Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Độc quyền đẩy phí chiếu xạ trái cây Việt Nam cao gấp 4 lần Thái Lan
03 | 05 | 2019
Trái cây trước khi xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Mỹ bắt buộc phải được xử lý chiếu xạ. Thế nhưng, mức phí thực hiện dịch vụ này của Việt Nam hiện đang cao gấp 4 lần so với Thái Lan, càng làm cho khả năng cạnh tranh của trái cây Việt trên thị trường thế giới giảm sút.
Mức giá chiếu xạ trái cây xuất khẩu của Việt Nam cao gấp 4 lần so với Thái Lan. Trong ảnh là trái cây được bày bán tại một chợ. Ảnh minh họa: Trung Chánh
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thu ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (VinaFruit) tại một hội thảo mới đây được tổ chức ở thành phố Cần Thơ thông tin, hiện Việt Nam chỉ có 1 nhà máy thực hiện dịch vụ chiếu xạ trái cây xuất khẩu duy nhất ở TPHCM được phép hoạt động. Mức giá chiếu xạ cao, khoảng 0,8 đến 1 đô la Mỹ/kg, trong khi Thái Lan chỉ khoảng 0,25 đô la/kg.
 
Như vậy, nếu so với Thái Lan, mức giá cao nhất để thực hiện dịch vụ chiếu xạ trái cây xuất khẩu của Việt Nam hiện gấp đến 4 lần.
 
Trao đổi với TBKTSG Online liên quan vấn đề nêu trên vào hôm nay, 1-5, TS Lương Ngọc Trung Lập, nguyên Trưởng bộ môn nghiên cứu thị trường thuộc Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (Sofri) cho biết, mức chênh lệch về phí chiếu xạ trái cây xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan không cao như nêu trên, nhưng vẫn ở mức gấp đôi, tức khoảng 0,5 đô la/kg so với 1 đô la/kg của Việt Nam.
 
Theo ông Lập, các doanh nghiệp của Thái Lan được hưởng rất nhiều ưu đãi, từ thuế giá trị gia tăng đến các chính sách khuyến khích xuất khẩu, trong khi doanh nghiệp của Việt Nam thì đang thiếu.
 
“Nói chung, về chính sách, ưu đãi của Chính phủ đối với các doanh nghiệp, thì của Thái Lan có nhiều ưu đãi thiết thực hơn”, ông nhấn mạnh và cho rằng Việt Nam cũng có các chính sách được ban hành, nhưng nguồn kinh phí để thực hiện thì rất hạn hẹp, doanh nghiệp chưa tiếp cận được.
 
Theo ông Lập, mức phí chiếu xạ của Thái Lan thấp do khu vực công đứng ra thực hiện và việc thu phí chỉ thu ở mức "hỗ trợ" cho các doanh nghiệp. Còn ở Việt Nam, do doanh nghiệp tư nhân cung cấp, nhưng dịch vụ này hiện đang là độc quyền khi chỉ có một đơn vị duy nhất thực hiện.
“Bây giờ, cả Việt Nam chỉ có 1 cái, thì tại sao người ta không độc quyền được?”, ông nêu câu hỏi và nhấn mạnh: “Quan trọng là nhà máy chiếu xạ do doanh nghiệp đầu tư và vận hành, mà đã là doanh nghiệp thì không có lý do gì người ta không muốn tăng doanh thu và lợi nhuận”.
 
Theo ông Lập, việc thực hiện chiếu xạ hiện không có đơn vị nào cạnh tranh, gần như là độc quyền, “thành ra họ có đưa ra mức giá 2 đô la/kg cũng đành chịu, chứ đừng nói 0,8-1 đô la/kg’, ông nói.
 
Ông Lập cho biết thêm, các chi phí cấu tạo nên giá thành sản phẩm nó còn liên quan đến nhiều thứ và mỗi công đoạn có chi phí cao hơn so với các nước một ít sẽ dẫn đến sản phẩm rất là khó cạnh tranh.
 
“Ví dụ, chi phí vận chuyển cao hơn người ta 1 chút, giá nguyên liệu cao hơn 1 chút, nhân công cao hơn 1 chút…, cứ mỗi công đoạn cao hơn 1 chút, thì rất khó cạnh tranh và bán được với số lượng lớn”, ông dẫn chứng.
 
Dù không có thống kê số lượng cụ thể, nhưng theo ông Lập, hiện chỉ riêng thị trường Mỹ, sản lượng trái cây qua chiếu xạ xuất khẩu đạt khoảng 10.000-20.000 tấn/năm.
 
Theo Tintucnongnghiep.com

 



Báo cáo phân tích thị trường