Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường tôm thế giới bị ảnh hưởng bởi Covid-19
14 | 04 | 2020
Ngành thủy sản toàn cầu đang chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19, trong đó tôm là một trong những loại hải sản bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus chủng mới (Covid-19) ban đầu bùng phát ở Trung Quốc – nước tiêu thụ tôm lớn thứ 3 thế giới – sau đó lan ra toàn cầu, làm giá tôm giảm mạnh.

Tại Ấn Độ, giá tôm thẻ thu mua tại bờ ở Andhra Pradesh là 4,39 USD/kg loại 40 con/kg vào giữa tháng 3/2020, giảm 14% so với cuối tháng 2/2020; loại 60 con/kg giảm mạnh 21%. Trong khi đó tại Ecuador, giá tôm loại 20 con/kg ngày 20/3 là 5 USD/kg, loại 40 con là 3,7 USD, loại 60 con là 3,3 USD và loại 80 con là 2,9 USD, giảm khoảng 15% so với 2 tuần trước đó.

Giá tôm giảm giữa lúc giá dầu mỏ mất một nửa trong quý I/2020 làm giảm khả năng cho vay của các ngân hàng, ảnh hưởng tới ngành nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm.

Theo nhà phân tích cấp cao của Rabobank, ông Gorjan Nikolik, Hiện vẫn còn sớm để đưa ra dự báo về xuất khẩu tôm toàn cầu trong năm 2020, nhưng sự bùng phát của dịch Covid-19 có khả năng khiến cho những dự báo trước đây (rằng sản lượng năm 2020 tăng) sẽ bị sai lệch hoàn toàn.

Cuốn Triển vọng Định hướng Nuôi thủy sản toàn cầu (Global Outlook on Aquaculture Leadership - GOAL) công bố tháng 10/2019 dự báo sản lượng tôm toàn sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, trong đó riêng năm 2020 sẽ tăng 5% đạt trên 5 triệu tấn.

Tại Hội nghị Thị trường Thủy hải sản Toàn cầu (GSMC) thường niên diễn ra vào tháng 1/2020 tại Mỹ, các chuyên gia vẫn dự báo sản lượng năm 2020 sẽ tăng, đạt khoảng 4 triệu tấn (Dự báo của GSMC luôn thấp hơn so với của GOAL). Cả 2 dự báo này đều cho rằng sản lượng của 2 nước này sẽ tăng trong năm 2020. Tuy nhiện, lệnh phong tỏa 21 ngày khiến cho nguồn cung hải sản của Ấn Độ ngay cả trong tháng 4/2020 cũng trở nên thiếu chắc chắn. Nhiều nhà máy chế biến và đóng gói ở nước này đã dừng hoạt động. Doanh thu của người nông dân quy mô nhỏ cũng như các doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực này bị sụt giảm. Nhiều người nuôi tôm nước này sẽ không thể sớm hồi phục sản xuất sau dịch bệnh.

Ngành tôm bước vào năm 2020 đầy khó khăn khi nguồn cung nhiều và giá thấp, tiếp theo đó là Covid-19 tấn công Trung Quốc, rồi lan sang Châu Âu dúng mùa lễ hội – khi nhu cầu thường tăng cao.

Vào cuối năm 2019 và trong hai tháng đầu năm 2020, các nhà xuất khẩu tôm của Ecuador đã cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc - nơi chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu của họ.

Tháng 2/2020, trong khi Trung Quốc phong tỏa hoàn toàn để chống lại virus, doanh số bán tôm Ecuador sang Mỹ đã tăng 19,4% so với cùng kỳ, một phần do giá thấp. Trong thời gian gần hai tháng kiểm dịch, lượng tiêu thụ tại Trung Quốc giảm mạnh. Mặc dù vậy, xuất khẩu tôm của Ecuador, bao gồm cả những sản phẩm sang Trung Quốc, vẫn tiếp tục tăng hàng năm trong suốt tháng Hai.

Trung Quốc hiện chiếm chiếm 7,5% tổng nhập khẩu tôm toàn cầu. Từ vị trí thứ 6 ở năm 2017, Trung Quốc vươn lên vị trí nước nhập khẩu tôm đứng thứ 3 trên thế giới và năm 2018 về trị giá và đến năm 2019 vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới về khối lượng. Năm 2019 ngành nuôi tôm nội địa của Trung Quốc sụt giảm do dịch bệnh trong khi tiêu thụ trong nước tăng, dẫn tới nhập khẩu tôm tăng gần gấp 3 so với năm trước, đạt 718.000 tấn, trị giá 4,44 tỷ USD. Nhu cầu nhập khẩu tôm để tiêu thụ trong nước và chế biến tái xuất khẩu của Trung Quốc những năm gần đây liên tục tăng. Tôm luôn là sản phẩm được quan tâm nhiều nhất trong các hội chợ triển lãm về thủy sản ở Trung Quốc.

Nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong quý I/2020 ước tính giảm mạnh do dịch Covid-19. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu tôm từ Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan vào Trung Quốc 2 tháng đầu năm 2020 đều đồng loạt giảm do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc giảm do các nhà hàng đóng cửa, người dân hạn chế đi lại, khách du lịch vắng bóng; lưu thông, vận chuyển hàng hóa, tiếp nhận nhập cảng bị đình trệ.

Từ cuối tháng 2/2020, dịch bệnh Covid-19 lan sang Châu Âu với số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng. Tiếp đến dịch bệnh lan sang Mỹ và gần đây nhất là Châu Mỹ Latinh và những nơi còn lại trên thế giới. Italia, quốc gia bị tổn thất nhất Châu Âu với dịch Covid-19, đã buộc phải đưa ra biện pháp phong tỏa trên toàn quốc, tương tự như Trung Quốc. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường thủy sản nước này – nơi hàng năm thường nhập khẩu thủy sản trị giá tới 4,7 tỷ EUR, trong đó 10% là nhập khẩu tôm.

Trong tháng 2/2020, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc giảm gần 60%. Mặc dù vậy, trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu sang phương Tây vẫn diễn ra thuận lợi vì khi đó dịch bệnh chưa lan sang Mỹ và Châu Âu. Số liệu thống kê của hải quan cho thấy, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 2 đạt 194,5 triệu USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm, đưa tổng xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 383,4 triệu USD, tăng 2,6% so với cùng kỳ 2019, nhờ xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc đều tốt.

Kể từ khi do dịch bệnh bùng phát ở phương Tây, xuất khẩu tôm của Việt Nam bắt đầu chậm. Tháng 3, nhiều nhà nhập khẩu đã thông báo hoãn, dừng đơn hàng. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết chỉ 30-50% đơn hàng được giao bình thường theo hợp đồng đã ký. 20-40% các đơn hàng bị khách yêu cầu tạm hoãn hoặc hủy và rất ít đơn hàng mới. Các thị trường bị hoãn giao hàng hoặc hủy đơn chủ yếu tại châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc...Nguyên nhân chủ yếu mà khách hàng đưa ra là Chính phủ các nước đóng cửa biên giới vì Covid-19. Khách không bán được hàng nên không nhập nữa, chưa kể các cửa hàng dịch vụ thực phẩm cũng ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng khó khăn không ít trong di chuyển và thực hiện các hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa.

Về triển vọng thị trường tôm những tháng còn lại của năm 2020, các chuyên gia nhận định, giá giảm thấp và xuất khẩu gặp khó như hiện nay sẽ khiến cho nguồn cung giảm mạnh. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh qua đi, giá tôm có thể sẽ tăng vọt trở lại.

Theo Rabobank cho biết, số đơn đặt hàng mua tôm giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm nay chắc sẽ ảnh hưởng tới giá tôm trong 6 tháng cuối năm, vì lượng tôm dư cung hiện nay sẽ được tích lại trong kho lạnh. Ông Nikolik của Rabobank cho rằng, ngành nuôi tôm Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngành tôm Ecuador đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ, các doanh nghiệp lớn của nước Nam Mỹ này có thể sẽ phải cố gắng tiêu thụ phần lớn sản lượng tôm trên thị trường nội địa cũng như dự trữ khối lượng lớn trong các kho lạnh.

Tại Triển lãm Hải sản Quốc tế 2020 diễn ra tại Ấn Độ, các chuyên gia nhận định giá tôm chắc chắn sẽ giảm do khủng hoảng vì dịch bệnh. Một số người cho rằng, giá tôm thấp có thể kéo dài không chỉ ở Ecuador mà cả ở Ấn Độ, Thái lan và các nước sản xuất khác.

Mặc dù vậy, giá sẽ hồi phục mạnh khi dịch bệnh qua đi mà nguồn cung cạn kiệt vào cuối năm nay. Hiện giá tôm ở Mỹ và Châu Âu đều đang thấp hơn nhiều so với tháng 1/2020, nhưng thị trường tiêu thụ Trung Quốc đang hồi phục dần. Mặc dù vậy, giá chưa thể tăng vào lúc này, kể cả ở thị trường Trung Quốc.

Nguồn: VITIC/undercurrentnews



Báo cáo phân tích thị trường