Liên đoàn Marketing Hợp tác Nông nghiệp Quốc gia (NAFED) sẽ cung ứng gạo đồ không sản xuất từ lúa basmati (non-basmati parboiled rice) trong vòng 60 ngày sau khi ký thỏa thuận. Thỏa thuận được cho là sẽ sớm ký kết, các nhà chức trách cho biết. Giá trên bao gồm cả cước vận tải, bảo hiểm và chi phí dỡ hàng.
Bangladesh hiện đã chốt một thương vụ khác với một cơ quan nhà nước khác của Ấn Độ là PEC để nhập khẩu 100.000 tấn gạo với giá 455 USD/tấn. Gạo là lương thực thiết yếu cho 160 triệu người Bangladesh và giá gạo cao đặt ra vấn đề lớn cho chính phủ nước này khi cuộc bầu cử quốc gia vào năm tới ngày càng đến gần.
Bất chấp nhiều thương vụ đã ký kết với các nước xuất khẩu như Việt Nam, Bangladesh vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong tăng cường kho dự trữ, sau khi chấm dứt hợp đồng nhập khẩu 250.000 tấn gạo từ Campuchia hồi tháng trước do phía đối tác chậm giao hàng. Nhu cầu cao từ Bangladesh trong năm 2017 đang giúp giá gạo tại châu Á duy trì ở mức cao trong nhiều năm sau khi đạt mức cao nhất vào hồi tháng 6 vừa qua.
Cơ quan thu mua ngũ cốc của Bangladesh cũng đã phát đi hàng loạt giấy mời đấu thầu để nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 6/2018. Một đợt đấu thầu nội địa để mua 100.000 tấn gạo đồ từ thị trường quốc tế, sẽ đóng vào ngày 14/12 tới. Lượng gạo tồn kho tại các kho dự trữ chính phủ hiện ở mức gần 400,000 tấn, thấp hơn nhiều so với mức thông thường là 1 triệu tấn.
Hồi tháng 8 vừa qua, chính phủ đã hạ thuế nhập khẩu đối với gạo lần thứ 2 chỉ trong vòng 2 tháng. Lần hạ thuế này đã khuyến khích hoạt động nhập khẩu cả khu vực tư nhân, với hầu hết các hợp đồng nhập khẩu từ nước láng giềng Ấn Độ.
Trong giai đoạn tháng 7 – 11/2017, Bangladesh đã nhập khẩu hơn 1,8 triệu tấn gạo, theo dữ liệu Bộ Thực phẩm Bangladesh cho thấy.
Theo Reuters (gappingwprld.com)