Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gián đoạn lưu thông do dịch Covid, nhiều nông sản trên thế giới mất giá
01 | 04 | 2020
Do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lưu thông hàng hóa ở nhiều quốc gia bị định trệ bởi các lệnh phong tỏa khiến nhiều loại nông sản trên thế giới tiêu thụ chậm. Những mặt hàng sụt giá trên thị trường giao dịch thế giới trong những ngày gần đây là: ngô, gạo, khô đậu tương, lúa mì, cà phê, tiêu, cao su…

Tác động của dịch Covid-19 đã lan rộng đến những người trồng cà phê trên thế giới, với giá cà phê giảm do nhu cầu suy yếu khi người tiêu dùng tránh tới các cửa hàng và ở nhà. 

Trên thị trường thế giới ngày 31/3/2020, giá cà phê  robusta giao kỳ hạn tháng 5/2020 chỉ còn chốt ở 1.203 USD/tấn, quá thấp so với mốc giá 1.350-1.400 USD/tấn vào cuối tháng 12/2019. Tại Việt Nam, giá cà phê trồi sụt liên tục, hiện đã lao dốc xuống mức thấp nhất 29.500 đồng/kg vào ngày 31/3. Như vậy, giá cà phê tuần qua sụt giảm khoảng 600 - 700 đồng/kg, nhưng tính chung cả tháng đã mất khoảng 2.500 đồng/kg. 

Giá gạo Ấn Độ và Thái Lan giảm do ngừng trệ lưu thông

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), lệnh phong tỏa trên toàn quốc ở Ấn Độ để tránh sự lây lan của virus corona chủng mới đã đẩy giá gạo xuất khẩu của nước này giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng, trong khi gạo Thái Lan cũng giảm khỏi mức cao nhất trong vòng nhiều năm do biến động tỷ giá tiền tệ. 

Giá gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ hiện giảm còn khoảng 361-365 USD/tấn, thấp nhất kể từ cuối tháng 12/2019. Trong khi cách đây một tuần, gạo Ấn Độ cũng đã giảm so với tuần liền trước, xuống 363-367 USD/tấn. Với Thái Lan, gạo 5% tấm giá giảm xuống 468-495 USD/tấn, so với mức giá 480-505 USD/tấn ở tuần trước. Nguyên nhân do sự biến động tỷ giá đồng Baht, trong khi tình hình cung - cầu không có sự thay đổi. Chính phủ Thái Lan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, nhưng chưa có bất cứ lệnh nào hạn chế xuất khẩu nông sản. 

Trong khi đó, Philippines thông báo kế hoạch sẽ giữ nhập khẩu gạo năm nay ở mức tối thiểu, chỉ đủ đáp ứng phần thiếu hụt của sản xuất trong nước, mặc dù tiếp tục thực hiện chính sách tự do hóa nhập khẩu gạo. Trong buổi tổng kết một năm tình hình thực hiện Luật Thuế Gạo, Bộ trưởng Nông nghiệp William Dar cho biết, Philippines đặt mục tiêu nhập khẩu khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn gạo trong năm nay, là mức tối thiểu để bù vào phần sản xuất trong nước bị thiếu hụt. Ông cũng cho biết, sau vụ thu hoạch Hè, vào khoảng tháng 6-7 tới, Philippines sẽ mở cửa nhập khẩu trở lại. Hiện tại, Philippines có lượng dự trữ gạo đủ dùng cho 80 ngày, tức là đủ cho tới sau vụ thu hoạch Hè (tháng 5 tới).

Tại Việt Nam, do lệnh cấm xuất khẩu gạo nên hiện không có thương gia nào chào bán gạo ở thời điểm này. Theo Bộ Công Thương, sau khi đã tính toán kỹ để bảo đảm an ninh lương thực, có thể cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và tháng 5/2020. Lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 sẽ vào khoảng 800.000 tấn, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019. Căn cứ tổng số lượng 800.000 tấn nói trên, trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Vào tuần cuối cùng của tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo cho tháng 5.

Theo lãnh đạo nhiều tỉnh ĐBSCL, Bộ NN&PTNT và các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, việc hạn chế xuất khẩu gạo những ngày vừa qua đã gây thiệt hại cho nông dân vì giá lúa bán ra sẽ không cao như kỳ vọng. Tuy nhiên trong bối cảnh đảm bảo an ninh lương thực, các doanh nghiệp sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ. 

Hiện, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang thực hiện thu mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo kế hoạch được giao là 300.000 tấn. Ngoài ra, Bộ Công Thương đề nghị giữ lại thêm 400.000 tấn gạo để dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tháng 4 và tháng 5. Như vậy, tổng lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước đến trước khi có thóc vụ Hè Thu sẽ là 700.000 tấn, sẽ đảm bảo đủ cho tiêu dùng nội địa hai tháng 4 và 5/2020. Với số lượng giữ lại này, mỗi người dân sẽ được dự phòng thêm 7,3kg gạo trong 2 tháng. Hiện, 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất sẽ ký thỏa thuận với ít nhất một hệ thống siêu thị về việc bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu. 

Theo Bộ NN&PTNT, lượng gạo hàng hóa của vụ Đông Xuân có thể xuất khẩu khoảng 3 triệu tấn, nếu tính cả số lượng "gối đầu" từ năm 2019 chuyển qua khoảng 3,2 triệu tấn. Với tốc độ xuất khẩu 25.000 tấn/ngày trong tháng 3 vừa qua, ước lượng gạo xuất khẩu đến hết ngày 31/3/2020 khoảng 1,7 triệu tấn. Lượng gạo hiện còn trong kho các doanh nghiệp có thể xuất khẩu còn lại khoảng 1,5 triệu tấn.

Giá cao su tại Tokyo xuống thấp nhất 11 năm

Ngành hàng cao su đang bị ảnh hưởng tiêu cực nhất, nguyên nhân là do xăng dầu rớt giá, hoạt động sản xuất cao su nhân tạo từ dầu lửa gia tăng, đã đẩy cao su thiên nhiên vào tình trạng không tiêu thụ được. 

Tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), giá cao su ngày 1/4/2020 kỳ hạn tháng 9/2020 giảm xuống mức thấp nhất 11 năm, trong bối cảnh lo ngại về tác động kinh tế của đại dịch Covid-19. Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2020 trên sàn TOCOM giảm 2,2 JPY tương đương 1,5% xuống 143 JPY (1,3 USD)/kg, trong phiên có lúc chạm 142,1 JPY/kg, thấp nhất kể từ ngày 19/3/2009. 

Các nhà kinh tế cắt giảm kỳ vọng tăng trưởng năm 2020 và các nhà đầu tư xem xét các báo cáo tài chính quý suy giảm, lo ngại sự phá sản công ty và sa thải hàng loạt sẽ dẫn đến suy thoái mạnh. Giá dầu thô diễn biến trái chiều, sau khi có tháng và quý mạnh nhất làm lu mờ lo ngại dư cung toàn cầu khi số liệu cho thấy tồn trữ dầu thô tại Mỹ cao hơn so với dự kiến. 

Chỉ số Nikkei trung bình của Nhật Bản giảm 1,2% sau khi chứng khoán Phố Wall giảm trong phiên trước đó, với chỉ số công nghiệp Dow Jones có quý giảm mạnh nhất kể từ năm 1987. 

Trong khi đó, tại Mỹ, doanh số bán ô tô sẽ giảm hơn 80% do các hạn chế virus corona chủng mới lây lan. General Motors GM.N sẽ kéo dài lệnh đóng cửa tại các nhà máy Bắc Mỹ và không biết đến khi nào sẽ khởi động trở lại. Tất cả những yếu tố này đang kéo theo giá cao su kỳ hạn tháng 5/2020 trên nhiều sàn giao dịch giảm mạnh. 

Trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 167.340 tấn, trị giá đạt trên 244,45 triệu USD, giảm 29,4% về lượng và giảm gần 20% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong tháng 3/2020, xuất khẩu mặt hàng cao su tiếp tục suy giảm nhiều hơn, giảm mạnh cả về lượng và giá. 

Theo Thời báo Kinh doanh



Báo cáo phân tích thị trường