Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
XÃ HỘI NÔNG NGHIỆP - KHUYẾN NÔNG Cà tím biến đổi gen giúp nông dân Bangladesh giảm chi phí, nâng cao thu nhập
04 | 10 | 2019
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách thực phẩm quốc tế tại Hoa Kỳ và Viện Nghiên cứu nông nghiệp Bangladesh đã cho thấy những lợi ích vượt trội của giống cà tím biến đổi gen mang lại cho nông dân Bangladesh.

Các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu chính sách thực phẩm quốc tế tại Hoa Kỳ (IFPRI) và Viện Nghiên cứu nông nghiệp Bangladesh đã tiến hành nghiên cứu với tên gọi “Đánh giá tác động của công nghệ cà tím biến đổi gen” (Bt Brinjal). Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức năng suất của giống mới này cao hơn so với cà tím thông thường 42%; đồng thời các giống biến đổi gen giúp làm giảm 39% lượng thuốc bảo vệ thực vật nông dân phải sử dụng; do đó giúp nông dân tại Bangladesh tiết kiệm chi phí lên đến 47%, tương đương với 85,53 USD/1ha canh tác cà tím.

ca tim bien doi gen giup nong dan bangladesh giam chi phi nang cao thu nhap
Cà tím biến đổi gen giúp nông dân Bangladesh giảm chi phí, nâng cao thu nhập

Cà tím là loại cây trồng rất dễ bị sâu bệnh, chúng thường xuyên bị tấn công bởi sâu đục quả và sâu đục thân (FSB) nên cần được xử lý mạnh bởi thuốc trừ sâu. Do đó để giảm tổn thất năng suất do sâu bệnh, nông dân tại Bangladesh thường phải phun thuốc nhiều lần trong suốt một vụ mùa. FSB cũng là một trong các dịch hại phổ biến nhất tại khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Giống cà tím biến đổi gen là một giống có chứa gen từ vi khuẩn đất Bacillus thuringiensis có khả năng kháng lại sự tấn công của dịch sâu FSB. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng: “Lượng protein trong cà tím biến đổi gen Bt giúp phá vỡ hệ thống tiêu hoá của một số loài gây hại nhất định, khiến chúng chết trong vòng ba ngày sau khi ăn”.

Năm 2013, Bangladesh đã trở thành quốc gia Nam Á đầu tiên phê duyệt canh tác thương mại cây trồng (thực phẩm) biến đổi gen. Cho tới nay, nông dân tại quốc gia này đang canh tác ngày một phổ biến hơn bốn giống cà tím biến đổi gen Bt, có khả năng kháng các loại sâu đục thân, đục quả. Để thực hiện nghiên cứu này, 1.200 nông dân sống tại 200 khu làng khác nhau đã được chọn ngẫu nhiên để nhận trồng giống cà tím biến đổi gen (Bt-4) hoặc giống cà tím thông thường (không biến đổi gen) (ISD-006).

Kết quả cho thấy chỉ có 1,8% số cây cà tím biến đổi gen bị nhiễm sâu bệnh trong khi đó số cây cà tím thông thường bị sâu bệnh tấn công lên đến 33,9%. Nghiên cứu cũng cho thấy, nhờ vào việc giảm lượng thuốc trừ sâu sử dụng đối với cà tím Bt mà lượng độc tính môi trường cũng giảm đáng kể tới 56%. Các cá nhân trong các hộ gia đình trồng cà tím Bt cũng ít có những triệu chứng do phơi nhiễm với thuốc trừ sâu như các bệnh hô hấp mãn tính hay bệnh ngoài da.



Báo cáo phân tích thị trường