Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thuế nhập khẩu thịt heo vào Việt Nam sẽ giảm
11 | 03 | 2020
Thịt heo nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam đang chịu thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) với thịt đông lạnh là 10%, với thịt tươi và ướp lạnh là 25%. Đối với các nước đã có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam...mức thuế trong khoảng 3% - 21%.

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã kí thỏa thuận song phương về kĩ thuật và kiểm dịch động vật với 19 nước. Theo đó, doanh nghiệp từ 19 nước này khi được Bộ NN&TNT cho phép mới được xuất khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo vào Việt Nam.

Theo cam kết với WTO và trong các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình, xóa bỏ việc hạn chế định lượng và giấy phép nhập khẩu hàng hóa nông sản trong đó có thịt heo, chỉ thực hiện quản lí nhập khẩu bằng các biện pháp kĩ thuật như kiểm dịch động vật, an toàn thực phẩm.

Đây là biện pháp được hầu hết các nước thành viên WTO sử dụng nhằm quản lí nhập khẩu và bảo hộ sản xuất trong nước phù hợp cam kết quốc tế.

Hiện nay thịt heo nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam đang chịu thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) với thịt đông lạnh là 10%, với thịt tươi và ướp lạnh là 25%. Đối với các nước đã có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, như: Australia, New Zealand, Nhật Bản, Nga, Mexico... mức thuế nhập khẩu khoảng 3% - 21%.

Theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, mặt hàng thịt heo không thuộc danh mục nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Công thương mà thực hiện theo  qui định tại Thông tư số 25/2010/TT-BNNPTNT và Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT.

Số liệu của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết tính đến hết tháng 2, Việt Nam đã nhập khẩu 65.865 tấn thịt các loại, trong đó thịt heo và sản phẩm thịt heo các loại đạt 13.816 tấn, chiếm 21% tổng lượng thịt nhập khẩu, tăng 150% so với cùng kì năm 2019.

Cơ cấu chủng loại thịt heo nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu là thịt cốt lết, thịt cắt miếng, chân giò, móng giò, xương… từ Canada chiếm 33,1%, Đức chiếm 25,4%, Brazil chiếm 16,1%, Ba Lan chiếm 15,8%, Mỹ chiếm 7,8%...

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường