp cận nguồn vốn và "làm không đủ nuôi ngân hàng".
30% DN chờ chết
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI mở đầu cuộc hội thảo bằng một “tin mừng”: Tính đến hết tháng 8/2011, cả nước đã có 602 nghìn DN đăng ký và hoạt động theo luật. Đây là con số lớn hơn chỉ tiêu 500 nghìn DN mà chúng ta đặt ra đến hết năm 2011.
Tuy nhiên, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế độc lập, lại không đồng tình với nhận định trên. Ông Ánh cho rằng, về thực chất, theo Hiệp hội DN nhỏ và vừa, chỉ có khoảng hơn 300 nghìn DN còn hoạt động và có đăng ký thuế. Nhiều DN nhỏ và vừa đang đứng trước bờ vực phá sản, đặc biệt là các DN “nhạy cảm” với cơ chế tài chính thay đổi liên tục và các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, XNK…
“Thống kê cho thấy chỉ có 10-15% các DN quan hệ thường xuyên với ngân hàng, 70% DN đang “đói” vốn, trong đó 30% đang nằm ở ngưỡng phá sản. Nhiều DN than rằng với lãi suất hiện nay, sản xuất kinh doanh có khéo đến mấy cũng chỉ đủ trang trải công nợ và lãi suất ngân hàng”, ông Ánh cho hay.
Đồng quan điểm của chuyên gia kinh tế, bà Nguyễn Thị Minh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Chè Văn Hưng (Yên Bái) cho rằng, nếu như hàng năm, DN hoạt động 100% công suất, thì doanh thu đạt khoảng hơn chục tỷ đồng, như vậy mới có lãi để chi trả lương cho công nhân. Song, từ đầu năm đến nay, Cty chỉ đạt được 30% kế hoạch năm và việc lỗ gần như đã cầm chắc.
Lý do là bởi chỉ kiếm tiền để trả lãi cho ngân hàng cũng đã khiến DN hết đường thở, nói gì đến có lãi. “Phần lớn các DN nông nghiệp như chúng tôi đều phải vay vốn ngân hàng. Với lãi suất cao như hiện nay thì kinh doanh cái gì cũng khó, nói gì đến sản xuất chè”, bà Minh than thở.
DN nông nghiệp vốn đã khó khăn về vốn, các DNXK cũng đang vô cùng chật vật. Ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh băn khoăn: Tốc độ tăng trưởng ngành chế biến gỗ trong 4 năm gần đây liên tục đi xuống, từ mức trung bình tăng trưởng 35% xuống còn vài phần trăm. Với thị trường Mỹ có dấu hiệu cho thấy họ có chuẩn bị áp thuế chống bán phá giá với mặt hàng đồ gỗ.
Khó khăn với DN ngành gỗ lên tới đỉnh điểm. Giá đầu ra của ngành gỗ không tăng trong khi giá đầu vào tăng rất nhanh. Lãi suất cao làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Chưa bao giờ có tình trạng lãi suất lên tới 23-25% như hiện nay.
Hạ lãi suất mới có “cửa” sống!
Những con số do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2011, có khoảng 30% số DN phải phá sản, giải thể, đóng cửa, tạm ngừng sản xuất, nguyên do chính là bởi lãi suất ngân hàng quá cao. Ông Đoàn Trọng Lý, TGĐ Cty CP Chăn nuôi Chế biến và XNK (Aprocimex) cho biết, Aprocimex đã phải hoạt động cầm chừng, phải thắt chặt chi tiêu, tiết giảm nhân công để cố gắng duy trì sự tồn tại của mình, nếu không, chỉ riêng việc lo trả lãi suất cho ngân hàng cũng khiến DN có nguy cơ đóng cửa, nói gì đến có lãi.
Đón nhận thông tin Ngân hàng Nhà nước hứa sẽ giảm lãi suất cho vay xuống còn 17 – 19%, ông Lý cho rằng, nếu được như vậy thì thực sự là động lực giúp cộng đồng DN cởi bớt những khó khăn lâu nay, không những nhiều DN sẽ được vực dậy mà còn giúp cho nguồn thu ngân sách của Nhà nước ổn định hơn, vì DN phải làm ăn có lãi thì mới có tiền để nộp thuế thu nhập.
Trên thực tế, những ngày gần đây, nhiều ngân hàng cũng đã có những động thái điều chỉnh lãi suất như các gói tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng Á châu (ACB)… “Phải hạ lãi suất thì DN mới có “cửa” sống. Tuy nhiên, hạ thế nào trong khi lãi suất cơ bản vẫn là 9%, lãi suất tái cấp vốn là 14%, lãi suất huy động thỏa thuận của nhiều ngân hàng vẫn đang trong ngưỡng trên 17% là bài toán không dễ tìm ra lời giải”, TS Ánh phân tích.
Dù kỳ vọng nhiều vào lời hứa của vị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, song các chuyên gia vẫn cho rằng, lãi suất cũng khó có thể giảm sâu. Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện nghiên cứu KT-XH Hà Nội, điều kiện để giảm lãi suất một cách rõ rệt vẫn là mặt bằng chi phí huy động phải giảm. Nếu lãi suất huy động từ hệ thống các ngân hàng thương mại vẫn ở mức cao như hiện nay (17 – 18%/năm) thì khó có thể kéo lãi suất cho vay xuống.
TS Đinh Thế Hiển, GĐ Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng khẳng định: “Lãi suất ở Việt Nam cao nhất thế giới”. Cụ thể, lãi suất huy động của Việt Nam đến 14%/năm, trong khi Ukraine cao thứ nhì cũng chỉ 12,5%/năm, Pakistan 9,8%/năm, Ấn Độ 9%/năm, Úc 6,4%/năm, Indonesia 6%/năm…
Theo Nông nghiệp Việt Nam


Báo cáo phân tích thị trường