Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thuốc BVTV: 'Không dùng đúng, dẹp mấy vẫn loạn'
30 | 08 | 2018
Trước mối lo về mất an toàn thực phẩm từ trăm nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được sử dụng mỗi năm tại Việt Nam, nhiều biện pháp kiểm soát, hạn chế sử dụng thuốc BVTV được đưa ra. Tuy nhiên, biện pháp quan trọng nhất là sử dụng thuốc BVTV đúng theo quy định vẫn còn nhiều hạn chế.
Cơ gới hóa việc dùng thuốc BVTV là một trong những hình thức tối ưu bảo đảm chất lượng cho cây trồng. Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Từ câu chuyện Glyphosate

Glyphosate là hoạt chất khá phổ biến được dùng trong BVTV tại Việt Nam. Hiện, glyphosate có ở 106 sản phẩm thuốc BVTV chủ yếu sử dụng cho cây trồng trên cạn và lượng glyphosate sử dụng ở Việt Nam mỗi năm khoảng 30.000 tấn, chiếm 30% lượng thuốc BVTV nói chung và chiếm 60% trong nhóm thuốc trừ cỏ. 

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết Cục đã hoàn chỉnh 6 báo cáo về mặt kỹ thuật về 4 hoạt chất, trong đó có cả hoạt chất glyphosate để có đầy đủ bằng chứng báo cáo lãnh đạo Bộ NN&PTNT xem xét loại bỏ hoạt chất diệt cỏ này ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành.

“Cục BVTV đang theo dõi chặt chẽ diễn biến vụ kiện liên quan đến thuốc diệt cỏ Roundup  của Tập đoàn Monsanto tại Mỹ, trong đó có hoạt chất glyphosate gây ung thư cho con người hay không để có thêm căn cứ trình Bộ NN&PTNT loại bỏ hoạt chất này”, ông Trung nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hoàng Trung, từ tháng 4/2016 đến nay, Bộ NN&PTNT đã quyết định dừng cho đăng ký mới các loại thuốc diệt cỏ có hoạt chất glyphosate. Nhưng thông tin cấm sử dụng hoạt chất glyphosate cũng vấp phải sự lo ngại của nhiều chuyên gia về BVTV. Điều các nhà khoa học lo ngại nhất khi việc cấm glyphosate không được công khai rõ ràng thì các loại thuốc trừ cỏ nói chung sẽ có cái nhìn “bị kỳ thị”.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) nhận định thuốc trừ cỏ có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Nếu không có tác động của các biện pháp BVTV, sâu bệnh hại và cỏ dại có thể làm giảm năng suất cây trồng 70-75%, trong đó riêng cỏ dại làm giảm năng suất 40-45%.

Hiện nay, danh mục thuốc trừ cỏ được phép sử dụng tại Việt Nam gồm 234 hoạt chất và hỗn hợp các hoạt chất với 713 tên thương phẩm. Trong số các loại thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ hóa học được sử dụng với khối lượng nhiều và phổ biến nhất do chi phí thấp, hiệu lực sinh học cao.

Ông Hồng đánh giá, những năm gần đây, lượng thuốc trừ cỏ được sử dụng trong sản xuất có xu hướng ngày càng tăng. Pháp luật về quản lý thuốc trừ cỏ đã khá đầy đủ, đồng bộ, hài hòa với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, công nghệ để phân tích, kiểm định chất lượng về thuốc BVTV cũng từng bước được nâng cao.

Tuy nhiên, sản xuất của Việt Nam còn nhỏ, manh mún, hiểu biết của người sử dụng thuốc còn hạn chế. Người nông dân hiện vẫn đang sử dụng thuốc dựa vào thói quen.Trong khi đó, số lượng cửa hàng và người buôn bán thuốc còn quá nhiều, điều kiện kinh doanh còn lỏng lẻo, lực lượng thanh tra mỏng. Bên cạnh đó, vai trò của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc buôn bán, sử dụng thuốc trên địa bàn quản lý chưa được quan tâm và phát huy đúng mức.

Ông Hồng nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là dùng thuốc BVTV đúng hướng dẫn sử dụng chứ không phải việc thu gọn bớt các loại thuốc cho dễ quản lý mà đạt được hiệu quả ngay. Nhiều khi có sự cố về BVTV tại địa phương, cán bộ BVTV còn bị chính quyền trách phạt, trong khi đó chức năng xử phạt người dùng không đúng hướng dẫn là ở chính quyền chứ cán bộ BVTV chỉ có thể hướng dẫn người dân dùng đúng kỹ thuật thôi”.

Cần có chiến lược sử dụng thuốc BVTV

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn (Bộ NN&PTNT), trung bình khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 500-700 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu và thuốc trừ sâu từ Trung Quốc. Trong số này, chiếm 48% là thuốc trừ cỏ (19.000 tấn), còn thuốc  trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% (16.400 tấn), ngoài ra còn một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng khoảng 900 tấn. Thuốc trừ cỏ dùng trên mọi đối tượng cây trồng, trong đó dùng tên lúa là nhiều nhất.

Theo ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam, thuốc trừ cỏ hiện nay vẫn chiếm vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giúp cải thiện sức lao động cho người nông dân. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc trừ cỏ đem đến nhiều hệ lụy tác hại cho sản xuất, môi trường, sức khỏe cộng đồng, đe dọa sự phát triển bền vững của nông nghiệp. Vì vậy, tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc trừ cỏ là một yêu cầu đặc biệt cấp bách hiện nay.

Để quản lý, sử dụng thuốc BVTV một cách hiệu quả, theo ông Nguyễn Xuân Hồng (nguyên Cục trưởng Cục BVTV), ngoài việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý thuốc theo hướng chặt chẽ, đủ sức răn đe, có thể áp dụng kỹ thuật camera giám sát việc sử dụng thuốc trên đồng ruộng để phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm.

“Bên cạnh đó, cùng với loại bỏ các thuốc độc hại cần bố trí kinh phí và thực hiện đánh giá, phát hiện các thuôc kém chất lượng, hiệu lực thấp để có cơ sở khoa học và thực tiễn loại bỏ khỏi Danh mục thuốc được phép sử dụng ở Việt Nam”, ông Hồng nói.

Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hưng, Chuyên viên cao cấp, Vụ Nông nghiệp (Văn phòng Chính phủ) kiến nghị, cần sớm xây dựng chiến lược sử dụng thuốc BVTV ở Việt Nam trong 10-15 năm tới nhằm giảm nguy cơ, giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV.

Trên cơ sở Luật BVTV và kinh doanh thực vật sẽ được ban hành, cần có  nghị định và thông tư mới riêng về quản lý, sử dụng thuốc BVTV trong đó cần có quy định cụ thể về xây dựng, ban hành và sử dụng danh mục thuốc BVTV; hạn chế số lượng hoạt chất trong danh mục, rất hạn chế các loại hoạt chất hỗn hợp, hạn chế số tên sản phẩm cho một hoạt chất; tăng tỷ lệ thuốc sinh học lên 30-40% trong 5-7 năm tới…

Thuốc nhập khẩu phải có phiếu xác nhận xuất xứ, phù hợp với hồ sơ đăng ký; tăng thuế nhập khẩu với các loại thuốc thuộc diện không khuyến khích sử dụng, miễn thuế đối với loại thuốc khuyến khích sử dụng, thân thiện môi trường, ít độc hại; định kỳ 3 năm/lần cần rà soát lại sản phẩm, loại bỏ các loại thuốc không hoặc chưa sử dụng trên thị trường, thuốc đã bộc lộ nhiều nhược điểm, hạn chế.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhiều lần khẳng định quyết tâm cần phải giảm lượng thuốc BVTV.

“Đầu tiên cần phải tập trung vào nhóm thuốc trừ cỏ; nhóm thuốc trừ sâu, trừ bệnh, nhóm có độc tố cao mà được sản xuất từ những năm trước và đến bây giờ không còn phù hợp với sinh thái; nhóm thuốc sử dụng rất nhiều trên một đối tượng cây trồng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần phải kiểm soát chặt thuốc nhập lậu qua biên giới. Phải chấn chỉnh mạng lưới thuốc BVTV. Phải minh bạch và phải quản lý thông qua các chi cục BVTV địa phương.

Đối với người sản xuất, cần tuyên truyền cho bà con vào sản xuất chuỗi. Có như vậy, bà con nông dân sẽ tuân thủ theo nguyên tắc phun thuốc đúng bệnh, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng đối tượng. Tránh tình trạng cứ có sâu là dùng thuốc. Đồng thời, cần có các chính sách khuyến khích các nhà sản xuất, phân phối và người nông dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp khảo nghiệm nghiên cứu, mở rộng sản xuất các nhóm thuốc BVTV sinh học để thay thế dần nhóm thuốc hóa học…

Theo chinhphu.vn



Báo cáo phân tích thị trường