Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin phân tích thị trường chăn nuôi tháng 8/2018
31 | 08 | 2018
Bản tin phân tích thị trường chăn nuôi tháng 8/2018

Trong tháng 8/2018, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại một số quốc gia trên thế giới. Tại Pháp, dịch bệnh than nghiêm trọng nhất trong vòng 20 năm qua bùng phát khi thiếu hụt vắcxin phòng bệnh và hiện đã lan ra 28 trang trại ở khu vực miền Đông Nam nước này. Tại Canada, dịch tiêu chảy cấp trên lợn cùng với các lệnh kiểm soát môi trường của chính phủ nước này khiến sản lượng thịt lợn giảm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, sự bùng phát của dịch bệnh sốt heo châu Phi (ASF) đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ ASF sẽ lan rộng ra khắp đàn lợn tại Trung Quốc, cũng như lan sang các nước khác ở châu Á. Theo Báo cáo của Tổ chức Thú y Thế giới, 615 con lợn của Trung Quốc đã bị nhiễm bệnh và 88 con bị chết, với gần 530 con bị tiêu hủy. Các nhà phân tích cho rằng trong ngắn hạn, các nông dân sản xuất nhỏ sẽ phải bán tháo đàn lợn, đẩy giá thịt lợn giảm. Vì vậy, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần kiểm soát chặt các khu vực đường biên giới, đề phòng trường hợp lợn từ Trung Quốc được đưa vào Việt Nam.

Về giá lợn xuất chuồng trong tháng 8/2018 có xu hướng giảm so với tháng trươc(bình quân giảm 4-6%). Chi tiết giá lợn hơi tại Hưng Yên giảm 4.000 đ/kg xuống còn 52.000 đ/kg. Tại Hà Nam, thủ phủ nuôi lợn miền Bắc, giá lợn hơi giảm khoảng 4.000 – 5.000 đ/kg xuống 50.000 - 51.000 đ/kg. Tại Bắc Ninh, giá lợn cũng giảm xuống còn 50.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại một số tỉnh như Phú Thọ, Thái Nguyên, Nam Định đồng loạt giảm 5.000 – 7.000 đ/kg, tại Phú Thọ đạt 49.000 đ/kg; Thái Nguyên và Nam Định còn 51.000 đ/kg. Tại Bắc Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, giá lợn đạt khoảng 47.000 - 48.000 đ/kg. Tại miền Trung, Tây Nguyên giá lợn hơi cũng giảm từ 3.000 – 6.000 đ/kg xuống còn 47.000 - 50.000 đ/kg. Dự báo giá thịt lợn trong nước sẽ có xu hướng hạ nhiệt trong một vài tháng tới. Nguyên nhân là khi giá lợn hơi bắt đầu tăng từ tháng 4/2018 và giữ ở mức cao trong 2 tháng gần đây đã khiến các hoạt động đầu tư tái đàn, tăng đàn diễn ra khởi sắc hơn trên cả nước, đặc biệt là một số doanh nghiệp và các trang trại lớn đã cung cấp ra thị trường nguồn cung lợn giống đáp ứng cho nhu cầu của hoạt động sản xuất chăn nuôi. Theo tổng hợp báo cáo của một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn, hiện nay đàn lợn nái nuôi tại các doanh nghiệp đã tăng bình quân 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, khi giá thịt lợn hơi ở mức cao thì một bộ phận người tiêu dùng đã chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi khác như thịt bò, thịt gia cầm hay sản phẩm từ thủy sản nên giảm áp lực đến nguồn cung sản phẩm thịt lợn.

Xuất phát từ áp lực của xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra thì việc một số mặt hàng như Thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, thịt lợn, thịt bò hoặc sữa được sản xuất, tiêu thụ trong nước có thể đối mặt với nhiều cạnh tranh. Do đó, một số giải pháp trong thời gian tới cho ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn là tiếp tục áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học… trong chăn nuôi; hạn chế tăng đàn ồ ạt khi giá tốt vì nếu tăng mạnh làm cho nguồn cung dồi dào giá lợn giống, giá lợn hơi sẽ giảm; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khẩn trương triển khai các chương trình, dự án đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến tập trung và nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi để tiếp cận yêu cầu của thị trường xuất khẩu, chính sách hỗ trợ kết nối sản xuất chăn nuôi với thị trường tiêu thụ.

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 8 năm 2018 ước đạt 46 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 355 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2017. Bảy tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ gia cầm chiếm 17,5 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm 5,7% thị phần; Giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ trâu, bò và lợn đạt 1,9 triệu USD và 24,3 triệu USD, giảm 60,4% và giảm 55,8% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị xuất khẩu phụ phẩm sau giết mổ giảm 1,9%; giá trị sữa và các sản phẩm từ sữa tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2017 và thị phần chiếm lần lượt là 54,8% và 22.6%.

Theo số liệu của Tổng cục hải quan trong 7 tháng đầu năm 2018, gần 507,2 nghìn tấn nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi các loại, kim ngạch đạt trên 258,6 triệu USD; tương ứng tăng gần 5,7 lần về sản lượng và hơn 7,7 lần về giá trị kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2017 (lần lượt là 76 ngàn tấn và 29,6 triệu USD giá trị kim ngạch).

Giá trị nhập khẩu chăn nuôi 7 tháng đầu năm 2018 đạt 1,55 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2017, ước giá trị nhập khẩu chăn nuôi tháng 8 năm 2018 đạt 161,67 triệu USD, nâng giá trị nhập khẩu ngành hàng chăn nuôi 8 tháng đầu năm 2018 đạt 1,71 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Lưu ý:

Giá thịt lợn hơi biến động tăng mạnh có thời điểm đạt mức 57.000đ/kg. Tuy nhiên, cuối tháng 8 giá đã giảm ở hầu hết các thị trường do các doanh nghiệp tiếp tục tăng nhập khẩu từ các nước. Dự báo giá thịt lợn sẽ ổn định và giảm thêm trong tháng tới khi các doanh nghiệp tiếp tục nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ, Úc.

Theo IPSARD-MARD



Báo cáo phân tích thị trường