Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cơ hội để Việt Nam đặt dấu chấm hết cho ngành lúa gạo Campuchia?
28 | 10 | 2015
Trong 7 năm tới, khi các nước khác đẩy mạnh năng suất gieo trồng và hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU có hiệu lực, “ngành lúa gạo Campuchia sẽ hoàn toàn bị đổ vỡ.”

 Ngành trồng lúa là nghề chính của nhiều hộ dân phía Bắc Campuchia trong hàng nghìn năm qua, nhưng cách thức trồng của người nông dân tại đây không hề được cải tiến nhiều. Điều này khiến công việc của những người nông dân như chị Kim Laysim tại tỉnh Preah Vihear trở nên khó khăn hơn. Theo chị Kim, lượng mưa năm nay tại Campuchia quá ít và cũng đến muộn nên những người nông dân lo ngại sản lượng có thể suy giảm 50% so hạn hán.

Những người nông dân tại Campuchia không được hỗ trợ nhiều như ở Việt Nam và Thái Lan. Chính phủ Việt Nam và Thái Lan có trợ cấp cho nông dân trên diện rộng, các khoản vay lãi suất thấp và luôn cải thiện cơ sở hạ tầng liên quan đến nông nghiệp, qua đó tại nên một ngành sản xuất lúa gạo ổn định.

Mặc dù Campuchia tự hào về ngành lúa gạo của mình, thậm chí đoạt nhiều giải thưởng quốc tế cho chất lượng gạo, nhưng chính quyền Phnom Penh có rất ít động thái hỗ trợ phát triển cho ngành này. Chủ tịch Song Saran của Amru Rice, công ty xuất khẩu gạo lớn nhất Campuchia, cho rằng nếu chính phủ nước này không thay đổi chính sách đối với ngành nông nghiệp thì triển vọng của ngành lúa gạo Campuchia sẽ rất ảm đạm.

 Một kho lúa tại Thủ đô Phnom Penh
Một kho lúa tại Thủ đô Phnom Penh

Ông Song Saran và nhiều chuyên gia đều cho rằng ngành lúa gạo Campuchia đang gặp nguy hiểm bởi đây là lĩnh vực kinh doanh có lợi nhuận cận biên rất nhỏ trong khi việc buôn bán gạo lại tiềm tàng nhiều yếu tố rủi ro.

Những ảnh hưởng từ sự quản lý yếu kém của chính phủ Campuchia sẽ có tác động rất lớn đến kinh tế, xã hội bởi khoảng 50% người dân nước này phụ thuộc vào ngành lúa gạo.

Campuchia nằm trong top 10 nước xuất khẩu gạo hàng dầu thế giới và chuyên gia Chanthou Hem của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho rằng đây là một thành tích đáng ngạc nhiên so với tiềm lực của nước này. Theo ông Hem, ngành lúa gạo của Campuchia thiếu một hệ thống sản xuất hoàn thiện, thiếu cơ sở hạ tầng và quy trình quản lý sau thu hoạch. Đặc biệt, quốc gia này thiếu sự liên kết giữa nhà tạo giống, người nông dân và các lái buôn để có thể tạo nên một hệ thống sản xuất lúa gạo an toàn và có lợi nhuận tốt.

Trái ngược với ngành lúa gạo, cả 2 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và khu vực kinh tế tư nhân đã được chính quyền Phnom Penh đầu tư hàng triệu USD để tăng tốc độ tăng trưởng. Giám đốc điều hành Kann Kunthy của Brico thậm chí đã phải nhận định rằng chính phủ Campuchia đã “bỏ quên” ngành lúa gạo.

“Chính phủ luôn nói rằng họ đang cố gắng xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, nhưng họ đã nói điều tương tự trong 5-10 năm nay rồi”- ông Kuthy nói. Rõ ràng ngành lúa gạo Campuchia cần một hệ thống tưới tiêu tốt hơn, nhưng chính phủ vẫn chưa cải thiện được nhiều hệ thống này.

Ngành sản xuất lúa gạo của Campuchia ẩn chưa nhiều yếu tố rủi ro dù thời tiết có thuận lợi. Gia đình chị Laysim năm 2014 chỉ bán được 11 tấn gạo trong tổng số thu hoạch 15 tấn. Nguyên nhân chủ yếu là chị Laysim không chọn kỹ giống trước khi gieo trồng.

Thông thường, gia đình chị chọn giống theo kinh nghiệm hoặc chỉ đơn giản mua loại giống bình thường có mức giá vừa phải, trong khi thị trường Châu Âu lại thường chỉ nhập khẩu loại gạo chất lượng cao.

Campuchia có lợi thế tự nhiên về trồng lúa với ít phân bón, qua đó tạo ra loại gạo có chất lượng cao phù hợp với thị trường Châu Âu, nhưng với cách chọn giống trên, ngành lúa gạo nước này vẫn chưa nhận ra được nguy cơ mất thị phần của mình.

Do sản lượng gạo được bán thấp hơn mong đợi nên cô Laysim đã phải vay 3.000 USD để mua giống gieo trồng cho mùa vụ năm nay, dù cô không hề muốn làm như vậy. Theo Laysim, rất nhiều người nông dân Campuchia đã phải vật lộn để trả nợ do hạn hán, lũ lụt hay các thảm họa khác làm ảnh hưởng đến năng suất gieo trồng lúa.

“Sẽ rất khó khăn cho chúng tôi để hoàn trả khoản vay bởi lãi suất quá cao. Những liệu chúng tôi có còn lựa chọn nào khác?”, cô Laysim nói.

Tại Việt Nam và Thái Lan, chính phủ cho người nông dân vay với mức lãi suất rất thấp, thậm chí với mức 0%, trong khi một mạng lưới cho vay nặng lãi đang tràn ngập tại các vùng nông thôn Campuchia và tìm kiếm những người nông dân gặp bế tắc sau thảm họa mất mùa.

Thậm chí, một số khoản vay có mức lãi suất 100% và nếu người nông dân không thể thanh toán nợ, họ chỉ có thể bỏ nhà di cư nơi khác. Tính trong đầu năm 2015, hơn 700.000 người dân Campuchia đã sống tại Thái Lan với hộ chiếu tạm thời và hàng trăm ngàn người khác đang sinh sống bất hợp pháp tại đây.

Cô Kheang Kimlean, chủ sở hữu của một nhà máy xay xát gạo, đang phải vật lộn để duy trì mức công suất 15 tấn lúa bởi một nửa số khách hàng của cô đã chuyển đến Thái Lan sinh sống.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), xu thế người nông dân bỏ đồng ruộng sang Thái Lan làm việc đã khiến diện tích canh tác tại Campuchia giảm đáng kể, khoảng hơn 12% trong vòng chưa đến 10 năm. Đây là một thực tế không nằm trong kế hoạch của chính quyền Phnom Penh.

Năm 2010, Thủ tướng Hun Sen đã từng tuyên bố rằng Campuchia dự kiến xuất khẩu 1 triệu tấn gạo vào cuối năm 2015, nhưng kế hoạch này nhận được nhiều sự hoài nghi của người dân và các chuyên gia.

Chủ tịch Song Saran cho biết Campuchia chỉ xuất khẩu 379.000 tấn gạo năm 2013 và 387.000 tấn năm 2014, tăng 2,2%. Như vậy, nếu chính quyền Phnom Penh không hỗ trợ các khoản vay và nâng cấp hệ thống tươi tiêu cho người nông dân, mục tiêu của ông Hun Sen sẽ khó được thực hiện.

Mặc dù vậy, đây không phải là những khó khăn duy nhất mà ngành lúa gạo Campuchia gặp phải. Ông Saran cho rằng chi phí sản xuất của ngành lúa gạo nước này là quá cao.

Tại Việt Nam và Thái Lan, các cơ sở xay xát trả không quá 0,1 USD/KWh điện, trong khi Campuchia có mức giá đắt gấp đôi. Hệ thống giao thông vận tải cũng là một vấn đề, việc vận chuyển lúa từ các hộ nông dân qua những con đường đầy ổ gà đến các nhà máy xay xát tại Campuchia tốn 10USD.

Trong khi đó, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam tốt hơn, thậm chí người nông dân có thể chọn vận chuyển bằng tàu hỏa và tổng chi phí vận chuyên chở chỉ khoảng 3USD.

Sau khi xay xát xong, các nhà xuất khẩu gạo cần tốn thêm bình quân 25USD để trở hàng tấn gạo đến cảng Sihanoukville, qua đó vận chuyển đến những cảng lớn hơn như thành phố Hồ Chí Minh rồi mới được xuất sang Châu Âu.

Với những bất cập như vậy, Chủ tịch Saran cho rằng các quốc gia khác đều có hỗ trợ và ưu đãi với ngành lúa gạo của họ, còn Campuchia chỉ có lời cam kết mà không có hành động.

 Một cửa hàng lúa gạo tại Phnom Penh
Một cửa hàng lúa gạo tại Phnom Penh

Tồi tệ hơn, ngành lúa gạo Campuchia đang chịu sức ép rất lớn từ các quốc gia khác. Xuất khẩu lúa gạo của Campuchia vốn được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu tại thị trường Liên minh Châu Âu (EU). Hàng năm, thị trường Eu nhập khẩu khoảng 300.000 tấn gạo của Campuchia, tương đương 22% tổng khối lượng xuất khẩu lúa gạo của nước này.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng con số này sẽ suy giảm khi thỏa thuận thương mại tự do Việt Nam-EU được thực hiện và khoảng 76.000 tấn gạo Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu vào EU hàng năm. Ngoài ra, ngành lúa gạo của Myanmar, vốn kém phát triển hơn Campuchia, cũng đang tích cực phát triển để mở rộng thị phần.

Những thị trường mới như Trung Quốc và Malaysia có thể là một giải pháp cho ngành lúa gạo Campuchia, nhưng điều này đòi hỏi chính quyền Phnom Penh chủ động đề nghị thỏa thuận giữa 2 nước. Năm 2014, Trung Quốc đã nhập khẩu 100.000 tấn gạo từ Campuchia nhưng hiện chính quyền Bắc Kinh đang đòi hỏi quốc gia Đông Nam Á này giảm giá bán gạo. Đây là một minh chứng cho thấy thị trường lúa gạo đang bị cạnh tranh khốc liệt.

Để cứu vãn tình hình, chính phủ Campuchia đã thừa nhận những sai sót của mình và thành lập Liên đoàn CRF vào tháng 5/2014 với nhiệm vụ nâng cao năng suất và xuất khẩu lúa gạo.

Tuy nhiên, giới quan sát cho biết CRF chưa có bất kỳ động thái đáng kể nào từ khi được thành lập. Tại diễn đàn Southeast Asia Globe, khi được hỏi về những thành quả mà CRF đạt được kể từ khi được thành lập, Tổng thư ký Moul Sarith cho biết tổ chức này mới hoạt động một thời gian ngắn và từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào khác.

Theo ông Saran, nếu tình hình vẫn diễn biến như hiện tại, tương lai của ngành lúa gạo Campuchia sẽ vô cùng ảm đạm.



Theo http://bizlive.vn/
Báo cáo phân tích thị trường