Báo cáo từ Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Gia Lai cho biết, năm 2018, kế hoạch trồng tái canh cà phê toàn tỉnh là 2.270ha. Trong khi đó đến thời điểm hiện tại, đã có 5.210 hộ đăng ký trồng tái canh vườn cà phê, với tổng diện tích đăng ký là 2.485ha. Ngành chức năng và các địa phương có kế hoạch tái canh cà phê của tỉnh đã ráo riết làm tốt công tác chuẩn bị xuống giống tái canh cho mùa mưa năm nay. Cụ thể về giống, đã có gần 2,4 triệu cây giống được chuẩn bị, chủ yếu là các giống đầu dòng như TRS1, TR9, TR4..., được lấy về từ những trung tâm giống cà phê uy tín như Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới, Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên... Về đất, đã có 2.355ha đất cho nông hộ và 200ha cho doanh nghiệp đang sẵn sàng đợi cắm cây giống.
Sau nhiều năm thực hiện tái canh dưới sự hỗ trợ của Nhà nước, của Ngân hàng NN-PTNT, những vườn cà phê của nông dân nơi đây phát triển rất tốt, năng suất vượt trội so với vườn cũ đã bị thoái hóa.
Huyện Chư Păh là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn của tỉnh Gia Lai. Kế hoạch giai đoạn 2015 - 2020, huyện sẽ triển khai thực hiện trồng tái canh cà phê là 1.950ha. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tiến hành tái canh được gần 700ha, diện tích này đang sinh trưởng, phát triển tốt. Với việc đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng vào tái canh đã giúp cải tạo, thay thế được những diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp. Chính vì thế mà qua 2 năm triển khai tái canh cà phê, bà con nông dân ở đây đều đồng thuận cao với chủ trương này. Các hộ dân đăng ký diện tích tái canh được vay vốn với mức vay, thời hạn cho vay, lãi suất cho vay tái canh theo quy định hiện hành của Nhà nước. Huyện hỗ trợ mở lớp tập huấn, xây dựng mô hình điểm, mô hình vườn cà phê mẫu để hướng dẫn người dân thực hiện tái canh cà phê đạt hiệu quả.
Năm 2018, toàn huyện Chư Păh có 759 hộ đăng ký và đủ điều kiện tái canh với diện tích hơn 290ha (286 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số). Ngoài các hộ đã đăng ký theo chương trình tái canh của huyện thì thực tế, các hộ dân cũng tự tiến hành tái canh và tái canh một phần theo kiểu xen canh. Để đảm bảo chất lượng nguồn giống, huyện Chư Păh đã tiến hành ươm trên 33.000 cây giống với các loại giống như TRS1, TR4 và dự kiến sẽ cấp cho người dân trước mùa mưa để bà con tiến hành trồng.
Nông dân Nguyễn Thế An (thôn 3, xã Nghĩa Hòa) có 1,2ha cà phê trồng từ năm 1995. Vườn cây đã hơn 20 năm tuổi nên khả năng ra hoa, đậu quả rất thấp, sản lượng chỉ được hơn 3 tấn nhân. Đầu năm 2018, anh phá bỏ một nửa diện tích già cỗi để tái canh. Hiện việc làm đất đã hoàn thành và đang đợi giống để tiến hành trồng trước mùa mưa. Anh An cho biết: "Để nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây thì buộc phải tái canh. Tuy nhiên tôi cũng chỉ tái canh một nửa, đến khi vườn tái canh có thu hoạch thì sẽ tiến hành làm diện tích còn lại. Hiện tại gia đình tôi cũng đã múc hố, xử lý dịch bệnh ban đầu và chờ giống cấp về là trồng trước mùa mưa này".
Huyện Đak Đoa có gần 27.000ha cà phê, trong đó cà phê kinh doanh là 21.630ha; có hơn 5.000ha cần phải tái canh vì năng suất thấp. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã tái canh được hơn 3.000ha. Những năm đầu khi triển khai chương trình tái canh cà phê, người dân đăng ký tái canh được huyện hỗ trợ hạt giống để tự gieo ươm. Từ năm 2016, huyện giao Phòng NN-PTNT triển khai gieo ươm giống để hỗ trợ cho người dân tái canh.
Ông Nhing (dân tộc BahNar, làng Bông, xã Hà Bầu), nói: “Năm 2017, gia đình đăng ký tái canh và được huyện hỗ trợ 400 cây giống để trồng hơn 0,4ha. Cây giống đưa về trồng phát triển rất tốt”. Ông Rơ Châm Krum - Phó Chủ tịch UBND xã Hà Bầu chia sẻ: "Cà phê là cây trồng chủ lực trên địa bàn xã với hơn 2.400ha. Hàng năm, người dân đều đăng ký với huyện để nhận cây giống về tái canh. Qua tái canh cho thấy đã nâng cao được năng suất cà phê từ hơn 2 tấn nhân/ha lên hơn 3 tấn nhân/ha, giúp người dân có điều kiện trang trải cuộc sống, sắm sửa xe máy, xe công nông phục vụ sản xuất. Đời sống người dân đã được nâng lên. Hiện xã chỉ còn 32/1.714 hộ nghèo, còn 40 hộ cận nghèo".
Ông Lê Tấn Hùng - Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Đak Đoa, cho biết: Kế hoạch của huyện mỗi năm thực hiện tái canh khoảng 200ha cà phê, nhưng hàng năm người dân đều tái canh vượt kế hoạch huyện đề ra. Qua đánh giá, kiểm tra từ những diện tích đã tái canh trên địa bàn huyện cho thấy, sau khi tái canh, năng suất tăng khoảng 30% (tăng bình quân từ 2,7 tấn nhân/ha lên 3,5 tấn nhân/ha). Từ nhiều chương trình, huyện đã hỗ trợ nguồn giống cho người dân tái canh.
Ngoài ra, mỗi năm huyện mở hơn 10 lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật chăm sóc cà phê, tái canh và cải tạo cà phê để nâng cao năng suất... Nguồn giống hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu tái canh của nước dân, nhiều hộ dân vẫn phải tự mua giống để tái canh. Năm 2018 huyện tiếp tục giao kế hoạch cho các địa phương tiến hành tái canh 200ha”.
|
Theo Nông nghiệp Việt Nam