Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê rang xay Lâm Ðồng
07 | 11 | 2018
Cà phê Lâm Ðồng chủ yếu sơ chế thành cà phê nhân, mà chưa chú trọng sản xuất ra sản phẩm rang xay. Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp, cá nhân bắt đầu chú trọng phát triển, làm cho lĩnh vực này ngày càng sôi động, từ đấy, tạo ra giá trị cho thương hiệu cà phê Lâm Ðồng.

Cách đây mấy năm, khi ấy “cà phê sạch” đang là thứ rất đỗi xa lạ với người yêu thích thức uống này. Vì thế, nhiều bạn trẻ trong đó có anh Phạm Khắc Tài (Di Linh) thấy cơ hội mở ra cho mình.

“Thời điểm ấy tôi nghĩ, nếu cho ra đời một sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng sẽ dễ dàng gặt hái thành công hơn. Tôi lập tức bắt tay vào tìm hiểu kỹ về nguồn hàng cũng như quy trình chế biến. Lúc đầu là không tìm được nơi dạy làm cà phê dù bỏ ra cả tháng trời tìm kiếm nhưng đều bị từ chối”, anh Phạm Khắc Tài chia sẻ ngày đầu đến với nghề rang xay cà phê.

Anh Phạm Khắc Tài quyết định mở Công ty TNHH Miền Cao Nguyên, xác lập thương hiệu cà phê sạch Ritachi Coffee của mình. Anh Tài tập trung vào việc hợp tác chặt chẽ với người nông dân, thiết lập hệ thống Farm riêng của mình, đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại sơ chế, phân loại, đánh bóng theo tiêu chuẩn xuất khẩu và cuối cùng là nghiên cứu phát triển sản xuất ra cà phê rang xay chất lượng. Ritachi Coffee được làm từ 100% hạt cà phê nguyên chất, sau quá trình sơ chế và phân loại, hạt cà phê được rang trên máy rang công nghệ “hot air roasting” mới nhất. Với mọi nỗ lực, thương hiệu cà phê Ritachi đem đến cho khách hàng những ly cà phê tuyệt hảo mang đậm dấu ấn của vùng cà phê đặc trưng Lâm Đồng. Hiện nay, cà phê đã có mặt ở thị trường thành phố Hồ Chí Minh, được người dân đón nhận.

Tương tự, Công ty TNHH Chế biến cà phê Như Tùng (thôn Vinh Quang, xã Hoài Đức) đầu tư vào thu mua chế biến sản phẩm cà phê chất lượng cao để xuất khẩu đồng thời rang xay cà phê. Ông Nguyễn Như Tùng, Giám đốc công ty cho biết, trước đây nông dân chưa chú trọng sản xuất cà phê sạch theo tiêu chuẩn thế giới nên hiệu quả chưa cao và bị thương lái ép giá. Sau khi liên kết với hơn 300 hộ dân, diện tích 1.000 ha, Công ty chuyển giao kỹ thuật và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sản xuất cà phê theo quy trình, tiêu chuẩn của Thương mại công bằng (Fairtrade) và được các thành viên thực hiện nghiêm túc. Việc các nông hộ liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất cà phê góp phần nâng năng suất, chất lượng cà phê, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc xuất bán cà phê nhân chất lượng cao cho các thị trường Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Hà Lan... mỗi năm cà phê Như Tùng sản xuất rang xay khoảng 40 tấn cà phê, cung ứng ra thị trường Hà Nội.

Không chỉ có các công ty đầu tư vào lĩnh vực rang xay, mà còn có những cá nhân mạnh dạn dấn thân vào lĩnh vực này. Chị Trần Thị Tâm (Tổ 14, thị trấn Di Linh), đã tạo dựng được thương hiệu cà phê Dji Ring’s Coffee của riêng mình. Chị chia sẻ, chứng kiến cảnh bấp bênh của cà phê, đặc biệt là cà phê bẩn trà trộn vào làm giá trị hạt cà phê giảm, chị quyết tâm chuyển hướng làm cà phê rang xay chất lượng cao. Để từng bước thực hiện thành công với sản phẩm cà phê cao cấp mang thương hiệu cà phê Dji Ring’s coffee, chị đã trải qua không ít khó khăn, bởi để làm được loại cà phê này, chị phải thuyết phục người nông dân trồng cà phê theo tiêu chuẩn hữu cơ, thu hái 95% trái chín. Sau khi thu mua cà phê của nông dân chị tiến hành rửa cà phê và lựa 100% hạt cà phê chín phơi trên giàn cao, sau khi khô chị đem ủ cà phê 1 tuần rồi mới đem đi xay ra cà phê nhân và cuối cùng là rang xay để cung cấp ra thị trường.

Ông Nguyễn Văn Lục, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Lâm Đồng cho biết, hiện nay chế biến cà phê rang xay, cà phê bột: trên địa bàn toàn tỉnh có 192 doanh nghiệp, cơ sở chế biến đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm với tổng sản lượng khoảng 6.028 tấn/năm, cụ thể: doanh nghiệp 109 cơ sở với sản lượng 5.681,1 tấn/năm và cơ sở nhỏ lẻ là 83 cơ sở với sản lượng 357,5 tấn/năm. Trong khi đó, chế biến cà phê nhân có 33 doanh nghiệp hoạt động chế biến và trên 250 cơ sở sơ chế nhỏ lẻ quy mô hộ cá thể với tổng công suất chế biến khoảng 300.000 - 320.000 tấn cà phê nhân (chiếm khoảng 80 - 90 tổng sản lượng cà phê), trong đó có 13 đơn vị tham gia xuất khẩu trực tiếp.

Như vậy, thị trường rang xay của Lâm Đồng còn khá khiêm tốn. Trong thời gian tới, cần phải chú trọng đầu tư, khuyến khích phát triển ngành cà phê rang xay, qua đó tạo dựng được thương hiệu riêng cho ngành cà phê Lâm Đồng. Để làm được điều này, Nhà nước cần mở rộng các hình thức kêu gọi, thu hút đầu tư đối với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào lĩnh vực rang xay cà phê.

Báo Lâm Đồng



Báo cáo phân tích thị trường