Chỉ trong 1 tuần lễ, giá lúa đông xuân sớm (ĐXS) ở ĐBSCL rớt thêm 500đ/kg và khó tiêu thụ. Nhiều nơi, nông dân thu hoạch 2-3 ngày mà vẫn mỏi mắt chờ. Theo dự báo, giá lúa sẽ tiếp tục giảm sâu vào thời điểm sau Tết Nguyên đán do vào cao điểm thu hoạch. Điều này sẽ khiến nông dân thiệt hại kép do vụ lúa năm nay giá thành tăng - năng suất sụt giảm.
Rớt giá, khó bán
ĐBSCL đang thu hoạch lúa ĐXS, nhưng không khí mua bán trầm lắng khác thường. Anh Phan Văn Dũng - xã Bình Phú, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), cho biết gia đình vật vờ bên bãi lúa 2 - 3 ngày nay mà vẫn chưa thấy thương lái đến thu mua như giao kèo. Đây là chuyện không bình thường. Bởi lâu nay, lúa ĐXS rất trúng giá, dễ bán. Cùng thời điểm này vụ 2013 - 2014, giá lúa đạt 6.000đ/kg (chất lượng cao), 4.700 - 4.750đ/kg (lúa chất lượng thấp). “Nguyên nhân chủ yếu là do giá thu mua gạo sụt giảm nhanh” - Th.S Nguyễn Phước Tuyên - Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học và thông tin (Sở NNPTNT Đồng Tháp), lý giải.
Thông thường 7 - 10 ngày trước thu hoạch, thương lái đến thăm ruộng rồi cho giá và ngày giờ thu hoạch cụ thể. Nhưng thời điểm này giá lúa rớt từng ngày khiến thương lái không kịp trở tay. “Chỉ trong 1 tuần, giá lúa sụt đến 500đ/kg. Hiện giá lúa tươi chất lượng cao chỉ còn 4.300 - 4.500đ/kg, lúa chất lượng thấp chỉ ở mức 4.000 - 4.200đ/kg”.
|
Một chủ lúa mệt mỏi bên đống lúa chưa bán được. |
Anh Lê Hồng Thạnh - xã Phú Đức (Tam Nông, Đồng Tháp) - người có trên 20 năm kinh nghiệm trong nghề thu mua lúa - cho biết thêm: “Giá rớt sâu và nhanh không ngờ. Chỉ trong 3 chuyến hàng vừa rồi, tôi thua lỗ trên 10 triệu đồng. Vì vậy đành phải “kèo nài” bà con giảm thêm chút ít, nếu không được chấp nhận thì bỏ tiền “cọc” để giảm thua lỗ”. Đây cũng là tình cảnh phổ biến ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang…
Nông dân oằn vai
Lúa rớt giá ngay trong mùa cao điểm thu hoạch đã dồn đẩy nông dân vào chân tường thua thiệt. Chưa kể theo ngành nông nghiệp Đồng Tháp, do nhiều nguyên nhân như nước lũ 2014 ở mức thấp và vào thời điểm làm đồng lại gặp thời tiết lạnh, cây lúa bị stress lạnh và nhiều sâu bệnh nên chi phí sản xuất tăng mà năng suất lại giảm. Ông Nguyễn Văn Hiền - người trồng 45 công lúa OM 4900 ở xã Bình Phú - nói cụ thể: “Bình quân mỗi công chi phí tăng thêm 200-300 nghìn đồng, nhưng năng suất giảm khoảng 100kg/công”.
Tuy nhiên, nhiều khả năng giá lúa sẽ tiếp tục rớt thêm, nhất là giai đoạn sau Tết Nguyên đán cả vùng sẽ thu hoạch rộ. Anh Lê Hồng Thạnh lý giải: “Hiện giá gạo thô mà các kho thu (mua) vào là 6.050 - 6.100đ/kg, tương ứng với giá lúa 4.200 - 4.300đ/kg”. Vì vậy vào cao điểm thu hoạch, giá lúa tiếp tục giảm vì đầu ra hạt gạo Việt Nam đang hẹp dần. “Giá xăng dầu liên tiếp sụt làm cho nhiều quốc gia ở Châu Phi khó mua gạo. Còn cánh cửa thị trường truyền thống đang hẹp dần”, Th.S Tuyên nhấn mạnh: “Sẽ rất khó để các nhà xuất khẩu Việt Nam bứt phá khỏi mức giá sàn xuất khẩu thấp nhất thế giới hiện là 365 - 375 USD/tấn (5 % tấm)”.
Đáng lo hơn là mức giá này sẽ “làm tội” nông dân dài dài vì không có đường né tránh. Giải pháp giảm lúa chất lượng thấp, tăng cường lúa chất lượng cao, lúa thơm cũng khó giúp nông dân, thậm chí còn tệ hơn. Như ở Sóc Trăng, hiện lúa ST (giống lúa thơm đặc sản) bị thương lái từ chối mua. “Nguyên nhân là do các doanh nghiệp trong nước chỉ bán gạo chất lượng cao, gạo thơm với giá thấp” - Th.S Tuyên cho biết thêm: “Năm 2014 Việt Nam chỉ bán gạo thơm với giá 505 - 510USD/tấn, so với Thái Lan là 920 - 935USD/tấn và Campuchia 795 - 805USD/tấn”.
“Người trồng lúa ĐBSCL đang loay hoay trong nghịch cảnh: Tạo ra sự no đủ cho người khác còn bản thân mình lại “nghèo... bền vững” là do chính sách đầu tư cho cây lúa chưa thực sự tạo điều kiện để nông dân thoát khỏi vòng luẩn quẩn: Nghèo - khó bán giá cao” - Th.S Tuyên chia sẻ. Việc phải bán với giá thấp trong thời gian dài đã triệt tiêu động lực nâng cao chất lượng lúa gạo của nông dân ĐBSCL.