Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bộ NN-PTNT thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19
12 | 03 | 2020
Bộ NN-PTNT đã xác định những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong điều kiện dịch Covid-19.

Nhiệm vụ khẩn cấp của ngành nông nghiệp

Quan trọng nhất là đảm bảo khả năng cung ứng lương thực thực phẩm. Thứ hai là đảm bảo khống chế dịch bệnh, như dịch tả lợn châu Phi. Chống trục lợi trong buôn bán nông sản. Thứ ba là đảm bảo xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, đại dịch đang đe dọa kinh tế thế giới, tác động đến mọi quốc gia. Thiệt hại ở mỗi quốc gia là nhiều hay ít, đến giờ này chưa lường hết được.

Không những thế, ngành nông nghiệp đang phải chịu nhiều thách thức ngoài Covid-19: Một là thay đổi khí hậu cực đoan. Chưa năm nào mà mùng 1 Tết lại có mưa đá diện rộng, 12.000 ngôi nhà hỏng mái, thiệt hại. Chưa bao giờ sau Giao thừa lại có mưa tại Hà Nội hơn 120mm.

Cũng chưa bao giờ, bước vào vụ Đông Xuân lại có hạn nặng ba miền Bắc Trung Nam. Dịch tả lợn châu Phi hoành hành năm 2019, còn có H5N1, cúm gia cầm, đại gia súc.

Chưa bao giờ Việt Nam có tổng đàn gia cầm hơn 500 triệu con, mà bị đe dọa bởi thời tiết, dịch bệnh. Ngành nông nghiệp có nhiệm vụ đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại để phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Ngành khác có thể gián đoạn ở thời điểm này, nhưng với ngành nông nghiệp thì phải tạo ra lương thực thực phẩm cho con người. Vào viện cũng phải ăn, nghỉ ở nhà cũng phải ăn. Cho nên ngành nông nghiệp không hề được nghỉ.

Với một đất nước cả trăm triệu dân, với ngần ấy thách thức, chúng ta phải nỗ lực hơn nữa.

Một năm chúng ta xuất khẩu 41 tỷ USD, nếu năm nay bị mất nguồn cung, thì còn đối mặt nguy cơ mất thị trường nếu không giỏi ứng biến.

Nhắm mục tiêu xuất khẩu 42 tỷ USD

Chiều 12/3, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19 tại Hà Nội.

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng, chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn do Trung Quốc là đối tác cung cấp hàng hóa đầu vào quan trọng với nhiều quốc gia và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có hạ nhiệt nhưng còn phức tạp; các yếu tố rủi ro địa chính trị; sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ đã tác động bất lợi tới hoạt động sản xuất, đầu tư và thương mại toàn cầu.

Năm 2020, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản đạt 42 tỷ USD. Trong đó, hàng nông sản khoảng 20 tỷ USD, lâm sản và đồ gỗ khoảng 11,5 tỷ USD, các mặt hàng thủy sản khoảng 10 tỷ USD, các mặt hàng chăn nuôi khoảng 0,8 tỷ USD.

Để làm được điều đó, Bộ NN-PTNT đề ra các giải pháp trọng tâm. Thứ nhất đối với lĩnh vực trồng trọt, các cơ quan chuyên môn, địa phương có những điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa. Đối với rau màu, do thời gian sinh trưởng ngắn, Bộ sẽ điều chỉnh diện tích, cơ cấu về chủng loại rau để phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước, xuất khẩu.

Tập trung rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây ăn quả chất lượng, phù hợp, có thị trường bằng trồng mới, trồng tái canh, ghép cải tạo giống. Phát triển các giống cây ăn quả đặc sản có lợi thế tại đại địa phương.

Ngoài ra, cần ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với nông dân.

Hạn chế tối đa việc đầu cơ giá lợn

Đối với chăn nuôi lợn, cần tiếp tục các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt dịch tả lợn Châu Phi. Phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính kiểm soát giá thành và giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn; kiểm soát chặt, hạn chế tối đa việc đầu cơ tăng giá lợn thịt, lợn giống hiện nay trên thị trường;

Muốn làm được điều đó, cần tiến hành song song việc đẩy nhanh tiến độ và quy mô tái đàn khôi phục đàn lợn nhằm ổn định thị trường và giá cả mặt hàng thịt lợn trong nước.

Do tổng đàn gia cầm hiện nay đã ở quy mô rất lớn, thậm có nguy cơ cung vượt cầu, do vậy cần chỉ đạo điều chỉnh giảm mức tăng trưởng về đầu con và sản lượng gia cầm, cụ thể thịt gia cầm các loại từ 16,5% xuống dưới 10%, trứng từ 14% xuống 9-10% và đặc biệt là điều chỉnh chu kỳ sản phẩm giảm cao điểm vào các tháng mùa nóng (tháng 5-8) tránh dư thừa gây thiệt hại cho người chăn nuôi;

Bộ NN-PTNT cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ, Bộ NN-PTNT sẽ hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển đổi phương thức kinh doanh các ngành hàng nông lâm thủy sản, theo hướng nâng cao giá trị xuất khẩu.

Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông, lâm, thúc đẩy công nghiệp chế biến nông sản. Tăng cường triển khai công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, tiếp cận các hệ thống bán lẻ, chuỗi siêu thị tại nước ngoài.

Chủ động phối hợp với Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước triển khai toàn diện, đạt hiệu quả cao nhất về công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa bàn trọng điểm, tiềm năng và thị trường ngách, tạo sự đột phá trong đa dạng hóa thị trường…

Chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản của nhiều địa phương có dịch Covid-19 sẽ tăng cao sau khi hết dịch (thời gian qua, nhiều địa phương của Trung Quốc, như tỉnh Hồ Bắc đã thực hiện nghiêm việc cách ly, nông dân không sản xuất trên đồng ruộng; dẫn đến thiết thụt cân đối lương thực, thực phẩm và phải nhập khẩu).

Bên cạnh đó, phải tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất (bao gồm chuẩn bị kịch bản trong bối cảnh nhiều địa phương công bố dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nhu cầu cao và số lượng lương thực thực phẩm, do tâm lý và nhu cầu tích trữ phòng dịch của người dân.

Theo Nông nghiệp Việt Nam



Báo cáo phân tích thị trường