Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cao su thế giới phục hồi sau cú giảm mạnh vì dịch COVID-19
05 | 05 | 2020
Xu hướng giá cao su đã tăng trở lại nhưng vẫn ở mức thấp do lo ngại nhu cầu yếu trong bối cảnh COVID-19 làm giảm tăng trưởng kinh tế, nhu cầu cao su cho sản xuất công nghiệp toàn cầu ở mức thấp.

Số liệu của Bộ Công Thương cho biết trong tháng 4/2020, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt sau khi giảm mạnh trong những ngày đầu tháng 4/2020 do lo ngại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ cao su đã phục hồi trở lại, nhưng vẫn giao dịch ở mức thấp.

Cụ thể tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM), ngày 28/4 giá cao su giao kì hạn tháng 5/2020 giao dịch ở mức 139,1 Yên/kg, tương đương 1,3 USD/kg, tăng 2,3% so với cuối tháng 3/2020, nhưng giảm 26,5% so với cuối tháng 4/2019.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), ngày 28/4, giá cao su RSS3 giao kì hạn tháng 5/2020 giao dịch ở mức 9.600 NDT/tấn, tương đương 1,35 USD/kg, tăng 1,6% so với cuối tháng 3/2020, nhưng giảm 15,8% so với cuối tháng 4/2019.

Tại Thái Lan, ngày 28/4, giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 42,3 Baht/kg, tương đương 1,3 USD/kg, tăng 2% so với cuối tháng 3/2020, nhưng giảm 23,2% so với cuối tháng 4/2019.

Diễn biến giá cao su RSS3 tại Thái Lan trong tháng 4/2020 (ĐVT: Baht/kg). Nguồn: Bộ Công Thương/thainr.com.

Theo Bộ Công Thương giá cao su vẫn ở mức thấp do lo ngại nhu cầu yếu trong bối cảnh COVID-19 làm giảm tăng trưởng kinh tế, nhu cầu cao su cho sản xuất công nghiệp toàn cầu ở mức thấp.

Cụ thể, hãng sản xuất lốp xe hàng đầu Nhật Bản, Bridgestone Corp, ngày 20/4 thông báo sẽ tạm dừng hoạt động ở 11 nhà máy của hãng, trong đó có 8 nhà máy sản xuất lốp xe, cho đến đầu tháng 5/2020 do nhu cầu thị trường giảm.

Công ty Nissan Motor Co 7201.T của Nhật Bản cũng có kế hoạch giảm 78% sản lượng xe hơi sản xuất nội địa trong tháng 5/2020 so với tháng 5/2019, do tiêu thụ của công ty giảm.

Hiệp hội các hãng sản xuất cao su và lốp ô tô châu Âu cho biết nhu cầu lốp ô tô trên toàn châu Âu cũng giảm mạnh trong quí I/2020. 

Bên cạnh đó, lệnh phong tỏa tại Ấn Độ đã tác động mạnh tới hoạt động sản xuất cao su tại bang Kerala – bang sản xuất cao su lớn nhất của Ấn Độ. Thời gian thu hoạch mủ cao su tại bang này đã liên tục bị thay đổi do lệnh phong tỏa kéo dài. Những người trồng cao su nhỏ lẻ tại Ấn Độ đang phải đối mặt với khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên tại Thái Lan, nhu cầu sản xuất găng tay y tế đã tạo ra cú hích lớn đối với ngành cao su của Thái Lan. Theo Cơ quan quản lí ngành cao su Thái Lan, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, như găng tay, lốp ô tô, tấm cao su đàn hồi đã tăng 10% trong 2 tháng đầu năm 2020.

Hiện xuất khẩu lốp ô tô của Thái Lan chiếm 51% kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ cao su, cao su tổng hợp và găng tay cao su lần lượt chiếm 19% và 11%.

Nguyên nhân chính thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cao su của Thái Lan là do hoạt động sản xuất tại Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi và Malaysia đã bắt đầu mở cửa biên giới trở lại, khơi thông hoạt động thương mại cao su với quốc gia láng giềng.

Tại Campuchia, theo Tổng cục Cao su thuộc Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp, và Thủy sản Campuchia, trong quí I/2020, xuất khẩu cao su của Campuchia đạt 53.057 tấn, tăng 10% so với cùng kì năm 2019; giá xuất khẩu trung bình đạt 1.394 USD/tấn, giảm 1,2% so với cùng kì năm 2019. 

Malaysia, Việt Nam, Singapore và Trung Quốc là các thị trường xuất khẩu cao su chủ yếu của Campuchia. Hiện quốc gia này có 405.485 ha đồn điền cao su, trong đó 250.750 ha, tương đương 62% là đủ tuổi để khai thác mủ.

Theo Kinh tế và Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường