Quả nhãn tươi Việt Nam tại siêu thị Đại Phát, quận Sunshine, thành phố Melbourne, ngày 9/9/2019. Ảnh: Nguyễn Minh- Pv TTXVN tại Australia
Tháng 9/2019, lần đầu tiên trái nhãn Việt Nam đã có mặt trên thị trường Australia, mang lại tin vui cho người nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước. Đây là loại quả thứ tư, sau các loại vải, xoài và thanh long được Australia mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Việc đa dạng hóa hàng hóa xuất khẩu vào một trong những thị trường khó tính nhất thế giới là những tín hiệu đáng mừng, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Australia ngày càng nở rộ. Tuy nhiên, để ngành hàng trái cây Việt Nam thực sự có chỗ đứng vững chắc tại Xứ chuột túi hoàn toàn không phải là điều dễ dàng.
Tiềm năng xuất khẩu
Trong Ngày hội Nhãn Việt Nam tại Australia, ông Trương Ái Quốc, người sáng lập thương hiệu Aus Asia Produce – nhà phân phối trái cây hàng đầu bang Victoria, hồ hởi chia sẻ 500kg nhãn Việt Nam đã được tiêu thụ chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, kể từ lúc mở cửa chào bán. Nhiều bà con Việt kiều và khách hàng tại Australia đều khen trái nhãn của Việt Nam rất ngon và đậm đà.
Doanh nhân Hoàng Luật, chủ chuỗi siêu thị hàng thực phẩm châu Á MCQ tại bang Tây Australia, cho biết khách hàng đánh giá tốt về chất lượng các sản phẩm hoa quả của Việt Nam.
Ông Luật cho biết mỗi tuần hệ thống siêu thị do ông sở hữu nhập khẩu khoảng 200-300 thùng trái cây tươi của Việt Nam (tương đương 1 - 1,5 tấn) và đều bán rất nhanh. Trái cây Việt Nam thường có giá thành thấp, chất lượng lại đảm bảo, nên ông tin rằng đây sẽ là mặt hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Tài nguyên nước Australia, David Littlepround, nền nông nghiệp Việt Nam rất có tiềm năng, có thể tạo ra hàng tỷ đôla giá trị xuất khẩu. Hiện Việt Nam và Australia đã ký kết hiệp định Đối tác Chiến lược, mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư và thương mại mới.
Australia là một trong số 20 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Mặc dù dân số chỉ 25 triệu người, nhưng người dân nước này rất ưa chuộng tiêu dùng trái cây tươi. Đây cũng là một đất nước đa văn hóa, với cơ cấu dân cư đa dạng, trong đó có khoảng 300.000 kiều bào Việt Nam sinh sống, chưa kể số lượng du học sinh, cán bộ và doanh nghiệp Việt đang học tập và công tác.
Về khí hậu, Việt Nam và Australia nằm ở hai nửa bán cầu khác nhau nên vụ mùa thu hoạch thường trái ngược, góp phần tạo ra sự tương hỗ, bổ sung để người dân hai nước được thưởng thức nông sản của nhau.
Việt Nam và Australia còn là đối tác thương mại thông qua Hiệp định Tự do thương mại (FTA) ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA) có hiệu lực từ năm 2010 và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ cuối năm 2018.
Nhờ các hiệp định này, phần lớn hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Australia sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi 0% và nhiều điều kiện thuận lợi khác. Tuy nhiên, năng lực và giá trị xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam sang Australia hiện còn rất khiêm tốn.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Australia, trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 5,9 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Australia đạt hơn 2,5 tỷ USD, không kể dầu thô. Mặt hàng rau-củ-quả (bao gồm hàng đông lạnh và hàng tươi) đạt hơn 31 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản tươi của Việt Nam vào Australia mới chỉ chiếm vị trí nhỏ trong tổng quy mô thị trường của Australia.
“Nút thắt” xuất khẩu
Australia là một trong những quốc gia có các quy định về kiểm dịch ngặt nghèo nhất trên thế giới. Nước này đã xây dựng khuôn khổ chính sách về an toàn sinh học nhằm bảo vệ nền nông nghiệp trước những rủi ro do côn trùng có hại xâm nhập và phát tán.
Các loại hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng nông sản tươi, để có thể vào được thị trường Australia cần đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn, thậm chí có những tiêu chuẩn còn khắt khe hơn cả một số quốc gia luôn nổi tiếng là khó tính về nhập khẩu hàng hóa, như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu (EU).
Đối với hàng nông sản Việt Nam, đây rõ ràng là “nút thắt” lớn, trái vải, xoài, thanh long và nhãn muốn thâm nhập được vào "Xứ chuột túi" đều phải được xử lý nghiêm ngặt, đúng kỹ thuật từ giống, canh tác cho tới đóng gói, bảo quản và vận chuyển.
Ông Hoàng Luật phân tích nhà chức trách về an toàn vệ sinh thực phẩm của Australia làm việc rất kỹ lưỡng. Sau khi các lô hàng trái cây cập bến, họ thường lựa chọn ngẫu nhiên một số thùng và đem đi kiểm tra vi khuẩn.
Tại công đoạn này, toàn bộ số quả trong thùng sẽ bị soi dưới kính hiển vi để tìm xem có côn trùng hay trứng côn trùng nào bám trên vỏ hay không. Nếu chỉ một quả bất kỳ bị phát hiện ra có vi khuẩn, toàn bộ lô hàng đó sẽ bị tiêu hủy. Như vậy, thiệt hại và rủi ro là rất cao.
Nhãn Việt Nam xuất khẩu sang Australia. Nguồn: Bộ Công Thương
Mới đây nhất, Thương vụ Việt Nam tại Australia tiết lộ vừa “giải cứu” lô nhãn Việt Nam nhập khẩu lần đầu tiên vào Australia do hàng hóa bị Cơ quan Kiểm dịch Australia tại thành phố Melbourne (bang Victoria) dừng thông quan.
Nguyên nhân là bởi doanh nghiệp đóng gói không đúng quy định, loại thùng đựng sản phẩm có lỗ thông hơi quá lớn (theo quy định các lỗ thông hơi phải được che bằng lưới và kích thước không quá 1,6 mm và độ dày của lưới không nhỏ hơn 0,16 mm hoặc các lỗ thông hơi phải được dán lại), dễ khiến trái cây bị nhiễm bẩn hoặc tái nhiễm sau khi chiếu xạ, gây nguy cơ côn trùng xâm nhập.
Ông Hoàng Vy Cao, một doanh nghiệp nhập khẩu trái cây lâu năm tại Sydney, kể công ty của ông là một trong những đơn vị tiên phong nhập trái vải từ Việt Nam sang Australia. Năm 2015, ngay sau khi nắm được thông tin Australia mở cửa cho trái vải Việt Nam, ông Cao đã đặt vấn đề với phía đối tác và tuyển chọn hàng để xuất khẩu sang Australia.
Tuy nhiên, lô vải đầu tiên không xuất khẩu được do sản phẩm không đạt đúng tiêu chuẩn mà phía nước bạn đề ra. Đến lô hàng thứ hai, trái vải xuất khẩu từ Việt Nam sang bị cắt già cuống (Australia yêu cầu vải nhập khẩu cần cắt bỏ hoàn toàn cuống trước khi được đem ra tiêu thụ tại thị trường nội địa).
Công ty của ông Cao đã phải thuê thêm nhân công dành ra ba ngày để cắt từng cái cuống của mỗi trái vải, chi phí để trả thêm cho kho lạnh, nhân công (tiền lương tăng gấp đôi do phải làm việc vào ngày cuối tuần) khiến doanh nghiệp bị đội vốn. Ngoài ra, do thời gian vận chuyển dài, cộng thêm nằm nhà lạnh lâu đã làm cho trái vải ngả màu, chỉ đạt độ tươi được một tuần là hỏng.
Rút kinh nghiệm tới lô hàng thứ ba, hai công-ten-nơ vải đã cập bến cảng Australia trót lọt. Nhưng do không nắm rõ quy định, phía doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam để lẫn một số thùng vải còn thừa của chuyến hàng trước (chưa kịp xuất khẩu) vào chung với các thùng hàng mới, dẫn đến tình trạng vải bị lây bệnh làm hỏng cả lô hàng…
Ông Cao cho biết, sau ba lần như vậy, doanh nghiệp của ông quyết định ngừng nhập khẩu trái vải Việt Nam. Cho đến năm 2017, sau rất nhiều cố gắng của cả hai phía, công ty mới chính thức nhập khẩu thành công trái vải Việt Nam và dần trở thành đơn vị phân phối trái vải tươi Việt Nam hàng đầu tại Sydney.
Theo ông Cao, số lượng doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng rau-củ-quả do người Việt Nam làm chủ tại Australia rất đông. Các thương gia Việt kiều luôn sẵn sàng ưu tiên lựa chọn nguồn hàng của Việt Nam thay vì nhập khẩu từ các nước láng giềng châu Á như Trung Quốc, Thái Lan hay Malaysia. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng và tiêu chuẩn hàng hóa vẫn là rào cản lớn nhất đối với hàng nông sản có xuất xứ từ Việt Nam.
Ông chia sẻ: “Dựa trên kinh nghiệm 18 năm xuất nhập khẩu nông sản, tôi có thể khẳng định các loại trái cây tốt và ngon đến từ các quốc gia châu Á, vốn luôn có lợi thế về giá cả và vụ mùa, hầu hết đều được “thương lái” Australia tranh nhau mua để bán lẻ ra thị trường.
Nếu sản phẩm nông sản có mẫu mã xấu hơn một chút thì dựa trên các mối quan hệ bạn hàng, chúng tôi bán giá thấp đi một chút vẫn có thể tiêu thụ và có lãi. Vì vậy, câu chuyện vẫn là vấn đề chất lượng hàng nông sản của Việt Nam.”
Đánh giá trên một khía cạnh khác, ông Hoàng Luật cho rằng quy mô xuất khẩu và chi phí vận chuyển cũng là một khó khăn cần lưu tâm. Ông nói: “Các chi phí làm hàng xuất khẩu ở Việt Nam đang khá cao, cả những chi phí chính thức và không chính thức.”
Ngành logistics Việt Nam hiện chưa phát triển tương xứng với tốc độ phát triển thương mại, trong khi đó vai trò của các hiệp hội ngành nghề không rõ nét.
Do quy mô liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ, khó tập hợp đủ lượng đơn hàng lớn trong thời gian ngắn, cộng với tính chất “tươi” khó bảo quản nên trái cây Việt Nam xuất khẩu thường được vận chuyển theo từng lô nhỏ bằng đường hàng không khiến giá thành bị đội lên rất nhiều.
Bà Anna Le, Giám đốc Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Australia – Đơn vị đầu tiên đưa thành công trái nhãn Việt Nam vào Australia, đồng ý với quan điểm cho rằng sử dụng phương tiện vận chuyển là máy bay thay vì đường biển thường có chi phí cao hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, theo bà Anna, trong giai đoạn đầu thăm dò thị trường, doanh nghiệp cần phải chú trọng vào chất lượng sản phẩm hơn là tìm cách giảm giá thành.
Xuất khẩu được trái cây Việt Nam thành công vào thị trường Australia là một điều đáng mừng vì đối với doanh nghiệp nó được coi như chứng chỉ đo lường chất lượng để doanh nghiệp yên tâm xuất khẩu đi các thị trường khác trên toàn thế giới.
Trong thời gian tới, hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có sản phẩm trái cây tươi, muốn mở rộng thị trường tiêu thụ tại Australia đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật; tuân thủ quy định kiểm dịch của Australia về vùng trồng, cơ sở đóng gói, chiếu xạ, bao bì, nhãn mác, kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu ngay từ Việt Nam…
Ông Trịnh Đức Hải, Tổng lãnh sự Việt Nam tại bang New South Wales, khẳng định sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện để trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp Australia và Việt Nam.
Ông Hải nói: “Ngoài việc trực tiếp giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu thị trường Australia, chúng tôi thông qua hiệp hội, các cơ quan chức năng và bạn bè Australia sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc tìm hiểu nhu cầu và tiềm năng của thị trường nước bạn, cố gắng cung cấp thông tin dài hạn chiến lược, những thông đến tình hình sản xuất và kinh doanh nông sản để giúp các doanh nghiệp Việt Nam xác định đúng hướng đi, hiểu rõ làm cách nào để có thể vào được thị trường rất khó tính này.”
Bộ trưởng David Littlepround gợi ý các cơ quan chuyên môn của Việt Nam và Australia cần phối hợp với nhau tìm hiểu và đáp ứng đầy đủ những yêu cầu về an toàn sinh học, qua đó mở rộng cửa giao thương trong nông nghiệp - lĩnh vực mà hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác.
Ông Littlepround nói: “Trong hơn 45 năm qua, Việt Nam và Australia luôn có quan hệ tốt đẹp, chúng ta hãy tiếp tục làm sâu sắc hơn tình hữu nghị đặc biệt này để giúp nền nông nghiệp hai nước cùng lớn mạnh”.