Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ trong thời gian tới nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và phải đổi mới mô hình, chiến lược kinh doanh, có chiến lược dài hạn, đặc biệt là hướng tới phát triển bền vững.
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, ông Lương Văn Tự cho rằng: “Chưa cần phải đi quá xa, doanh nghiệp Việt có thể lớn nhanh, có thể tăng độ chuyên nghiệp bằng việc trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là với doanh nghiệp có vốn đầu tư từ châu Âu.”
Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, thì điều quan trọng phải chia sẻ được thông tin cập nhật với doanh nghiệp, làm sao giúp doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, hội tụ đủ năng lực để trở thành nhà cung ứng hàng hóa lâu dài, chất lượng và uy tín với các đối tác tại EU.
“Làm ăn được với nhiều doanh nghiệp châu Âu, ký được FTA với khu vực thị trường có nền kinh tế phát triển cao là điều kiện để tạo ra “thế” cho doanh nghiệp Việt, khi được các nền kinh tế lớn thừa nhận, trao đổi thương mại, thu hút FDI gia tăng, doanh nghiệp nội cũng tự ý thức nâng mình lên, “lực” từ đó sẽ mạnh lên”, ông Lương Văn Tự nói.
Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết, kinh tế Việt Nam 2019 đã có mức tăng trưởng nhanh, đạt 7,02%, lọt top các nước có tăng trưởng cao. Có được kết quả tăng trưởng này là do Việt Nam đã chủ động hội nhập. Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam đã ký 13 FTA.
“EVFTA mở ra nhiều cơ hội cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhưng để tận dụng cơ hội thì cần xem thế và lực của Việt Nam ở đâu, mạnh hay yếu ở chỗ nào để vượt qua những trở ngại trong quá trình thực thi hiệp định. Nhiều ngành hàng có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu vốn không bị cạnh tranh trực tiếp, mà có tính bổ sung nhiều hơn, nhưng cũng nên xem xét lại các ngành xuất khẩu mũi nhọn, liệu rằng đã phù hợp với thị trường EU chưa, để điều chỉnh lại sản phẩm thế mạnh. Quan trọng hơn, tư duy mạnh ai nấy làm của doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi”, ông Hùng nói.
Với EVFTA, chưa nhất thiết doanh nghiệp Việt Nam cứ phải “chạy sang” EU để tìm khách hàng, bởi có nhiều con đường để đi. Doanh nghiệp Việt có thể tính chuyện hợp tác với doanh nghiệp EU đang làm ăn tại Việt Nam. Con đường này có thể còn giúp doanh nghiệp Việt đi nhanh hơn và từ đó sẽ có cơ hội giao thương với nhiều doanh nghiệp châu Âu.
Theo ông Ngô Đức Minh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương), khi doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam, luôn hy vọng sẽ tìm kiếm được nhiều nhà cung cấp Việt Nam, đáp ứng được các tiêu chuẩn của họ. Việc chưa tham gia sâu được vào chuỗi sản xuất toàn cầu chính là thể hiện khả năng đáp ứng còn hạn chế của doanh nghiệp Việt và đó là điều cần cải thiện.
Lợi ích thiết thực nhất của Hiệp định là tương lai lâu dài. Đây cũng là đích đến của EVFTA và các nhà nhập khẩu châu Âu cũng đề cao yếu tố này. Điều còn lại là gia tăng được số lượng doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Không bỏ quên thị trường “tiền tươi thóc thật”
Với kinh nghiệm đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nhiều năm làm về hội nhập, ông Lương Văn Tự cho rằng, để tận dụng được lợi thế của mỗi FTA, doanh nghiệp phải là chủ đạo, phải chủ động trong tiếp cận thông tin hội nhập để biết ngành hàng của mình đang có lợi thế làm ăn với khu vực thị trường nào.
Đơn cử, ngành cà phê Việt Nam đã có nhiều chuyển biến trong những năm gần đây, coi trọng chế biến, nên năm qua, xuất khẩu cà phê hòa tan đã đạt 500 triệu USD, nhờ một số dự án của FDI và Trung Nguyên…
“Gần 45% giá trị xuất khẩu của ngành cà phê (trên 3 tỷ USD) của nước ta là xuất sang EU. Việt Nam có FTA với EU, thì lợi thế được mua công nghệ tốt, thu hút thêm lượng vốn FDI vào chế biến cà phê, nên chiến lược để tiếp cận EU phải được doanh nghiệp và ngành triển khai bài bản”, ông Tự nói.
Tuy vậy, đầu tư bài bản để chuẩn hóa sản phẩm cho phù hợp với thị trường tiêu chuẩn cao của các nước phát triển, nhưng không có nghĩa để quên thị trường nội địa.
Ông Tự lưu ý: “Thị trường trong nước vẫn là thị trường “tiền tươi thóc thật”, nên doanh nghiệp nào biết cơ hội này để nâng chất lượng lên thì sống khỏe, nếu chỉ chú trọng xuất khẩu thì chưa chắc đã trúng, vì thế không nhất thiết chỉ nghĩ đầu tư là để xuất khẩu. Việc bán sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại thị trường nội địa sẽ trở thành bàn đạp vững chắc để tiến ra thế giới.
Cùng quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, ngay cả khi không có EVFTA, doanh nghiệp Việt vẫn có thể sản xuất sản phẩm tốt, hãy tiếp cận từ góc độ như vậy để doanh nghiệp Việt cùng trưởng thành, lớn mạnh.
Cơ hội phát triển
EVFTA có hiệu lực sẽ cơ cấu lại các mặt hàng xuất - nhập khẩu, đầu tư, tạo thế tự chủ, bớt lệ thuộc vào một số thị trường truyền thống..., đảm bảo cho nền kinh tế của Việt Nam có thể phát triển bền vững.
Nhìn nhận từ góc độ ngành nông nghiệp, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nêu rõ: Khi EVFTA có hiệu lực, thuế các mặt hàng nông sản của Việt Nam vào EU sẽ giảm đáng kể, điều này mang lại nhiều lợi ích, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. “EU là thị trường lớn với lượng nhập khẩu nông sản khoảng 150 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp Việt Nam sang EU mới đạt 5 tỷ USD. Điều đó cho thấy sản phẩm nông sản của Việt Nam còn nhiều dư địa sang EU. Cùng với đó, thu nhập người dân EU cao nhất thế giới họ sẵn sàng mua hàng có chất lượng, tiêu chuẩn cao. Đây là cơ hội tốt để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển mình không chỉ về số lượng mà cả chất lượng”, ông Tuấn nhận định.
Trong khi đó, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái, với việc tham gia FTA thế hệ mới, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, cũng có thuận lợi là cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và EU mang tính bổ sung cao, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp. Hiện Việt Nam đứng thứ 2 trong các nước ASEAN xuất sang EU, điều này chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, khi EVFTA có hiệu lực sẽ có cơ sở hơn nữa để Việt Nam vươn lên.
Doanh nghiệp phải tự đổi mới
Các quy định của EVFTA cho thấy, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế lớn dành cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng để hiện thực hóa những lợi ích này, vẫn còn một hành trình gian nan.
Nói về những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt khi EVFTA có hiệu lực, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nêu rõ: Hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đang ở mức trung bình của thế giới; doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với doanh nghiệp châu Âu đồng nghĩa với việc sẽ phải cạnh tranh với những doanh nghiệp năng lực hàng đầu thế giới. Để tận dụng EVFTA, việc nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của Việt Nam là quan trọng nhất. “Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì phải quay trở lại cải thiện môi trường kinh doanh và để làm được điều này, phải bắt đầu từ thể chế”, ông Lộc nhấn mạnh.
Chủ tịch VCCI cho rằng, thể chế sẽ là chìa khóa cho mọi vấn đề bởi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói, thể chế là nhiệm vụ trung tâm của cơ quan Chính phủ. “Chúng ta mở đường cao tốc với EU thì phải mở cao tốc giữa chính quyền với doanh nghiệp theo hướng cần rà soát các quy định pháp luật để đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh”, ông Lộc ví von.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, phải đổi mới mô hình kinh doanh, chiến lược kinh doanh, có những chiến lược dài hạn, đặc biệt là hướng tới phát triển bền vững. Có như vậy, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể tạo dựng được nền tảng tương tác vững chắc với thị trường EU nói riêng và thị trường thế giới nói chung trong bối cảnh mới.
Bà Nguyễn Sơn Trà, Phó trưởng phòng WTO và Đàm phán thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cho rằng, để những cơ hội thúc đẩy thương mại trở thành những con số cụ thể về kim ngạch xuất khẩu, ngoài việc cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh thì doanh nghiệp phải chủ động nắm vững nội dung mà Việt Nam và EU đã cam kết, bao gồm cả những cam kết truyền thống như thương mại hàng hóa và cam kết mới về môi trường, lao dộng, trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững.
Ngoài cơ hội xuất khẩu, để đón đầu làn sóng đầu tư từ EVFTA và EVIPA, doanh nghiệp Việt phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, tập trung cải thiện quy trình và sự minh bạch thông tin, đồng thời chủ động hợp tác liên kết với doanh nghiệp nước ngoài, từ đó rút ngắn thời gian tham gia vào chuỗi giá trị hàng hóa khu vực và toàn cầu.
Theo Kinh tế Nông thôn