Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu sang Mỹ tăng vọt hơn 18%, bù đắp sự thiếu hụt của Trung Quốc trong quí I
04 | 04 | 2020
Mặc dù giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc giảm sâu hơn 19% nhưng thị trường Mỹ đã tăng hơn 18%. Cùng với sự tăng trưởng tại Nhật, ASEAN và Hàn Quốc, giá trị xuất khẩu quí I tương đương so với cùng kì năm 2019.

Cục Chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết trước sự bùng phát và lan rộng của dịch COVID-19 tại khắp các quốc gia trên thế giới trong 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu nông sản Việt Nam có dấu hiệu suy giảm tại thị trường chính như Trung Quốc (chiếm thị phần 21,4%) giá trị xuất khẩu giảm đến 19,2% và EU (chiếm thị phần 13%) giảm 0,6%.

Tuy nhiên, các thị trường khác vẫn tạm ổn định như tại thị trường Mỹ (chiếm thị phần 23,2%) giá trị xuất khẩu tăng 18,4%, Nhật Bản (thị phần 8,9) tăng hơn 3%, Asean (thị phần 10,7%), tăng 16,8% và Hàn Quốc (thị phần 6,2%) tăng 0,4%.

Tính chung trong quí I/2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 9,06 tỉ USD, tương đương so với cùng kì năm 2019.

Đáng chú ý cho đến những ngày cuối tháng 3 năm 2020, với tình hình dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát tích cực tại thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Trung Quốc.

Theo đó, cùng với sự nỗ lực của Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương, việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc đang có dấu hiệu được phục hồi khi các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu phụ khôi phục hoạt động, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản cho hay.

Tuy nhiên theo Bộ Công Thương trong bối cảnh năng lực thông quan của các cửa khẩu biên giới đã được mở lại như hiện nay vẫn chưa được cải thiện nhiều, đồng thời phải áp dụng thêm các phương án kiểm soát nghiệm ngặt, phòng chống dịch bệnh trên phạm vi cả nước trong thời gian tới đây có khả năng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới giáp với Trung Quốc.

Trong khi đó, nhiều mặt hàng nông sản, trái cây tươi của ta sẽ tiếp tục vào thời điểm chính vụ để xuất khẩu sang Trung Quốc, nếu như lưu lượng xe và hàng hóa xuất khẩu từ các tỉnh, thành phố đưa lên khu vực cửa khẩu biên giới phía Bắc ngày càng nhiều, tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa chắc chắn xảy ra trong thời gian tới.

Theo KTTD



Báo cáo phân tích thị trường