Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cao su tắc ở mậu biên
14 | 09 | 2011
Từ hơn hai tuần nay, doanh nghiệp xuất khẩu cao su Việt Nam không bán được bất kỳ ký mủ nào tại thị trường mậu biên với Trung Quốc.

Ngày 13.9 tại cửa khẩu Lục Lầm, Quảng Ninh, ông Lê Văn Xướng, trưởng văn phòng đại diện công ty TNHH MTV cao su Bình Long tại Quảng Ninh, cho biết hoạt động mua bán mủ cao su giữa thương nhân Trung Quốc và doanh nghiệp Việt Nam vẫn đóng băng…

Trung Quốc giảm mua để giảm giá

Việc xuất khẩu cao su tại cửa khẩu đã gặp khó khăn từ đầu tháng 7.2011. Trong suốt tháng 7 và kéo dài đến tận cuối tháng 8, cứ cách vài ba ngày thương nhân Trung Quốc lại không mua hàng một ngày, nhưng đến hai tuần gần đây thì họ ngưng hẳn.

Theo ông Lê Văn Xướng, phía bên kia cửa khẩu Lục Lầm, các lực lượng thanh tra hải quan, kể cả công an Trung Quốc ngày nào cũng tới kiểm tra, họ không cấp phép thông quan nên thương nhân không tổ chức mua mủ từ phía Việt Nam.

Bà Trần Thị Thuý Hoa, tổng thư ký hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, việc Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát hoạt động nhập khẩu cao su mậu biên từ đầu tháng 7.2011 đến nay không có gì bất ngờ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Đây là chính sách thường xuyên được Trung Quốc áp dụng nhằm kiểm tra việc kinh doanh của các thương nhân tại cửa khẩu. Bà Hoa nhìn nhận chính sách “đóng biên” của Trung Quốc còn nhằm giảm nhiệt giá mủ cao su vốn có xu hướng tăng khá mạnh từ đầu năm đến nay.

“Khi Chính phủ cho mở cửa khẩu thì ắt sẽ có nhiều thương nhân Trung Quốc mua mủ, nhu cầu tăng làm tăng giá. Muốn giá giảm thì chỉ có cách bớt mua lại, và biện pháp tăng cường thanh kiểm tra, hạn chế cấp phép mà hải quan Trung Quốc đang làm hiện nay được coi là hiệu quả nhất”, bà Hoa nói. Chính sách kiểm soát nhập khẩu ngay lập tức tác động đến giá mủ cao su, giá mủ đã giảm từ 31.500 NDT từ giữa tháng 8 xuống còn dưới 29.000 NDT vào tuần đầu tháng 9 này.

“Tôi nghĩ giá sẽ còn giảm nữa vì chẳng ai mua bán được gì”, ông Xướng cho hay.

Phía doanh nghiệp Việt Nam lãnh hậu quả

Đi cùng với việc các cơ quan hải quan kiểm tra gắt gao tại cửa khẩu, hầu hết các ngân hàng Trung Quốc đồng loạt thắt chặt phương thức thanh toán như hạn chế hoặc ngưng cấp hối phiếu cho những hợp đồng mua bán mủ cao su giữa doanh nghiệp Việt Nam và thương nhân Trung Quốc. Theo ông Hà Văn Chảy, chuyên viên phân tích giá và thị trường thuộc tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, do nhà nhập khẩu (người mua Trung Quốc) bị hạn chế cấp hối phiếu khi thanh toán nhập khẩu hàng hoá từ Việt Nam, những nhà nhập khẩu này huỷ các kế hoạch nhập hàng cũng như các hợp đồng đã ký kết với các doanh nghiệp Việt Nam, gây nên sự tồn đọng, ùn ứ mặt hàng cao su tại biên giới làm cho giá cả tại thị trường này bị sụt giảm liên tục chưa thấy điểm dừng.

Ngoài ra, việc không cấp hối phiếu cho những lô hàng đã được nhà xuất khẩu (người bán Việt Nam) xuất sang Trung Quốc xong, trước khi có sự thay đổi cơ chế thanh toán mậu biên, dẫn đến sự thiệt thòi cho những doanh nghiệp nói trên trong việc lập thủ tục xin hoàn thuế giá trị gia tăng.

Theo ông Chảy, do đang vào vụ cạo mủ nên nhiều doanh nghiệp, nhất là các cơ sở nhỏ trước đây phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì bây giờ gặp nhiều khó khăn. “Họ phải chấp nhận tồn kho trong lúc chi phí đầu vào cao là một gánh nặng thật sự”, ông Chảy nói.

Từ đầu tháng 9 cho đến hết quý 1 năm sau là vào mùa cạo mủ cao su, sản lượng chiếm tới 60 – 70%. Chính sách kiểm soát nhập khẩu cao su mậu biên đang gây ra nhiều khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam, bởi thị trường Trung Quốc vẫn chiếm 60 – 65% sản lượng xuất khẩu cao su Việt Nam. Theo hiệp hội Cao su Việt Nam, tám tháng đầu năm 2011, doanh nghiệp xuất khẩu 449.000 tấn (thu về 1,9 tỉ USD, tăng 4,1% về lượng và 64,9% giá trị) thì riêng thị trường Trung Quốc chiếm hơn 60%.

Bó tay thúc thủ!

Theo bà Hoa, vài năm trở lại đây doanh nghiệp có nhiều cố gắng chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, nhưng số lượng tăng chưa đáng kể do chính sách áp thuế mà thương nhân Trung Quốc phải chịu lên tới 25% (tiểu ngạch 0%) và phương thức mua bán mậu biên vẫn khá đơn giản, nhanh gọn nên được người mua, người bán lựa chọn. Trong khi đó, mục tiêu đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc cũng không hề dễ dàng vì không phải doanh nghiệp nào cũng có thế mạnh công nghệ, sản lượng, tiềm lực vốn để đàm phán với nước ngoài. Hơn nữa, muốn xuất khẩu chính ngạch đi các thị trường khó tính thì chất lượng mủ cao su phải đạt chuẩn quốc tế, nhưng hiện nay có khá nhiều diện tích cao su tiểu điền do doanh nghiệp tư nhân thu mua, sơ chế qua loa nên phải phụ thuộc vào thị trường được coi là khá dễ tính như Trung Quốc.

Rõ ràng, với chính sách ăn xổi, không chịu đầu tư bài bản vào công nghệ chế biến, thì rất khó để có sản lượng mủ đạt chất lượng, sự phụ thuộc vào thị trường đầy rủi ro như Trung Quốc là khó tránh.

Theo Hoàng Bảy

SGTT


Báo cáo phân tích thị trường