Hiện nay quýt hồng đang vào cao điểm thu hoạch, giá tương đối tốt nhưng nhiều nông dân tiếc nuối vì sản lượng quá ít.
Quýt hồng Lai Vung được cung ứng cho thị trường tết khắp nơi. Ảnh: Huỳnh Lợi
Sản lượng giảm mạnh
Chúng tôi tìm đến “vương quốc quýt hồng Lai Vung” vào những ngày giáp Tết Canh Tý 2020, không khí vụ mùa không còn sôi động như các năm trước. Ông Lưu Văn Tín, ngụ xã Long Hậu (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Cả tháng nay thương lái từ TPHCM, Tiền Giang, Kiên Giang… về đây thu mua khá nhiều và đang bắt đầu thu hoạch để đưa đi các nơi tiêu thụ dịp tết”.
Gần đó, vườn quýt của ông Trần Hữu Hớn, rộng tới 13 công, năm trước thu hoạch hơn 50 tấn trái, bán với giá bình quân 25.000 đồng/kg. Năm nay sản lượng quýt hồng của ông Hớn bị giảm chỉ còn khoảng 30 tấn.
“Cây quýt hồng càng lúc càng khó canh tác và tăng chi phí đầu tư làm nông dân rất vất vả. Vườn cây của gia đình tôi vụ này số lượng trái giảm mạnh, do đó chỉ trông cậy vào giá tăng cao để bù vào. Điều đáng mừng là giá quýt tết dao động khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg nên nhà nào có quýt là có lời…”, ông Hớn bộc bạch.
Theo UBND xã Long Hậu, dù quýt hồng là trái cây thế mạnh của địa phương và năm nay giá tương đối tốt, nhưng số người được mùa, được giá không nhiều; nguyên nhân do dịch bệnh hoành hành khiến sản lượng giảm.
Tại các xã Tân Thành, Tân Phước và Vĩnh Thới (huyện Lai Vung) tình hình cũng tương tự. Ông Đặng Văn Lòng, ngụ xã Tân Thành, cho hay: “Thời điểm này mấy năm trước quýt hồng được thu hoạch tấp nập từ sáng sớm đến tận chiều tối để đưa đi các nơi tiêu thụ. Ở xứ này không chỉ nhà vườn, mà ai cũng được huy động để kịp giao hàng. Tuy nhiên, không khí vụ mùa năm nay khá yên vắng do nhiều vườn quýt bị thất thu vì dịch bệnh”.
Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó phòng NN-PTNT huyện Lai Vung, nhìn nhận: “Trước đây, vùng chuyên canh quýt hồng Lai Vung cung ứng cho thị trường tết từ 30.000 tấn quýt/năm trở lên, thế nhưng dịp Tết Canh Tý 2020 sản lượng quýt hồng giảm mạnh còn không tới 4.000 tấn. Do nguồn cung quá ít, trong khi nhu cầu tiêu thụ cao, vì vậy quýt hồng vụ tết này được giá hơn các năm trước là hiển nhiên”.
Dồn sức khôi phục vườn quýt
Thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung cho thấy, nếu như lúc cao điểm toàn huyện có hơn 1.100ha quýt hồng đặc sản, đến năm 2018 diện tích giảm xuống còn khoảng 840ha. Sau đó, hàng loạt vườn quýt hồng bị nhiễm bệnh chết vàng, chết xanh làm cho tỷ lệ bị hao hụt tăng chóng mặt.
Các chuyên gia ở Trường Đại học Cần Thơ cảnh báo: Do thời gian qua bà con bón quá nhiều đạm khiến rễ non yếu, giảm sức chống chịu trong điều kiện pH đất thấp, tạo thuận lợi cho nhện rễ phát triển mạnh tấn công và phát sinh các loại nấm gây hại. Ngoài ra, nông dân ít sử dụng phân hữu cơ, trong khi đa phần lại bón quá nhiều phân có chứa chất kích thích sinh trưởng ở liều cao khiến bộ rễ quýt hồng nhanh lão hóa. Mặt khác, thiết kế vườn có mô thấp làm cho đất bị oi nước, rễ thiếu oxy, dẫn đến dễ bị hư thối.
Trước thực trạng vườn cây bị bệnh chết tràn lan, Phòng NN-PTNT huyện Lai Vung đã nhờ các ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp, Viện Cây ăn quả miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ… đến khảo sát, điều tra tình hình canh tác, nghiên cứu, thử nghiệm để tìm nguyên nhân. Nhiều kỹ sư nông nghiệp cho rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chết vàng, chết xanh ở các vườn quýt hồng là do hư hại bộ rễ bởi các tác nhân vi sinh vật đất (đây là nguyên nhân trực tiếp); ngoài ra kỹ thuật canh tác không phù hợp (nguyên nhân gián tiếp) dẫn đến nước, các chất dinh dưỡng từ đất không được vận chuyển lên cây đầy đủ, kịp thời làm cho cây kém phát triển, còi cọc, suy yếu dần và chết.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền huyện Lai Vung cùng các tổ hợp tác khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa dịch bệnh, khắc phục nhanh việc chết cây. Cần sớm phát hiện bệnh để điều trị kịp thời. Khuyến cáo nông dân tăng cường bón phân hữu cơ cải thiện đất, bón vôi nâng độ pH đất; chọn cây giống khỏe và sạch bệnh để khôi phục, trồng mới… Tỉnh cũng giao cho huyện Lai Vung phối hợp cùng chuyên gia tổ chức các mô hình thí điểm trồng mới vườn quýt hồng theo hướng phát triển bền vững.
Theo báo cáo mới đây của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, từ đầu quý 2-2019, ngành chuyên môn đã triển khai 5 mô hình thí điểm phòng chống dịch bệnh trên cây quýt hồng và quýt đường ở các xã Vĩnh Thới, Tân Phước và Long Hậu. Các chuyên gia ở Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện cải tạo đất, tạo độ thông thoáng cho rễ cây phát triển, áp dụng bón phân hữu cơ ủ hoai, tro trấu, sử dụng chế phẩm sinh học… Bước đầu cho thấy bộ rễ của quýt hồng phát triển sâu, cây tươi tốt, dấu hiệu phục hồi tốt, tạm thời khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ gây chết cây…
“Hiện nay vườn quýt hồng của huyện chỉ còn hơn 200ha, diện tích giảm báo động. Với 5 mô hình thí điểm đang triển khai tốt là dấu hiệu đáng mừng, song cái khó là nhiều nông dân thiếu vốn để tái đầu tư bởi vườn cây bị chết thời gian qua dẫn đến lâm nợ. Vì vậy, cùng với hỗ trợ kỹ thuật và mô hình canh tác mới thì tạo điều kiện để bà con dễ dàng tiếp cận nguồn vốn là rất quan trọng”, ông Huỳnh Văn Tồn đề xuất.