Thị trường rau củ, trái cây trong nước
Dẫn nguồn Kinh tế và Tiêu dùng, Lâm Đồng, nơi cung cấp rau củ lớn nhất cả nước, có nhiều loại rau củ có giá khá cao, trong khi một số loại lại giảm tới 5 – 6 lần. Cụ thể như hành tây, cà chua, xà lách, súp lơ có giá cao từ 17.000 - 35.000 đồng/kg còn bắp cải chỉ có 1.000 đồng/bắp, ớt chuông bán ra chỉ 8.000 đồng/kg.
Nguyên nhân có mức giá quá thấp như vậy là do những loại rau củ này ở nhiều vùng khác trong nước cũng sản xuất được. Hơn nữa, do tác động bởi dịch bệnh COVID-19 nên việc xuất khẩu các loại rau này sang thị trường Trung Quốc, Campuchia gặp nhiều khó khăn dẫn đến các thương lái đồng loạt ngưng gom hàng.
Đối với một số mặt hàng trái cây như thanh long, mít, sầu riêng… vào thời điểm đầu tháng do khó khăn về công tác vận chuyển thông quan qua cửa khẩu biên giới Việt – Trung, giá đã giảm sâu xuống 5 - 6 lần.
Tuy nhiên, Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, như kêu gọi các doanh nghiệp trong nước thu mua, trao đổi với phía bạn – Trung Quốc, mở lại cửa khẩu với sự kiểm soát chặt chẽ, giá thành những trái cây này đã tăng trở lại. Hiện giá thanh long ở Bình Thuận đã tăng lên từ 14.000 – 16.000 đồng/kg tại vườn.
Thị trường rau củ, trái cây thế giới
Thị trường Ý
Ý là một thị trường tiêu dùng lớn, truyền thống với sản xuất rau quả tại địa phương. Nước này tiêu thụ gần như tất cả sản phẩm nhập khẩu trong khu vực, do đó tái xuất bị hạn chế. Các nhà sản xuất Ý xuất khẩu một phần sản phẩm của họ, gồm táo, nho, dưa hấu, kiwi và thảo mộc.
Dứa và chuối có nguồn gốc trực tiếp, là sản phẩm nhập khẩu phổ biến nhất với người tiêu dùng nước này. Các mặt hàng nhập khẩu khác chủ yếu có nguồn gốc thông qua các nước châu Âu khác, chẳng hạn như Hà Lan hoặc Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, bơ, kiwi và lựu cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong việc tìm nguồn cung ứng trực tiếp, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu ở các nước sản xuất.
Thị trường Pháp
Trong khu vực các nước châu Âu, Pháp là một trong những thị trường quan trọng của mặt hàng rau quả và trái cây, mặc dù nước này thường sử dụng Hà Lan hoặc Bỉ cho hoạt động logistics.
Năm 2018, Pháp nhập khẩu 3,5 triệu tấn trái cây và 2,4 triệu tấn rau. Đối với hầu hết loại trái cây, Pháp vừa là nhà nhập khẩu ròng, vừa là thị trường cuối cùng.
Thống kê cho thấy, Pháp là nhà nhập khẩu rau chính của châu Âu từ các nước đang phát triển. Tuy nhiên, điều này chủ yếu do nhập khẩu cà chua, đậu và ớt chuông của Maroc.
Pháp duy trì quan hệ thương mại tốt với các nhà cung cấp ở Tây Bắc Phi. Nước này đã nhập khẩu 2 triệu tấn rau quả từ các nước đang phát triển vào năm 2018, trong đó 600.000 tấn đến từ Morocco và 25.000 tấn chuối chủ yếu từ Bờ Biển Ngà.
Bnews/TTXVN từng đưa tin, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội đã phối hợp với chợ đầu mối Rungis tại Paris tổ chức Tuần hàng nông sản Việt Nam vào cuối tháng 6/2018.
Tại những sự kiện này, hàng nông sản Việt Nam sẽ được giới thiệu trên quy mô lớn với các nhà nhập khẩu Pháp. Các loại trái cây như vải, xoài, thanh long, dừa, bưởi... và các loại gia vị vùng nhiệt đới như xả, quế, hồ, thảo quả... đều có mặt.
Ông Layani, Chủ tịch và Tổng Giám đốc chợ Rungis, đánh giá cao chất lượng của nông sản Việt Nam và tin chắc rằng các mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ có thị trường hứa hẹn không chỉ ở Pháp mà cả ở Châu Âu cũng như trên toàn thế giới.
Cũng theo ông Layani, Việt Nam có thể được coi như cường quốc về nông nghiệp, tuy nhiên để tìm đầu ra cho sản phẩm, Việt Nam đang thiếu một chợ đầu mối lớn.
Hiện nay an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong những vấn đề đáng lưu tâm tại Việt Nam. Việc cần làm là xây dựng một chợ đầu mối đáp ứng được tiêu chuẩn của châu Âu, đảm bảo chất lượng và thương hiệu.
Với khí hậu nhiệt đới, Việt Nam có nhiều hàng nông sản chất lượng cao, phù hợp với văn hóa ẩm thực của người Pháp và châu Âu.
Các mặt hàng rau, củ, quả và thủy sản của Việt Nam hiện đang có mặt tại 180 quốc gia và lãnh thổ. Với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt hơn 36 tỉ USD, Việt Nam nằm trong top 15 quốc gia xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất thế giới.
Thị trường Tây Ban Nha
Là một trong những nhà sản xuất rau quả hàng đầu ở châu Âu nhờ khí hậu thuận lợi, Tây Ban Nha rất chú trong đến hoạt động xuất khẩu. Nước này đang chịu trách nhiệm về dòng chảy thương mại rau quả chính của châu Âu.
Nhờ khí hậu thuận lợi, tỉ lệ sản xuất của hai quốc gia này cao hơn các quốc gia khác, đặc biệt là trái cây họ cam quýt, dưa hấu, đào, ớt và cà chua, nho và lê.
Trái cây và rau quả từ Bắc Phi và trái cây nhiệt đới từ Mỹ Latinh có mặt khá nhiều ở Tây Ban Nha. Nguồn cung Maroc và Peru nói riêng đã tăng trưởng đều đặn.
Morocco xuất khẩu dưa hấu, cà chua và trái cây mềm sang Tây Ban Nha; trong khi Peru cung cấp bơ, xoài và hành ngọt cho Tây Ban Nha.
Tây Ban Nha nhập khẩu từ Ai Cập chủ yếu là cam, cũng đã bùng nổ từ 648 đến 21.439 tấn trong thời gian 5 năm.
Theo số liệu Vinanet tính toán từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Tây Ban Nha mặc dù tăng khá nhanh thời gian qua, nhưng hiện vẫn còn ở mức thấp.
Năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả sang của Việt Nam sang Tây Ban Nha đạt khoảng 1,16 triệu EUR, tăng hơn gấp đôi so với năm 2014. Trong đó xuất khẩu trái cây đạt khoảng 900.000 EUR, còn xuất khẩu rau các loại đạt khoảng 260.000 EUR, chủ yếu là các loại rau thơm, ngô ngọt…
Sản phẩm bản địa rất phổ biến nên người tiêu dùng Tây Ban Nha ít tiêu thụ các loại rau quả nhiệt đới ngoại lai, trong khi cộng đồng người châu Á định cư tại đây lại ít hơn nhiều so với các nước châu Âu khác. Do đó, sức mua không lớn.
Tuy vậy, thị trường này vẫn có tiềm năng đối với một số loại quả như thanh long, xoài, dứa, bưởi… vì người tiêu dùng bắt đầu quen và tiêu thụ ngày càng nhiều hơn.
Nguồn: VITIC