Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng của Nam Á dự báo sẽ giảm, mặc dù Đông Á và Đông Nam Á sẽ có vụ mùa cao kỷ lục. Sản lượng gạo Nam Mỹ dự báo cũng tăng, nhưng của châu Phi cận Sahara sẽ giảm nhẹ.
Trong báo cáo mới nhất, USDA dự báo sản lượng sẽ tăng ở một số nước nhưGuyana và Paraguay bởi diện tích lúa tăng, nhưng sẽ giảm ở Brazil. Dự báo sản lượng của Cuba và CH Dominican sẽ tăng. Sản lượng của Mỹ dự báo giảm do năng suất giảm.
Diện tích gieo cấy toàn cầu năm 2014/2015 báo đạt 160,6 triệu ha, giảm nhẹ so với năm 2013/2014. Năng suất trung bình sẽ đạt 4,41 tấn/ha, không đổi so với năm trước.
USDA nhận định tiêu thụ và thất thoát gạo toàn cầu năm 2014/2015 sẽ cao kỷ lục 483,3 triệu tấn, tăng 3,2 triệu tấn so với năm trước và không đổi so với dự báo hồi tháng trước. Như vậy, tiêu thụ gạo toàn cầu sẽ vượt sản lượng 7,8 triệu tấn trong năm 2014/2015, chủ yếu do tiêu thụ tại Bangladesh, Myanmar, Trung Quốc, Indonesia và Mỹ tăng mạnh.
Tồn kho cuối vụ năm 2014/2015 ước đạt 99 triệu tấn, giảm 9% so với 109,3 triệu tấn năm 2013/2014, và giảm so với 99,1 triệu tấn dự báo hồi tháng trước, chủ yếu do dự trữ tại Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan giảm. Tuy nhiên, dự báo dự trữ tại Philippine và Mỹ sẽ tăng.
Tỷ lệ tồn kho/sử dụng năm 2014/2015 dự báo đạt 20,5%, giảm so với 22,3% năm trước.
USDA dự báo mậu dịch gạo toàn cầu năm 2015 sẽ đạt 42,6 triệu tấn, gần như không đổi so với năm 2014, nhưng tăng nhẹ so với 41,9 triệu tấn dự báo hồi tháng 12/2014, do lượng mua mạnh của Trung Quốc và châu Phi cận Sahara, và nguồn cung dành cho xuất khẩu dồi dào ở hầu hết các nước xuất khẩu châu Á và Nam Mỹ.
Về xuất khẩu, USDA dự báo Thái Lan xuất khẩu kỷ lục 11,3 triệu tấn gạo trong năm 2015 trong bối cảnh nước này nỗ lực giải phóng gạo dự trữ. Myanmar dự đoán cũng sẽ tăng xuất khẩu lên 1,5 triệu tấn nhờ tăng xuất sang Trung Quốc.
Dự đoán xuất khẩu gạo của Uruguay năm 2015 đạt 400.000 tấn, tăng 53% so với năm 2014 do sản lượng tăng trong khi tiêu thụ nội địa giảm. Xuất khẩu của Guyana dự báo sẽ ở mức 500.000 tấn, gần như không thay đổi so với năm ngoái, nhưng cao hơn 50.000 tấn so với dự báo tháng trước nhờ sản lượng tăng và xuất khẩu mạnh năm 2014.
Về nhập khẩu, USDA dự báo nhập khẩu gạo của Trung Quốc sẽ đạt 4,3 triệu tấn năm 2015, tăng 10% so với 3,9 triệu tấn năm 2014 và tăng nhẹ so với 4 triệu tấn dự báo hồi tháng trước dựa vào việc Trung Quốc ký thỏa thuận với Myanmar và Thái Lan.
Dự báo Syria sẽ giảm nhập khẩu 9% xuống khoảng 200.000 tấn, nhưng con số này vẫn cao hơn 33% so với mức 150.000 tấn dự báo hồi tháng trước, bởi xuất khẩu từ Ấn Độ và Việt Nam sang thị trường này qua Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng (một phần trong chương trình trợ cấp lương thực).
Về năm 2014, USDA đã nâng đánh giá về xuất khẩu gạo từ Ấn Độ và Myanmar (khu vực châu Á) và Guyana (Nam Mỹ). Tuy nhiên, cơ quan này hạ mức đánh giá về xuất khẩu của Mỹ do nguồn cung khan hiếm và chênh lệch giá so với các đối thủ châu Á cao kỷ lục. USDA nâng ước tính về nhập khẩu gạo của Bangladesh, Sri Lanka, Saudi Arabia và Syria.