Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hạt gạo Việt đã được "cởi trói" hay chỉ là "nới lỏng"?
23 | 10 | 2018
Có thể nhận thấy một xu hướng rất mới trong hoạt động xuất nhập khẩu gạo, đó là sự tham gia ngày càng chủ động của các doanh nghiệp (DN) tư nhân trong các vụ đấu thầu thay vì giao cho các cơ quan đầu mối của Chính phủ nhập khẩu gạo. Xu hướng tự do hóa thương mại trong xuất nhập khẩu gạo trên thị trường thế giới khiến các DN Việt phải thay đổi.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, có hiệu lực từ ngày 1.10.2018 thay cho Nghị định 109/2010/NĐ-CP trước đây được cho là đã tháo gỡ được nhiều điểm nghẽn trong xuất khẩu gạo hiện nay.

Trong số các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam, Philippines là một thị trường truyền thống và chung thủy, với sản lượng nhập khẩu có thể lên đến 1,5 – 2 triệu tấn/năm nhưng chủ yếu theo hình thức cấp Chính phủ (G2G). Nhưng với chính sách mới của Philippines cho phép tư nhân tham gia nhập khẩu gạo có thể sẽ khiến thị trường trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Xóa bỏ hạn ngạch, tạo cơ hội cho tư nhân

Tháng 4.2018, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đưa ra một quyết định “vô tiền khoáng hậu”, đó là bỏ hạn ngạch nhập khẩu gạo, cho phép DN tư nhân tham gia mua gạo nhiều hơn để đảm bảo nguồn cung trong nước và tránh “cơn sốt” giá gạo.

Thực tế, việc này đã được Chính phủ Philippines chuẩn bị từ năm 2017 khi thời điểm đó, lần đầu tiên có một DN tư nhân được tham gia đấu thầu, thay vì chỉ có các cơ quan đầu mối của Chính phủ, những đơn vị vốn đã “ôm” việc này bao nhiêu năm trời.

“Đối với giới thương lái và DN tư nhân, tôi quyết định xóa hạn ngạch nhập khẩu gạo. Tất cả đều có thể nhập khẩu gạo, không cần thêm thủ tục nào cả và nếu có ai trong NFA, Cục Thuế vụ, Hải quan vòi tiền thì các bạn hãy tát vào mặt hắn” - ông Duterte nói về quyết định lịch sử của mình.

Sở dĩ Philippines đi đến quyết định này là vì Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) đã thất bại trong việc đàm phán mua 250.000 tấn gạo từ Chính phủ Việt Nam và Thái Lan trước đó, lý do vì giá chào bán lần đầu cao hơn nhiều giá tham chiếu mà Philippines đưa ra. Trong đợt chào giá lần hai, NFA tiếp tục thất bại vì cả Thái Lan và Việt Nam đều không hạ giá bán.

Không dừng lại ở việc bỏ hạn ngạch, Tổng thống Rodrigo Duterte còn quyết định điều chỉnh chính sách nhập khẩu gạo theo hướng mở cửa, "không rào cản". Lý do bởi lạm phát của Philippines đã tăng từ 6,4% trong tháng 8.2018 lên 6,7% trong tháng 9 do giá gạo tăng cao. Riêng lạm phát giá gạo trong tháng 9.2018 đã tăng lên hai con số.

Chính sách này ngay lập tức có hiệu quả khi NFA đã thông báo mời thầu cung cấp 250.000 tấn gạo trắng hạt dài 25% tấm vào ngày 18.10. Điều đáng nói là, đợt mở thầu này được tổ chức theo hình thức đấu thầu mở quốc tế (G2P) cho tất cả các nhà cung cấp các nước tham gia, kể cả DN tư nhân và Nhà nước đều được tham dự.

Đây cũng đang là xu hướng chung của nhiều thị trường, hiện Philippines, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc… đều cho phép tư nhân tham gia nhập khẩu gạo, cho đến giờ chỉ còn Cuba nhập theo hình thức G2G. Tự do hóa thương mại hạt gạo sẽ giúp thúc đẩy sự cạnh tranh bình đẳng giữa các DN, giảm độc quyền của các cơ quan phụ trách lương thực quốc gia. Xu hướng này cũng cho phép nhiều DN của Việt Nam có thể tham gia đấu thầu và xuất khẩu gạo nếu đáp ứng được yêu cầu từ phía đối tác.

Doanh nghiệp Việt đã được “cởi trói”?

Mở cửa các thị trường nhập khẩu đã cho phép nhiều DN tư nhân được tham gia xuất khẩu gạo, thay vì chỉ tập trung vào một vài “ông lớn”.

Đó là câu chuyện của Tập đoàn Tân Long - một đơn vị đã nhiều lần “vượt mặt” các đối thủ cạnh tranh đến từ Thái Lan, Trung Quốc trúng thầu cung cấp gạo Japonica sang Hàn Quốc với giá rất cao. Điều này cho thấy, việc “cởi trói” các điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của Chính phủ đã tạo động lực cho các DN tư nhân tham gia thị trường, tìm kiếm cơ hội, hạn chế sự phụ thuộc vào Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các DN lớn.

Đó là câu chuyện của DN tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp), trong bối cảnh các quy định về xuất khẩu gạo chưa được “cởi trói”, họ vẫn nỗ lực tìm kiếm những thị trường ngách, đều đặn xuất khẩu gạo đặc sản, gạo hữu cơ sang Singapore.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu đã mở cửa, hướng đến tự do hóa thương mại hạt gạo, nhiều ý kiến cho rằng, những quy định trong Nghị định 107 chỉ mới ở mức “nới lỏng” chứ chưa “cởi trói”.

Theo Nghị định 107, thương nhân được kinh doanh xuất khẩu gạo khi: Có ít nhất 1 kho chuyên dùng để chứa thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp. Kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo có thể thuộc sở hữu của thương nhân hoặc do thương nhân thuê với thời hạn tối thiểu 5 năm. Đáng chú ý, theo Nghị định 107, thương nhân xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định nêu trên.

Trong khi theo Nghị định 109, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc; có ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ; kho chứa, cơ sở xay, xát này phải thuộc sở hữu của thương nhân.

Đánh giá về nội dung trong Nghị định 107, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: So với Nghị định 109 trước đây, Nghị định 107 đã nới lỏng và đơn giản hoá hơn. "Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận, chưa có sự thay đổi mạnh mẽ về cách thức quản lý với DN kinh doanh gạo khi họ vẫn phải xin phép, đảm bảo điều kiện để kinh doanh, thực hiện rất nhiều báo cáo. Cách tiếp cận hiện nay chỉ là nới lỏng, đơn giản hoá và thuận lợi hơn một phần cho các DN quy mô nhỏ hơn” – ông Tuấn nói.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Tăng đàm phán, mở cửa thị trường gạo

Gạo Việt Nam đã có mặt tại trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với đa dạng sản phẩm như gạo hạt dài, hạt ngắn, gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản, gạo hữu cơ, gạo đồ..., đã bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hongkong, Mỹ, EU...
Định hướng phát triển xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới, ngành lúa gạo sẽ hướng đến sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói. Xây dựng uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Bộ Công Thương sẽ tăng cường đàm phán, mở cửa thị trường mặt hàng gạo.

Ông Nguyễn Chánh Trung - Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tân Long (Đồng Tháp): Thời gian tới xuất khẩu sẽ sôi động

Với Nghị định 107 và xu hướng nhập khẩu mới của các thị trường, trong thời gian tới, tôi tin thị trường xuất khẩu gạo sẽ sôi động, nguồn cung dồi dào.
Đối với DN nào cũng vậy, khi phát triển thị trường đòi hỏi DN phải tập trung xây dựng thị trường và mối quan hệ khách hàng thật tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng là làm sao để nâng cao chất lượng và đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật của hạt gạo như: Độ thuần, tỷ lệ hạt, độ bóng, áp dụng kỹ thuật chạy máy như tách màu, phân loại hạt… Ngoài ra, một số thị trường khó tính hơn họ yêu cầu kiểm soát cả dư lượng thuốc kháng sinh, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất điều hòa sinh trưởng.

Bà Nguyễn Thúy Kiều Tiên - Phó Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long: Cần có chiến lược chọn tạo giống

Ngành lúa gạo Việt Nam cần có chiến lược chọn tạo giống lúa chất lượng, giá trị cao đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo đó, thường xuyên cải tiến giống đặc sản, chất lượng cao đang có quy mô lớn trong sản xuất. Trong dài hạn, cần đầu tư mạnh của Nhà nước cho công tác nghiên cứu chọn tạo giống lúa thơm, lúa chất lượng cao mang thương hiệu quốc gia.

Theo NTNN



Báo cáo phân tích thị trường