Việc Bộ Tài chính công bố giá thành SX lúa để làm giá cơ sở định hướng cho các doanh nghiệp thu mua lúa, gạo ở ĐBSCL đã được thực hiện mấy năm nay. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này đang xuất hiện những ý kiến trái chiều.
Thực hiện Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, những năm gần đây, cứ chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch là Bộ Tài chính lại công bố giá thành SX lúa của các địa phương khu vực ĐBSCL. Cụ thể, giá thành SX lúa bình quân ở khu vực trong vụ đông xuân 2014-2015 là 3.417 đồng/kg.
Trong đó, Bến Tre là tỉnh có giá thành SX lúa kế hoạch vụ đông xuân cao nhất lên tới 4.026 đ/kg, tiếp đến là Tiền Giang 3.835 đ/kg, Long An 3.702 đ/kg, Trà Vinh 3.677 đ/kg, Sóc Trăng 3.662 đ/kg… Giá SX thấp nhất là Kiên Giang 2.643 đ/kg, Cà Mau 2.826 đ/kg, Hậu Giang 2.979 đ/kg.
Mục đích của việc làm này để điều chỉnh chính sách sao cho nông dân trồng lúa có lãi tối thiểu 30% (giá thành + 30% = giá thu mua thấp nhất).
Việc làm nghe có vẻ hợp lý, tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng: làm như vậy là chúng ta đang chơi “ván bài lật ngửa”.
Thực tế qua theo dõi mấy năm nay cho thấy, giá lúa hàng hóa ở ĐBSCL chỉ quanh quẩn ở mức 4.500 - 5.500 đ/kg, đúng bằng với giá thành + 30% lợi nhuận cho nông dân. Chẳng biết có nước nào có cách làm giống Việt Nam không?
Thường người SX chỉ công bố giá bán, chứ chẳng ai dại gì lại công bố giá thành cho người mua biết cả. Chơi bài ngửa thế này thì chúng ta không thể thắng được, trong khi đối tác và cả đối thủ của ta lại là những DN lớn, vốn rất giỏi về làm giá và thao túng thị trường.
Vì thị trường lúa gạo của VN đang lệ thuộc rất lớn vào thị trường xuất khẩu là chính. Chỉ cần nắm được thông tin này, những nhà nhập khẩu sẽ tính ra giá thu mua gạo của VN, một nước rất cần XK gạo để giải quyết đầu ra cho nông dân. Vậy là gạo của ta cứ mãi xuất ở giá thấp, có muốn tăng cũng không tăng được.
Là người không đồng tình với chủ chương này, ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang cho rằng: “Việc công bố như vậy thiệt cho nông dân nhiều hơn là lợi”. Khi chúng ta công bố giá thành, các nước nhập khẩu sẽ nắm được thông tin, tính toán ra mức giá mà chúng ta xuất đã có lãi để ấn định giá mua.
“Chẳng hạn chúng ta đi đàm phán với nhà nhập khẩu mức giá 500 USD/tấn, họ chìa cho chúng ta bảng chiết tính chỉ cần xuất 450 USD là đã có lãi rồi, vậy thì còn gì là bí mật kinh doanh nữa”, ông Đồng đặt vấn đề. Mà khi đã không xuất được giá cao thì DN về nước sẽ thu mua lúa của nông dân với giá thấp, thế là thiệt thòi lại rơi vào những người đã một nắng hai sương làm ra hạt lúa.
Ông Đồng kiến nghị, chúng ta nên bỏ việc công bố giá thành hoặc chỉ nên công bố nội bộ, để ấn định giá cơ sở thu mua lúa hằng năm mà thôi. Ở Thái Lan, thực hiện chương trình trợ giá lúa gạo, Chính phủ cũng chỉ ấn định giá thu mua lúa cho nông dân cụ thể từng năm là bao nhiêu chứ họ chẳng dại gì lại đi công bố giá thành.
Tương tự, ông Nguyễn Trung Tín, Phó TGĐ Cty TNHH SX&TM Phan Minh, một đơn vị xuất khẩu gạo lớn ở TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng không nên công bố giá thành SX lúa. Vì thực tế việc công bố này chẳng có mấy tác dụng, DN nghiệp vẫn thu mua theo giá thị trường, giá lên thì mua lên, giá xuống mua xuống. Công bố giá cơ sở để thu mua nhưng không có chế tài và đơn vị nào đứng ra kiểm soát thì cũng chẳng có tác dụng gì.