Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bloomberg: Thế giới 'thèm thuồng' cà phê robusta, xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng vọt
08 | 11 | 2018
Lượng cà phê xuất khẩu từ Việt Nam sẽ đạt mức kỷ lục trong năm nay, khi cả thế giới thèm muốn cà phê robusta của Việt Nam.

Theo Đỗ Hà Nam, Giám đốc điều hành của Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Intimex (Intimex Group), tổng lượng cà phê xuất khẩu có khả năng vượt 1,8 triệu metric tấn. Ông Nam cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (VCCA), nhóm ngành chính ở quốc gia trồng cà phê robusta lớn nhất trên thế giới.

“Thị trường thế giới đã tiêu thụ tất cả lượng cà phê xuất khẩu từ Việt Nam”, ông Nam cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Nguồn cung là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu”.

Lượng tiêu thụ cà phê robusta trên toàn cầu – chủ yếu là từ các công ty bao gồm Nestle SA để làm cà phê hòa tan – được dự báo sẽ tăng lên mức kỷ lục trong mùa này nhờ nhu cầu cà phê hòa tan tăng mạnh ở các thị trường đang phát triển. Đây là một thông tin tốt lành đối với các nông dân Việt Nam. Họ vừa đón tin vui trong tháng 10/2018, khi giá cà phê trong nước tăng vọt 10% vì các hợp đồng chuẩn toàn cầu hồi phục trở lại.

Ông Nam chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu cà phê, năm nay, Intimex đã xây thêm ba nhà máy xử lý robusta với tổng công suất 180.000 tấn, qua đó nâng tổng công suất lên 750.000 tấn. Công ty này dự báo, doanh số nước ngoài của Intimex sẽ tăng trưởng 20% lên mức cao nhất mọi thời đại tại 510.000 tấn trong năm nay. Cũng là một nhà xuất khẩu, Việt Nam nhập khẩu hạt cà phê để tái xuất khẩu và để sử dụng trong nước.

Dự báo sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam được dự báo đạt kỷ lục. (Nguồn: Bloomberg dựa trên số liệu do Intimex cung cấp)

Tiến độ thu hoạch cà phê

Sản lượng của việt Nam trong giai đoạn 2018-2019 – tính từ tháng trước – có thể tăng hơn 2% lên 1,83 triệu tấn với giả định thời tiết bình thường, dựa trên ước tính trung bình của 14 trader tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg. Con số này cao hơn so với 1,82 triệu tấn từ cuộc khảo sát trước đó và 1,8 triệu tấn từ Intimex và Simexco Dak Lak, nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai Việt Nam. Hồi tháng 7/2018, Bộ Nông nghiệp Việt Nam cho biết sản lượng sẽ vượt ngưỡng 1,8 triệu tấn.

Mùa thu hoạch ở Đắk Nông đã bắt đầu vào cuối tháng 10. Các khu vực khác, bao gồm “thủ đô” cà phê Đắk Lắk, sẽ bắt đầu thu hoạch hạt cà phê vào giữa tháng 11/2018, RCMA Asia Pte cho biết trong một báo cáo gửi qua email.

Trước đó, RCMA dự báo, sản lượng của mùa 2018-2019 sẽ tăng lên 1,92 triệu tấn. Theo RCMA, xuất khẩu sẽ đạt mức kỷ lục 1,76 triệu tấn trong mùa này.

Thị trường cà phê hòa tan

Theo Bloomberg, nhu cầu cà phê robusta toàn cầu được dự báo tăng lên mức cao nhất mọi thời đại với 71 triệu tấn trong mùa này, cao hơn mức 64 triệu tấn trong giai đoạn 2016 - 2017, dựa theo dự báo của RCMA.

Thị trường cà phê hòa tan trên toàn cầu được dự báo tăng trưởng 4,7%/năm cho tới năm 2023, từ mức 10,4 tỷ USD (năm 2017) lên 14 tỷ USD, công ty nghiên cứu thị trưởng IMARC cho biết trong một báo cáo.

Nhu cầu ở các thị trường mới nổi được dự báo tăng trưởng mạnh trong 5 năm tới, IMARC lưu ý trong một báo cáo khác.

Thời tiết hanh khô và nắng nóng gần đây ở Việt Nam khá thuận lợi để thu hoạch và phơi khô hạt cà phê trong mùa vụ mới, theo RCMA.

Dự trữ cuối mùa của nông dân cũng bằng với mức của 1 năm về trước và mức trung bình 5 năm, dựa trên cuộc khảo sát từ cuối tháng 10/2018.

Những người trồng cà phê khả năng bán được 1,75 triệu tấn vào cuối tháng 10/2018 dựa trên mức sản lượng 1,785 triệu tấn của mùa trước (tức 98% sản lượng của vụ thu hoạch).

Dự trữ ở các nhà kho và quanh TP HCM ước khoảng 100.000 tấn tính tới ngày 31/10/2018, dựa trên ước tính của 6 người tham gia cuộc thăm dò. Con số này thấp hơn nhiều so với mức 169.000 tấn/năm trước đó và mức trung bình 5 năm 167.500 tấn.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường