|
Giá cao su mua vào của một số chủng loại cao su xuất khẩu như SVRC, SVRL, SVR10, SVR20… - Nguồn: Agromonitor |
Sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này dẫn đến rủi ro hiện hữu: chỉ cần Trung Quốc ngưng mua là ngay lập tức cao su Việt Nam rơi vào cảnh lao đao. Đây là một trong những nội dung của bản tin tuần cao su của Công ty cổ phần Phân tích và Dự báo Thị trường Việt Nam công bố, được chuyên trang Nông sản lược ghi dưới đây.
Xuất vào thị trường Trung Quốc quá nhiều
Giá cao su đang ở mức cao, kim ngạch xuất khẩu lớn, tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại một diễn biến bất thường về giá cao su và những bất cập trong việc tổ chức xuất khẩu của Việt Nam. Hiện có 80% cao su Việt Nam phục vụ xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu sang thị trường láng giềng Trung Quốc.
Sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường này dẫn đến rủi ro hiện hữu: chỉ cần Trung Quốc ngưng mua là ngay lập tức cao su Việt Nam rơi vào cảnh lao đao. Thêm nữa, khi giá cao su tăng cao người dân thường sẽ phá bỏ các loại cây trồng khác có thu nhập thấp để trồng cây cao su, dẫn đến thực trạng cung vượt cầu, đẩy giá xuống và hiện tượng “được mùa mất giá” hoàn toàn có thể xảy ra.
Qua đây, giới chuyên gia nhận định: doanh nghiệp Việt Nam nên tham gia sàn giao dịch nhằm mục đích cập nhật giá cả minh bạch, những thông tin của thị trường trong và ngoài nước, từ đó nhận định được các thuận lợi cũng như rủi ro phục vụ việc xây dựng kế hoạch kinh doanh.
Biến động giá
Mở đầu tuần 22 (30/5 – 3/6), giá các chủng loại cao su SVRCV, SVRL, SVR 10, SVR 20 ngày 30/5 đồng loạt tăng nhẹ so với phiên chốt 27/5. Giá SVRCV, SVRL, SVR 10, SVR 20 dao động nhẹ khoảng 0,3% lần lượt đạt các mốc 107.800 đồng/kg, 103.900 đồng/kg, 92.800 đồng/kg và 92.600 đồng/kg.
|
Giá cao su bán ra của một số chủng loại cao su xuất khẩu như SVRCV, SVRL, SVR10, SVR20 |
Mức giá này được duy trì ổn định qua ngày 31/5. Phiên ngày 1/6, trong khi SVRCV, SVRL tỏ ra điểm tĩnh, tăng đều 0,4% lên đạt 108.300 đồng/kg, 104.300 đồng/kg; SVR 10, SVR 20 – vốn là hai chủng loại có dao động giá lớn – bất ngờ tăng 1,2% (tức 1.100 đồng), chạm mức 93.900 đồng/kg và 93.700 đồng/kg.
Thương mại
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê, lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu trong tháng 5/2011 ước đạt 40 ngàn tấn, trị giá 176 triệu đô la, tăng 11,4% về lượng và tăng 12,6% về trị giá so với tháng 4, nhưng tăng đến 72% về lượng và tăng 165 % về trị giá so với cùng kỳ năm 2010. Trong 5 tháng đầu năm 2011, tổng lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu lên đến 240 ngàn tấn và trị giá 1,05 tỉ đô la, tăng 31,1 % về lượng và tăng đến 113 % về kim ngạch xuất khẩu.
Như vậy, trong năm 2011, đến tháng 5, cao su đã vượt mốc 1 tỉ đô la, rất sớm so với các năm trước (tháng 8 năm 2010, tháng 11 năm 2009 và tháng 8 năm 2008).
Theo thông tin từ Tập đoàn Cao su Việt Nam, giá cao su đang có xu hướng tăng trở lại và hiện giá loại SVR 3L (loại cao su xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam) đạt mức 99,5 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 3,5 triệu đồng/tấn so với cách đây hai tuần. Dù chưa đạt mức cao kỷ lục cách đây hai tháng (khi đó giá cao su đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, gần 120 triệu đồng/tấn) nhưng đây cũng là mức giá khá tốt cho ngành cao su trong nước.
Giá xuất khẩu tăng tạo điều kiện cho giá mủ tươi trong nước cũng tăng nhanh chóng. Một số nơi giá mủ cao su tươi đạt 30.000 – 36.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, nguồn tin từ Trung tâm thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương cũng cho thấy, giá cao su nước ta xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái đang giảm đáng kể, hiện chỉ còn 31.600 NDT/tấn, so với mức 32.000 – 33.000 NDT/tấn cách đây 2 tuần.
Nguồn cung đang trong xu hướng tăng tương đối mạnh, có thể là nguyên nhân chủ yếu khiến giá cao su xuất khẩu tụt dần xuống. Nhiều doanh nghiệp và thương gia Trung Quốc tỏ ra chưa cần sốt sắng ký hợp đồng nhập khẩu như giai đoạn cuối tháng 4, đầu tháng 5 mà còn lưỡng lự chờ giá giảm thêm nữa mới vào cuộc.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến khoảng trung tuần tháng 6, giá cao su thiên nhiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn ở tình trạng giảm nhẹ. Các đơn vị tham gia xuất khẩu cao su thiên nhiên cần phối hợp với nhau điều tiết sản lượng đưa vào giao dịch đạt mức trung bình khoảng 600 tấn/ngày để giữ giá không cho giảm hơn hiện nay, sau đó khôi phục lại xu hướng tăng giá.
Triển vọng
Trong tháng qua, thị trường hàng hoá đã chứng kiến phiên giảm điểm lịch sử hôm 5/5, khi giá dầu giảm tới 12 đô la/thùng trong 1 ngày, do lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, thị trường hàng hoá đang dần lấy lại được phong độ. Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô tuần qua duy trì ở mức trên 100 đô la/thùng. JPMorgan tin rằng OPEC chắc chắn sẽ tăng hạn ngạch sản xuất lên 27 triệu đến 27,5 triệu thùng/ngày tại cuộc họp sắp diễn ra vào ngày 8/6 tại Vienne.
Hãng này đã điều chỉnh tăng mức dự báo về giá dầu Brent trong 12 tháng tới lên 130 đô la/thùng từ mức 107 đô la/thùng. Dầu Brent đã tăng giá 21% trong năm nay, do bạo loạn ở Trung Đông và Bắc Phi gây lo ngại về nguồn cung.
Trong thời gian tới, cao su sẽ chịu tác động từ hai yếu tố trái chiều: nhu cầu yếu từ Trung Quốc do chính sách thắt chặt tiền tệ, và sản lượng cao su toàn cầu không cao như dự đoán.
Hiệp hội Sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC) vừa điều chỉnh giảm lần thứ 2 liên tiếp dự báo về mức tăng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu năm 2011 xuống 9,936 triệu tấn, tức là thấp hơn 5,8% so với 10,025 triệu tấn dự báo cách đây 1 tháng, và thấp hơn 6,4% so với dự báo một năm trước đây. Sản lượng năm 2010 là 9,47 triệu tấn.
Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng của Indonesia và Philippines sẽ không cao như dự kiến. Sản lượng của Indonesia được dự báo sẽ chỉ đạt 2,891 triệu tấn, thấp hơn mức 2,972 triệu tấn dự báo cách đây một tháng, trong khi sản lượng của Philippines được cho là sẽ đạt 107.000 tấn, so với 114.000 tấn dự báo trước.
Biến động thị trường thế giới
Tuần 30/5 – 3/6, cao su thiên nhiên thế giới chứng kiến sự hồi phục giá mạnh mẽ. Trên sàn Tocom, Thượng Hải, NMCE, giá giao dịch của tất cả các chủng loại đồng loạt tăng. So với phiên chốt tuần 21 (27/5), giá RSS 2 tăng 66,1 đô la/tấn, tương đương 1,3% từ 5252,7 đô la/tấn lên mức 5.318,8 đô la/tấn. Giá cao su RSS 3 cũng tăng 33 đô la/tấn (khoảng 0,6%) lên 5.219,7 đô la/tấn.
Sở dĩ giá cao su có tháng tăng đầu tiên (tháng 5) trong năm 2011 là do triển vọng nhu cầu mạnh mẽ từ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Nhật Bản và Mỹ, trong khi Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải tăng cường mua dự trữ.
Dự trữ cao su thiên nhiên tại Sở giao dịch Kỳ hạn Thượng Hải giảm 3.655 tấn xuống còn 10.291 tấn tính đến cuối tháng 5 – thấp nhất kể từ tháng 1/2003.
Cũng theo Ủy ban Nghiên cứu Cao su Thái Lan, cung cao su ở nước này vẫn hạn chế do mưa kéo dài ở miền Nam, khu vực chiếm 80% tổng sản lượng cả nước. Cùng với đó, sản lượng của các nước sản xuất chủ chốt dự kiến sẽ không đạt mục tiêu đề ra cho năm nay vì cung giảm từ Indonesia và Philippines.
Báo cáo mới đây của Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su Thiên nhiên cho thấy, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu sẽ tăng 5,8% trong quí 2 năm nay, thấp hơn mức tăng 10,5% dự kiến trước đó. Trong quí đầu năm, sản lượng cao su đã tăng 10,1%. Như vậy, triển vọng nhu cầu tăng mạnh kết hợp với triển vọng nguồn cung đang có nhiều hạn chế đã giúp đẩy giá cao su thiên nhiên tuần qua về mức ưa đãi cho nông dân sản xuất.
Đô la Mỹ trượt giá cùng với thực tế dầu thô vẫn duy trì ở mức trên 100 đô la/thùng (117 đô la/thùng ngày 31/5) đã kích thích hoạt động mua và dự trữ hàng hóa.
Chỉ số giá hàng hoá CRB Reuters – Jefferies CRB tăng 1% trong ngày và tăng 1,4% trong tuần, tổng cộng nhích lên 2,6% trong 3 tuần tăng liên tiếp vừa qua. Động thái này cũng góp phần không nhỏ trong chuyển biến tích cực của mặt hàng nguyên liệu cao su.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn