Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chế biến sâu mở cánh cửa cho nông sản Việt ra thế giới
21 | 02 | 2020
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến, nông, lâm, thủy sản của nước ta đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 7 - 8%/năm. Việc đẩy mạnh chế biến sâu sẽ giúp nông sản Việt vượt nhiều rào cản, chinh phục thị trường.

30.000 tỷ đồng đầu tư cho chế biến

Với tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 7 - 8%/năm, hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có khả năng đảm bảo chế biến, bảo quản khoảng 130 – 140 triệu tấn nguyên liệu nông lâm thủy sản/năm. 

Hiện đã có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu; ngoài ra còn có hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình làm nhiệm vụ sơ chế, chế biến phục vụ tiêu dùng nội địa.

Trong 3 năm 2017 - 2019 đã có gần 40 dự án đầu tư với số vốn hơn 30.000 tỷ đồng (được khởi công/khánh thành). Tuy vậy vẫn còn một số ngành hàng khâu chế biến, bảo quản còn yếu và thiếu chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất và tiêu dùng như ngành hàng rau quả và thịt.

Đáng chú ý, trong thời gian qua, việc tổ chức sản xuất, liên kết giữa sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị bước đầu được hình thành ở một số ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả tích cực, giúp cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững và ổn định. 

Cụ thể, 100% các doanh nghiệp ngành mía đường có liên kết và hợp đồng bao tiêu mía nguyên liệu (trên 90% sản lượng của nhà máy) cho nông dân tạo ra sự ổn định cho nông dân trồng mía và đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy.

Một số doanh nghiệp ngành sản xuất chế biến lúa gạo xuất khẩu: đã thực hiện mô hình liên kết với nông dân, hợp tác xây dựng cánh đồng lớn và bao tiêu lúa cho bà con nông dân.

Đối với ngành hàng rau quả, cà phê, chăn nuôi, cá tra, chè, các công ty chế biến lớn đều liên kết với các HTX và dựng mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu đầu vào đến người tiêu dùng; mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, đầu tư các nhà máy chế biến công nghệ hiện đại và xuất khẩu sản phẩm.

Tuy vậy, theo ông Tiến, việc tổ chức liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu và thị trường tiêu thụ.

Ngoài một số mô hình liên kết doanh nghiệp "đầu tàu" với nông dân theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả tốt, thực tế vẫn còn quá ít chuỗi liên kết hoàn chỉnh.

Đa số chuỗi ở khâu đầu vẫn là thu gom của nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp thông qua hệ thống thương lái, chi phí trung gian lớn, không tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp.

Tháo gỡ nút thắt về đất đai

Để công nghiệp chế biến nông sản phát triển mạnh, theo Thứ trưởng Tiến, cần đa dạng hóa thị trường nhất là phát triển các thị trường tiềm năng, thị trường "ngách", trong đó quan tâm đặc biệt đến thị trường trọng tâm, trọng điểm của nông sản Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản...; xây dựng chiến lược, đề án phát triển thị trường cho các sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia.

Coi trọng phát triển thị trường tiêu thụ nội địa, là thị trường tiềm năng với trên 110 triệu người tiêu dùng vào năm 2030 và là giải pháp để hỗ trợ thị trường xuất khẩu.

Tổ chức sản xuất nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến: Trên cơ sở thị trường tiêu thụ (bao gồm: thị phần, thị hiếu, giá cả), thực hiện việc rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sản xuất cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, có tính đến những tác động của biến đổi khí hậu để xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung đảm bảo đủ nguyên liệu cho cơ sở chế biến đạt công suất thiết kế.

Phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản:  Gắn kết chế biến với việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo 3 nhóm sản phẩm.

Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản đã ban hành, tập trung đầu tư mạnh để phát triển sản xuất, chế biến những ngành hàng nông lâm thuỷ sản còn nhiều dư địa về thị trường mà Việt Nam có lợi thế và những ngành hàng mà tỷ lệ nông sản được đưa vào chế biến còn thấp như: các loại rau quả, thịt, trứng…

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại, chế biến sâu nông sản hàng hóa, tạo giá trị gia tăng cao, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm.

Tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa vào công nghiệp chế biến nông sản nhằm tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh liên kết với nguồn cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.  

Nghiên cứu, thực hiện cơ chế, chính sách phát triển nhân lực phục vụ công nghiệp chế biến nông sản, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại bền vững ngành nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế.

"Đặc biệt, cần hoàn thiện chính sách về đất đai, xây dựng khung pháp lý và có chính sách hỗ trợ giao dịch đất nông nghiệp; cho phép mua, thuê lại đất của nông dân để doanh nghiệp đầu tư vào vùng chuyên canh nông sản hàng hóa" - ông Tiến nói.

Theo Nông thôn này nay



Báo cáo phân tích thị trường