Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lao đao vì COVID-19, xuất khẩu cao su tháng 3 giảm đến hơn 41% về lượng và 39% về giá trị
01 | 04 | 2020
Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su đạt 227.000 tấn, trị giá 331 triệu USD, giảm 33% về lượng và giảm hơn 26% so với cùng kì năm 2019.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 15 ngày đầu tháng 3/2020, xuất khẩu cao su đạt 30.050 tấn, trị giá 43,45 triệu USD, giảm 13,5% về lượng và giảm 14,7% về trị giá so với 15 ngày trước đó; đồng thời giảm 45,7% về lượng và giảm 43,3% về trị giá so với cùng kì năm 2019.

Giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.446 USD/tấn, giảm 1,4% so với 15 ngày trước đó, nhưng tăng 4,4% so với cùng 15 ngày đầu tháng 3/2019.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3/2020, xuất khẩu cao su đạt gần 197.200 tấn, trị giá 287,62 triệu USD, giảm 32,5% về lượng và giảm 24,7% về trị giá so với cùng thời gian của năm 2019; giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.459 USD/tấn, tăng 11,6% so với mức giá xuất khẩu trung bình của cùng kì năm 2019. 

Cục Xuất nhập khẩu uớc tính, tháng 3/2020 xuất khẩu cao su đạt 60.000 tấn, trị giá 87 triệu USD, giảm 22,5% về lượng và giảm 23,3% về trị giá so với tháng 2/2020, giảm 41,5% về lượng và giảm hơn 39% về trị giá so với tháng 3/2019. 

Tính chung 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su đạt 227.000 tấn, trị giá 331 triệu USD, giảm 33% về lượng và giảm hơn 26% so với cùng kì năm 2019.

Tại thị trường trong nước, trong 10 ngày giữa tháng 3, giá mủ cao su nguyên liệu tại Đắk Lắk ở mức thấp, hiện giá thu mua mủ nước tại vườn và nhà máy của các doanh nghiệp chế biến tại Đắk Lắk lần lượt đạt 228 đồng/độ TSC và 230 đồng/độ TSC.

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG) sẽ đầu tư thêm 3 nhà máy chế biến cao su tại khu vực miền Bắc do dự báo sản lượng cao su tại khu vực này sẽ tăng trong thời gian tới. 

Theo đó, trong năm 2022, công ty cao su Lai Châu II sẽ đầu tư dây chuyền chế biến mủ cao su SVR10, SVR20, với công suất 5.000 tấn/năm. Ngoài ra, công ty cao su Điện Biên sẽ đầu tư vào nhà máy chế biến mủ RSS với công suất 3.000 tấn/năm.

Năm 2020, công ty cao su Dầu Tiếng – Lào Cai sẽ đầu tư vốn vào một nhà máy chế biến mủ cao su SVR10 và SVR20, với công suất 3.000 tấn/năm để phục vụ cho các công ty tại khu vực Đông Bắc.

Hiện tại khu vực miền núi phía Bắc, VRG có nhà máy chế biến cao su Châu Thuận – Sơn Lam với công suất hàng năm 6.000 tấn và nhà máy chế biến cao su Lai Châu với công suất hàng năm 5.000 tấn.

Năm 2023, nhà máy chế biến cao su Lai Châu sẽ bắt đầu vận hành giai đoạn 2 của dự án với công suất hàng năm 4.000 tấn, đưa tổng công suất lên 9.000 tấn/năm. Hai nhà máy này sẽ đáp ứng nhu cầu chế biến của toàn khu vực.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

 



Báo cáo phân tích thị trường