Đồng Tháp, một trong những địa phương thu hoạch lúa hè thu sớm đầu tiên ở ĐBSCL, nông dân đang “ăn không ngon, ngủ không yên” vì lúa rớt giá liên tục, không có người thu mua.
Chiều 21-6, nông dân Nguyễn Văn Tá ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò lo lắng: “Nhà tôi vừa thu hoạch 2 ha lúa IR50404 năng suất khá cao, 6,5 tấn/ha. Khoảng 1 tuần trước, lúa khô còn ở mức giá 4.200 đồng/kg, nay rớt xuống 3.600 đồng/kg nhưng không thấy thương lái nào đến hỏi. Vụ hè thu, chi phí sản xuất cao mà bán với giá này, không thể nào nông dân có lời được. Mấy ngày nay tôi đứng ngồi không yên. Bây giờ ai kêu giá khoảng 3.900 đồng/kg tôi bán liền lấy tiền cho con cái học hành, mua vật tư nông nghiệp, trả nợ ngân hàng”.
|
Lúa còn tồn đọng nhiều ở ĐBSCL. Ảnh: H.PHONG |
Tại huyện đầu nguồn Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, mới thu hoạch 1.000/11.700ha lúa nhưng cũng “bí” lối ra. Ông Nguyễn Văn Buôn, Phó phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự cho biết: “Giá lúa bèo lắm, kêu bán 3.400 đồng/kg không ai mua. Với mức giá này, nông dân canh tác trên đất nhà huề vốn được là may, còn các trường hợp thuê đất lỗ chắc. Hiện tại, lúa đông xuân còn tồn đọng khá nhiều, nhất là khu vực 5 xã cù lao trồng lúa cao sản của huyện Hồng Ngự: Phú Thuận A, Phú Thuận B, Long Thuận, Long Khánh A, Long Khánh B. Lo ngại nhất, đến tháng 7, nông dân thu hoạch rộ lại không tiêu thụ được, trong khi khả năng dự trữ, bảo quản sau thu hoạch còn yếu kém dẫn đến lúa bị ẩm mốc, rớt phẩm cấp, mất giá, thiệt hại sẽ rất lớn”.
Tại các huyện đầu nguồn Tân Hồng giá lúa còn thấp hơn 100-200 đồng/kg so với huyện Hồng Ngự vì diện tích thu hoạch nhiều hơn và đường vận chuyển xa.
Chung cảnh khó, nông dân Hậu Giang mới thu hoạch 12.000ha trong tổng số hơn 70.000ha lúa hè thu, năng suất 5,2 tấn/ha, nhưng đã “tắt” đầu ra. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang lo ngại: “Lúa đang tiêu thụ chậm lắm dù giá khá thấp. Hiện giá lúa khô chỉ còn 3.500 đồng/kg, lúa tươi tại ruộng 2.800-3.000 đồng kg, dưới giá thành sản xuất, nông dân khó có lời”.
Theo Viện Lúa ĐBSCL, hiện toàn vùng ĐBSCL còn tồn đọng khoảng 2 triệu tấn lúa (kể cả lúa đông xuân và hè thu đang thu hoạch). Lúa tiêu thụ chậm, trong khi khả năng dự trữ của nông dân ĐBSCL rất kém (khoảng 2 tháng). Hệ thống lò sấy, kho chứa lúa không đáp ứng nhu cầu; đặc biệt vụ thu hoạch rộ lúa hè thu thường gặp mưa dầm … dẫn đến nguy cơ thiệt hại lớn.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL khuyến cáo: “Theo dự báo, nhu cầu lúa gạo thế giới năm 2010 lớn, sản lượng lúa gạo sản xuất trong nước sẽ được tiêu thụ hết. Nhưng tại thời điểm này việc thu mua đang chậm, sản lượng lúa gạo tồn kho của các doanh nghiệp còn nhiều. Trước tình hình bất lợi này, nông dân nên chủ động tập trung phơi, sấy lúa thật tốt, đạt ẩm độ 13%-14%, để tránh hư hại chờ khi tình hình tiêu thụ, giá cả khá lên sẽ bán ra…”.