Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
CÀ PHÊ ĐỨNG TRƯỚC NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG DO BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU
03 | 12 | 2019
Gần 70% các giống cà phê hoang dã có thể bị tuyệt chủng, 10% sẽ biến mất trong một thập kỷ tới do biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và các sự kiện bất lợi khác.

Trong những năm gần đây, người trồng cà phê trên khắp thế giới đã liên tục phải chống chọi với những điều kiện bất lợi như hạn hán, sâu bệnh,... Mặc dù cà phê được trồng gần như khắp mọi nơi, từ Nam Mỹ đến Châu Phi rồi Châu Á, song các nhà khoa học đang lo ngại gần một nửa vùng đất này sẽ không thể thu hoạch vào năm 2050.

Những người trồng cà phê và những người yêu thích cà phê có lý do để lo lắng về nguồn cung caffeine trên thế giới. Cà phê dễ bị nấm, như Hemileia differatrix làm hỏng lá và Colletotrichum kahawae phá hủy quả. Cây cà phê cũng phải chống chịu loài sâu đục thân cà phê, một con bọ nhỏ đẻ trứng trong hạt cà phê. Cà phê cũng rất khó ứng phó với sự thay đổi thời tiết, như sóng nhiệt (heat wave), hạn hán và những cơn mưa lớn bất thường, tất cả những điều này không chỉ gây sức ép cho cây mà còn có thể khiến mầm bệnh phát triển.

 

Vấn đề không chỉ giới hạn ở điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc các đợt bùng nổ dịch bệnh. Hiểm họa cũng nằm trong chính cây cà phê. Mặc dù một cửa hàng cà phê trung bình có thể tự hào có hơn chục giống cà phê, với nguồn gốc và mùi vị đa dạng, nhưng hầu hết các loại cà phê đều được sản xuất bởi cùng một loài thực vật, được gọi là Coffea arabica. Được tìm thấy lần đầu tiên ở Ethiopia, C. arabica trở thành giống cà phê được trồng nhiều nhất (ngày nay vẫn vậy). Như "truyền thuyết" kể lại, loài cây này lần đầu tiên được một đàn dê tò mò thích ăn những quả mọng phát hiện. Như mọi người để ý, những con dê trở nên vô cùng khỏe khoắn và tràn đầy năng lượng sau khi ăn quả này. Lần theo manh mối, con người bắt đầu ủ các loại quả mọng thành một thức uống giàu năng lượng. Và trong những ngày đầu, cà phê được sử dụng như một bí tích huyền bí, đóng vai trò quan trọng trong các nghi lễ tôn giáo khi đàn ông và phụ nữ nhấm nháp nó từ một chiếc bát chung mà họ truyền tay nhau.

Ngay từ sớm, C. arabica đã không phải là một loại cây trồng được trồng trọt, mà là một phần thưởng thiên nhiên được con người và động vật phát hiện. Nó có khả năng được thuần hóa đầu tiên ở Yemen, nơi đây đã quản lý độc quyền sản xuất trong hơn hai thế kỷ. Cuối cùng, hạt cà phê đã xâm nhập vào thế giới và lan truyền nhanh chóng. Vào khoảng những năm 1690, một số hạt cà phê được mang đến châu Âu. Được trồng trong Vườn Bách thảo Amsterdam, cà phê phát triển và cho quả. Từ đó, cây được trồng ở Suriname, Nam Mỹ. Vài năm sau, người Anh đưa cây đến Jamaica và người Pháp đến Martinique. Trong cùng một khung thời gian, C. arabica đã đến Sumatra, Ceylon và Philippines. Ở Brazil, việc trồng cà phê bắt đầu vào khoảng năm 1774.

Nhưng, mặc dù là một thức uống được yêu thích, cà phê là một loại cây "mồ côi", không có nhiều nghiên cứu về sự đa dạng di truyền hay khả năng thích ứng của cà phê. Không có công ty hay quốc gia lớn nào độc quyền hạt cà phê, đó là lý do tại sao nông dân có thể trồng cà phê từ bất kỳ hạt giống nào họ thích. Nhưng hầu hết những hạt giống đó thuộc về loài C. arabica, và đó là vấn đề. Cũng giống như bất kỳ loại cây trồng nào khác được con người canh tác, C. arabica có thể đã mất một số đặc điểm kháng bệnh hoặc các đặc điểm phục hồi khác. Đó là lý do tại sao các nhà khoa học ngày nay đang tìm kiếm các loài cà phê hoang dã và giải trình tự DNA của hạt cà phê từ các ngân hàng gen trên khắp thế giới.

Liệu tương lai của cà phê có được đảm bảo? Các nhà khoa học đang tìm mọi cách để làm điều đó. Có khoảng 125 loài cà phê không thuần hóa khác đang được phát triển ở các khu vực khác nhau trên hành tinh và thậm chí có thể còn đang chờ được khám phá. Nhưng ngay cả với các giống hoang dã, gần 70% trong số chúng có thể bị tuyệt chủng, với 10% biến mất trong một thập kỷ tới do biến đổi khí hậu, nạn phá rừng và các sự kiện bất lợi khác. Các nhà khoa học phải tìm và nuôi trồng những cây này thật nhanh, thì tất cả chúng ta mới có thể tiếp tục thưởng thức tách cà phê buổi sáng thơm ngon của mình.



Theo Vnreview
Báo cáo phân tích thị trường