Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khó xuất khẩu cao su sang thị trường châu Âu
11 | 08 | 2010
Mặc dù nhu cầu nhập khẩu cao su của thị trường châu Âu rất lớn, song khả năng xâm nhập là rất khó khăn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cao su Việt Nam, do sản phẩm xuất khẩu không đáp ứng được yêu cầu của thị trường.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), trong 7 tháng đầu năm 2010 xuất khẩu cao su cả nước đạt 314.000 tấn, trị giá 865 triệu USD, mặc dù giảm 6,1% về lượng nhưng tăng tới 78,9% về giá trị so cùng kỳ năm 2009, với đơn giá bình quân đạt 2.744 USD/tấn, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước.

Theo VRA, so với cùng kỳ 2009, mặc dù lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có sự sụt giảm mạnh (trong đó tháng 5 sụt giảm mạnh nhất với mức 46% so với tương ứng 2009), do Trung Quốc ngừng giao dịch cao su biên mậu, song Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cao su Việt Nam, với sản lượng đạt trên 160.000 tấn trong 7 tháng, chiếm trên 50% tổng sản lượng cao su xuất khẩu.

Mặc dù cuối tháng 6, Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu trở lại theo đường biên mậu, tuy nhiên chính sách hạn chế số lượng các DN nhập khẩu của Trung Quốc khiến cho việc xuất khẩu cao su tại các cửa khẩu tiểu ngạch không ổn định, giá cả tăng giảm thất thường.

Bà Trần Thúy Hoa, Tổng thư ký VRA cho hay, để tránh những khó khăn trong xuất khẩu cao su, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới thay vì chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc. Đây là lý do khiến các thị trường xuất khẩu khác đều có mức tăng đáng kể so với cùng kỳ 2009, như Malaysia tăng 4,6%, chiếm 5,4% thị phần; Đài Loan tăng 58,9%, chiếm 4,8% thị phần; Đức tăng 70,8%, chiếm 4,4% thị phần; đặc biệt thị trường Nga tăng tới 137,9% chiếm 3,4% thị phần...

Theo đánh giá của VRA, thị trường châu Âu được xem là có tiềm năng đối với cao su Việt Nam, tuy nhiên khả năng xâm nhập rất hạn chế, do nhu cầu của thị trường này cần các chủng loại cao su cao cấp (SVR CV) và chủng loại SVR 10, SVR 20. Tuy nhiên, đây lại là những chủng loại mà Việt Nam sản xuất được rất ít cũng như chất lượng thiếu ổn định.



Theo InfoTV
Báo cáo phân tích thị trường