Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê và dầu thô: Giống nhau một ván bài
28 | 04 | 2020
Những ngày qua, giá cà phê trong nước có lúc mất mốc 29 triệu đồng/tấn, được cho là mức thấp nhất từ giữa năm 2010 đến nay. Tính riêng từ cuối tháng 1/2020 khi thế giới bắt đầu bùng phát đại dịch COVID-19 từ Vũ Hán (Trung Quốc), giá cà phê nội địa giảm chừng 3,5 triệu đồng/tấn.

Giá thấp, xuất khẩu vẫn nhiều, tại sao?

Việt Nam cùng nhiều nước thực hiện chế độ “giãn cách xã hội” đã làm giao dịch cà phê xuất khẩu chậm lại, nên mua bán trên thị trường nội địa rất hạn chế. Hầu hết giá công bố trên thị trường đều xuất phát từ những lô hàng đã gởi vào kho.

“Doanh nghiệp tôi còn gần 2.000 tấn chưa chốt bán, bây giờ giá xuống thế này không biết làm sao?’, chủ một đại lý thu mua ở Đắk Lắc lo lắng thổ lộ.

Thường hàng được bán vào kho là những hợp đồng được nhà xuất khẩu mong giá tăng để chốt giá chính thức ở mức cao đặng hưởng lợi. Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua, giá cà phê phái sinh robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường sử dụng làm tham chiếu, mỗi lúc một đi xuống.

“Chốt giá thì không dám vì giá mua cao hơn giá bán, bán xong rồi chắc gì mua được bằng lượng đã bán, nên đành phải cưỡi lưng cọp”, chủ doanh nghiệp cho biết.

Khi được hỏi tại sao nói bán hàng không chạy nhưng lượng xuất khẩu vẫn lớn, nhiều người cho biết rằng lượng cà phê xuất khẩu hiện nay thực ra đã nằm sẵn trong kho người mua. Họ (bên mua) có quyền giao hàng hay bán cho ai thì tùy, còn người bán hàng xuất khẩu như chúng tôi chỉ có việc đợi thị trường lên để chốt giá cuối cùng. 

Tùy theo mức giá niêm yết trên sàn, nếu chốt được theo London ở mức cao, thu tiền nhiều, thấp thì ít hơn… còn ai bị chặn lỗ thì không có đồng nào.

"Thậm chí nếu bị chặn lỗ giá thấp, còn phải trả thêm cho người bán”, nhân viên phòng kinh doanh của một công ty xuất khẩu giải thích.

Bộ phận thống kê của Tổng cục Hải Quan cho biết nửa đầu tháng 4-2020, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt gần 82,5 ngàn tấn trị giá 136 triệu đô la Mỹ. Như vậy, tính từ đầu năm đến hết kỳ báo cáo, Việt Nam xuất khẩu được gần 600 ngàn tấn trị giá hơn 1 tỉ đô la.

Giá dầu thô kéo giá cà phê xuống?

Tuần qua, người kinh doanh cà phê thực sự lo ngại thấy hợp đồng giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch âm khi vào ngày thông báo giao hàng đầu tiên (first notice day - FND) cho kỳ hạn tháng 5-2020 trên sàn này. 

Người kinh doanh cà phê từng chứng kiến nhiều lần sức ép bán đè nặng lên giá cà phê cứ mỗi khi đến FND, nhưng giá giao dịch âm như hợp đồng WTI thì vừa rồi mới được thấy vì đấy là lần đầu tiên trong lịch sử thị trường phái sinh.

Ngày thông báo giao hàng đầu tiên được hiểu là thời gian cận kề phải thanh lý những hợp đồng đã mua cho tháng sắp trở thành tháng giao ngay (spot month). Nếu người mua nào không làm thủ tục nhận hàng, đều phải tất toán bằng cách bán ra dù phải thua lỗ đến mấy. Đó chính là trường hợp “đau đầu” của hợp đồng dầu thô WTI cơ sở tháng 5-2020 trong tuần qua.

Giá dầu thô có ảnh hưởng rất lớn đến mặt bằng chung của các thị trường hàng hóa thương phẩm nói chung. Một khi giá dầu thô xuống, thường kéo theo những mặt hàng có ít nhiều quan hệ rớt theo. Vả lại, vốn trên thị trường tài chính đều liên thông, nên “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” chính là vậy.

Kinh nghiệm giá dầu WTI cần được rút tỉa trong cách kinh doanh cà phê hiện nay. Nên hiểu hợp đồng WTI giao dịch tháng 5-2020 “tự do” rớt xuống mức âm là do nhiều nhà kinh doanh dầu thô sàn này nuôi giá lên, tức họ có niềm tin rằng giá dầu sẽ tăng do đó tích tụ hợp đồng mua khống với lượng cực lớn.

Nhìn lại giá hợp đồng WTI, ta thấy đầu tháng 1-2020, giá vẫn còn 60 đô la/thùng. Nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát, tiêu thụ dầu thô giảm nhanh, giá cứ thế giảm. Khi xuống đến mức ngang bằng với giá những năm đầu thập niên 2000, nhiều nhà đầu tư (thực ra nên gọi là đầu cơ giá lên) tưởng các mức ấy là “thấp quá rồi” và tung tiền đặt cược vào mua.

Được biết lượng tiền bơm vào từ đầu năm 2020 đến trước FND lên đến 6,2 tỉ đô la. Do mạnh niềm tin giá dầu WTI thế nào cũng tăng, người đầu cơ giá lên phải trả giá. Chỉ trong vài ngày tính đến 21-4-2020, giới đầu tư hợp đồng dầu WTI đã thua lỗ 3 tỉ đô la do mua khi giá cao và phải bán lúc giá thấp.

Thật ra, các quỹ đầu tư lớn và nhiều quỹ bảo vệ (hedge funds) có thông tin từ trước bằng cách mua dữ liệu từ các hãng trí tuệ nhân tạo (AI), họ đã phỗng tay trên bằng cách thanh lý bán trước, và người chịu trận chính là những nhà đầu tư nhỏ lẻ, những công ty vốn ít do không tiếp cận được cơ sở dữ liệu của thị trường vì rất tốn kém.

Giá dầu thô làm giá cà phê giảm mạnh?

Cú sụp đổ giá của hợp đồng dầu thô WTI lan sang hai sàn cà phê? Không hẹn mà gặp, bản thân hai sàn cà phê phái sinh tuần qua cũng vào thời kỳ FND cơ sở tháng 5-2020.

Giá sàn robusta kỳ hạn tháng 5-2020 có lúc chạm 1.073 đô la Mỹ/tấn, là mức sâu nhất tính từ tháng 6-2006 để đóng cửa 24-4-2020 tại 1.098 đô la/tấn. Trong khi đó, sau một tuần, giá arabica mất 10,80 cts/lb tương đương với -238 đô la/tấn.

Như vậy, giá cà phê phái sinh tuần qua giảm cũng có phần “hao hao” như dầu thô WTI. Hai sàn cà phê gặp FND, chịu sức ép phải bán, mua lúc giá còn cao và phải bán khi giá thấp, nhưng mức độ chưa bì được với WTI.

Để tránh trường hợp này tái diễn, thông tin là quan trọng. Có phải lúc nào cũng đầu cơ giá lên, hay trong trường hợp WTI và cà phê robusta London vừa qua, nên tính đường giảm hay “đầu cơ giá giảm”? Đôi khi những thông tin về thị trường quá “màu hồng”, vẽ đường tích cực, sẽ đưa đến sai lạc trong nhận định đối với nhà vườn và giới kinh doanh nông sản trong nước, vốn ít tiếp cận với thông tin thị trường trên diện rộng. 

Tốt nhất là tập hợp được cho mình và doanh nghiệp những thông tin khả dĩ chính xác, có đánh giá độ tin cậy của thông tin, làm như một “hội chẩn” của các bác sĩ đối với một ca bệnh.  Vì khi nào đầu cơ giá lên, khi nào đầu cơ giá xuống, chỉ cần một nhận định sai là tiêu tán sự nghiệp.

Sở dĩ nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa vẫn tồn tại hàng trăm năm nhờ họ rất giữ kỷ luật và hạn chế tối đa dạng đầu cơ giá như đã nói. Chỉ có lãnh đạo công ty mới có quyền đặt cược giá lên hay xuống với chừng 5% đến tối đa 10% khi rõ xu hướng, còn chủ yếu chỉ mua đâu bán đó.

Vì suy cho cùng, kinh doanh theo sàn phái sinh, giá chẳng biết mức nào là cao, mức nào là thấp. Có khi tưởng giá thấp, mua vào vẫn lỗ, tưởng bán mức cao nhưng cứ thua. Vì sao? Các sàn phái sinh đang trở thành nơi kinh doanh tài chính dưới dạng đầu cơ. Người ít tiền không thể mua thông tin, nhưng các quỹ đầu tư giàu có lại thừa sức biết từ tâm lý thị trường, vị thế mua bán để chờ đến khi thuận lợi… là “hốt sòng”.

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn



Báo cáo phân tích thị trường